Khi lên máy bay, bao giờ cũng sẽ có 1 - 2 tiếp viên hàng không đứng sẵn ở cửa cabin, nhiệm vụ của họ không chỉ là cúi chào hành khách như bạn nghĩ. Các tiếp viên đều được đào tạo qua các lớp học tâm lý để nắm bắt nhanh đặc điểm cũng như biểu hiện đặc biệt của các hành khách.
Dù chỉ tiếp xúc qua vài giây, tiếp viên vẫn có thể nhận biết được nhiều thông tin thông qua một số dấu hiệu của hành khách.
Lời đáp
Tiếp viên hàng không sẽ để ý những ai cúi chào/ nói lời chào đáp lại họ khi bước vào cabin. Đó không phải bài kiểm tra về phép lịch sự, mà là tìm kiếm những người cởi mở, thân thiện. Trong trường hợp khẩn cấp, tiếp viên sẽ tìm tới những người đó để nhờ sự giúp đỡ đầu tiên (ví dụ như nhờ hỗ trợ di chuyển, nhờ điều phối các hành khách khác, nhờ khuân vác khi có sự cố…).
Vóc dáng
Tương tự như những ai thân thiện thì những người có vóc dáng to khoẻ sẽ được chú ý phòng những trường hợp cần sức mạnh thể chất. Ví dụ khi máy bay gặp nạn cần người mở cửa thoát hiểm, hỗ trợ giải cứu hành khách… Những người to khoẻ cũng thường được xếp ngồi ở gần cửa thoát hiểm. Phụ nữ và trẻ em thì ít được xếp ở vị trí này hơn.
Người mắc bệnh tâm lý
Những người mắc chứng sợ không gian hẹp, sợ độ cao, sợ máy bay… sẽ biểu lộ dấu hiệu ngay từ khi bước vào cabin. Các tiếp viên hàng không được đào tạo để nhận ra những biểu hiện nhỏ nhất. Những hành khách này sẽ nhận được sự để ý đặc biệt suốt chuyến bay, được cung cấp thuốc khẩn cấp khi cần.
Người say xỉn hoặc bị ốm
Người say xỉn hay bị bệnh đều có thể trạng cơ thể không khoẻ nên đều được để ý sát sao. Nhưng với người ốm thì sẽ trong trạng thái hỗ trợ còn với người say xỉn là trạng thái đề phòng, tránh trường hợp gây rối, nôn mửa xảy ra trong cabin, ảnh hưởng tới các hành khách khác.
Nguồn: Rambler