Di dời 17 phiến đá lạ ra khỏi lăng mộ cổ, 30 năm sau, chuyên gia đau lòng nhận ra họ đã mắc sai lầm

TAMMY | 26-05-2021 - 21:22 PM

(Tổ Quốc) - Tới năm 2002, giới khảo cổ Trung Quốc mới nhận ra điều kỳ lạ khi nhiều mảnh đá tương tự lần lượt được phát hiện tại nhiều tỉnh thành phố như Thiểm Tây, Sơn Tây.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ khảo cổ. Ngành khảo cổ học bắt đầu xuất hiện tại đất nước tỷ dân từ năm 1928, khi nhà nghiên cứu Dong Zuobin tiến hành cuộc khai quật thử nghiệm lần đầu tiên tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Kể từ thời điểm đó, hàng nghìn lăng mộ lớn nhỏ đã được khai quật trên khắp Trung Quốc, có những di chỉ vô cùng hoành tráng về quy mô như di chỉ Bán Pha - tàn tích của khu định cư thời đại đồ đá mới, niên đại 5600 - 6700 năm, hay lăng mộ Tần Thủy Hoàng không ai không biết tên; song vẫn có những ngôi mộ nhỏ bé mà mang nhiều giá trị lịch sử quan trọng.

17 phiến đá lạ trong lăng mộ cổ

Cam Túc là một tỉnh nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, giáp địa phận tỉnh Govi-Altai của Mông Cổ. Trong quá khứ, Cam Túc từng là địa điểm xuất hiện trên Con đường tơ lụa giao thương với phương Tây.

Các thương nhân đi trên Con đường tơ lụa có thể dừng chân tại ốc đảo Đôn Hoàng (Cam Túc) để đổi lấy những lạc đà còn khỏe mạnh, thực phẩm và người bảo vệ cho cuộc hành trình đầy nguy hiểm qua sa mạc Taklamakan. Nhờ đó mà Đôn Hoàng trở thành điểm giao thoa văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo giữa các quốc gia cổ đại.

Di dời 17 phiến đá lạ ra khỏi lăng mộ cổ, 30 năm sau, chuyên gia đau lòng nhận ra họ đã mắc sai lầm - Ảnh 1.

Ngôi mộ cổ được phát hiện ở tỉnh Cam Túc. Ảnh: Sohu

Năm 1982, một đội xây dựng ở Cam Túc đang thi công thì phát hiện ngôi mộ cổ dưới lòng đất. Các chuyên gia khảo cổ nhanh chóng được điều động đến hiện trường kiểm tra, sau khi vào đến hầm mộ, họ xác nhận đây là ngôi mộ cổ bình thường, không có gì quá đặc sắc.

Tổng cộng 30 di vật văn hóa bao gồm cặp tóc vàng, chân đèn, gương đồng... được vận chuyển ra bên ngoài, cho thấy chủ mộ là một quan chức địa phương có cuộc sống tương đối dư dả lúc sinh thời.

Bên trong lăng, ngoài quan tài của chủ mộ đội khảo cổ còn tìm thấy 17 phiến đá lớn. Các chuyên gia nhận định đây là các mảnh ghép của một bức bình phong đá, không có nhiều giá trị nghiên cứu nên 17 phiến đá được chuyển vào kho của bảo tàng thành phố Thiên Thủy (Cam Túc).

30 năm mới nhận ra sai lầm

Năm 2002, giới khảo cổ Trung Quốc bắt đầu nhận ra điều kỳ lạ khi nhiều bức bình phong đá đi kèm quan tài tương tự bức ở Cam Túc được phát hiện lần lượt ở Sơn Tây, Thiểm Tây và các tỉnh khác. 

Tới năm 2012, bảo tàng thành phố Thiên Thủy mới lấy lại 17 phiến đá cất dưới tầm hầm lên để trùng tu, lúc này một số hoa văn lờ mờ trên phiến đá đã được quan sát thấy.

Di dời 17 phiến đá lạ ra khỏi lăng mộ cổ, 30 năm sau, chuyên gia đau lòng nhận ra họ đã mắc sai lầm - Ảnh 3.

Bức bình phong có giá trị tương đương với một di tích văn hóa hạng A. Ảnh: NetEase

Các chuyên gia của Hội đồng thẩm định di tích văn hóa Trung Quốc đã kết luận được đây chính là bức bình phong của lăng mộ quý tộc Sogdiana.

Sogdiana là một tộc người cổ đại ở Trung Á thường di chuyển trên con đường tơ lụa từ thời Đông Hán đến nhà Tống. 

Tư liệu lịch sử viết về người Sogdiana còn sót lại rất ít. Bức bình phong trong lăng mộ ở Cam Túc đã hé lộ nhiều thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa của tộc người này, đáng lẽ phải được coi là di tích văn hóa hạng A.

Tuy nhiên, do đánh giá sai lầm của các chuyên gia trong 30 năm đầu được khai quật, di vật đã bị bỏ trong tầng hầm tối tăm, ẩm thấp làm hư hại nhiều mảnh đá, gây tổn thất lớn cho công trình khảo cổ sau này. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa, khiến các chuyên gia khảo cổ hối hận không thôi.

Đây không phải lần duy nhất các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc mắc sai lầm khi xử lý di tích văn hóa. Năm 1961, những bức tượng binh mã bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng bị oxy hóa nghiêm trọng và mất đi màu sắc vốn có khi các nhà khảo cổ vội vàng khai quật chúng lên khỏi mặt đất.

Bài viết tham khảo từ Sohu

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM