Ngôi chùa cổ thâm nghiêm giữa lòng Hà Nội
Vào một buổi chiều xuân, khi những vạt nắng vội khuất sau rặng mây phía trời xa, lộ ra một màu buồn bàng bạc, tôi tìm về chùa Láng. Một ngôi chùa cổ nằm sâu giữa lòng Hà Nội, gần 2 trường đại học nổi tiếng top đầu của Thủ đô: Trường Đại học Ngoại Thương và Học viện Ngoại giao.
Thăng trầm thời gian có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng vùng đất vàng son một thuở này vẫn luôn níu chân du khách bằng những điều thật đẹp và cổ kính. Chùa Láng, còn được gọi là Chiêu Thiền tự. Chữ Chiêu Thiền tự được giải thích rằng: "Đất phúc cõi thiêng duy có chùa Chiêu Thiền bậc nhất. Vì có điềm tốt rõ rệt, nên gọi là "Chiêu". Đây là nơi sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên gọi là "Thiền"".
Theo Hoàn Long huyện chí, Thiền sư Từ Đạo Hạnh từng sang Tây Thiên tu luyện phép nhà Phật. Cuộc đời của vị Thiền sư được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Sau khi Thiền sư lên núi tu luyện, hóa thân đầu thai vào làm con trai Sùng Hiền hầu (em ruột Lý Nhân Tông), rồi được truyền ngôi vua là Lý Thần Tông.
Ông là người đặt nền móng cho giáo lý Phật học mang tính dân gian, mở đầu cho môn phái Mật Tông. Ông cũng là danh nhân văn hóa-nghệ thuật khi phát triển diễn xuất nghệ thuật Chèo độc đáo. Bởi vậy, chùa Láng ngoài thờ Phật còn thờ Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông.
Chùa Láng được tu sửa nhiều lần, lớn nhất là vào năm Thịnh Đức thứ tư (Bính Thân 1656); trong chùa còn giữ được 15 tấm bia đá ghi lại những năm sửa chữa và đắp tượng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.
Chùa Láng thời xưa. Ảnh tư liệu: Mạnh Hải
Bước chân thời gian...
Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, tác giả Philippe Papin, có nói về việc sau khi lên ngôi, chỉ trong vòng hai năm 1010 và 1011, triều đình đã cho xây dựng rất nhiều đền chùa. Năm 1063 người kế tục vua Lý Thái Tông đã lập một đàn tế lớn ở đền Thánh Chúa phía Tây kinh thành nhằm cầu xin một thái tử. Năm 1085, "hoàng hậu đi chơi khắp các nơi núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp". Cũng để cầu xin một thái tử nối dõi, năm 1115, vợ vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng gần một trăm ngôi chùa.
Lời cầu xin của hoàng hậu đã trở thành hiện thực và sau khi thái tử lên ngôi lấy hiệu là Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1128-1138), ông đã cảm ơn Đức Phật và các nhà sư bằng cách cho xây chùa Láng. Công trình hoành tráng nằm bên bờ sông Tô Lịch này có tám bia khắc, hai chuông đồng và gần hai trăm tượng Phật.
Chiêu Thiền tự khi xưa. Ảnh tư liệu: Mạnh Hải
Còn cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cho biết "di tích lịch sử lâu đời nổi tiếng ở Yên Lãng có chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự ở Láng Thượng. Tương truyền chùa đó là do Lý Thần Tông dựng lên để thờ Từ Đạo Hạnh. Ở Láng thượng còn có chùa Nền, chùa làm trên nền nhà cũ của Từ Vinh là cha của Từ Đạo Hạnh và chùa Thưa thờ người chị của Từ Đạo Hạnh".
Chốn thiền tâm giữa lòng Hà Nội
Bước chân thời gian lặng lẽ đi qua, chùa Láng đã trở thành một chốn thiền tâm trong tâm thức người Hà Nội và du khách thập phương. Không chỉ người dân khắp cả nước ngày nay tìm đến thăm chùa Láng như một nơi giúp xóa bỏ muộn phiền, tận hưởng giây phút thư thái hay cầu bình an. Mà nơi đây xưa kia còn được người Pháp rất coi trọng. Họ gọi chùa Láng là Pagode des Dames.
Vẻ đẹp của chùa Láng được ca ngợi trên văn bia rằng nơi đây "Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp".
Hiếm có ngôi chùa nào ở Hà Nội được vây quanh bởi cảnh sắc thiên thiên phong phú như chùa Láng. Ngay từ cổng vào đến sân vườn được bao bọc bởi hàng cây cổ thụ tạo nên không gian mát mẻ, trong lành. Xung quanh vườn tháp, vườn rau hay ao chùa đều có cây xanh rợp bóng. Chẳng thế mà, chùa Láng được mệnh danh là "đệ nhất tùng lâm" (bởi nơi này từng có rừng thông đẹp nhất phía Tây thành" ở đất kinh kỳ xưa.
Ngay từ đường lớn, cổng chùa gồm 4 cột vuông cao vút khắc câu đối, có khảm sứ. Ba mái cong được gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên tạo nên nét đẹp mềm mại, khá giống với kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa xưa.
Sau cổng tam quan nội là con đường lát gạch, có hai hàng muỗm già cổ thụ đã gần nghìn tuổi dẫn đến cổng vào chùa. Một trong những điểm đặc biệt của chùa Láng là nhà Bát giác. Đây là nơi đặt tượng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Nhà Bát giác còn được gọi là nhà Bảo Cái, được xây dựng giữa sân chùa, nhà Bát giác có mái chồng 2 tầng, tổng 16 mái. Trên mái đắp 8 tượng rồng tượng trưng cho 8 đời vua nhà Lý. Sau nhà Bát giác đến ngay Thượng điện, nhà thiêu hương, nhà Tổ,..,
Hằng năm, lễ hội chùa Láng được tổ chức long trọng vào ngày 7 tháng 3 âm lịch. Đây là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trước đó cả nửa tháng, tất thảy thanh niên trai tráng trong làng đã tập dượt phần rước kiệu, đi quanh chùa.
Chùa Láng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia vào năm 1962.
***
Mặc dù đã trải qua thử thách của thời gian, nhưng chùa Láng vẫn giữ được những đặc trưng cốt lõi từ xưa. Đến thăm chùa Láng, du khách không chỉ tìm thấy vẻ đẹp yên bình của thiên nhiên mà còn gột bỏ được những ưu phiền, tìm được sự thanh tịnh chốn thiền tâm.
Chùa Láng không phải là một ngôi chùa đồ sộ và xa hoa, nhưng lại là nơi lưu giữ lịch sử của Hà Nội như một minh chứng rõ ràng cho sự tồn tại lâu dài của nó. Ấy chính là sự lấp đầy nét đẹp văn hóa, tinh hoa của dân tộc và chùa Láng cũng là nơi mà chúng ta cần giữ gìn, trân trọng để xứng là nơi "đẹp nhất vùng Sơn Nam, đất thiêng hun đúc của quý, người tài"...
Đến thăm chùa Láng như thế nào?
Chùa Láng ngày nay tọa lạc tại 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Chùa Láng nằm tại nơi thuận tiện di chuyển của các phương tiện giao thông. Bạn có thể chọn ô tô, xe máy, xe bus, taxi đều được.