Khi tôi đặt tay gõ những dòng chữ này, chiếc iPod Touch gen 4 của tôi đang chơi những giai điệu du dương của City of the Sun. Là món quà từ bố mẹ từ những ngày tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, năm nay chiếc iPod Touch này sẽ tròn 10 năm tuổi.
Đúng vậy, đó là một thiết bị "cỗ lỗ sĩ" hết mức. iPod Touch 4 chỉ được cập nhật lên iOS 6, phiên bản iOS cuối cùng sử dụng giao diện "giả chất liệu" vô cùng rườm rà của Apple. Bộ nhớ trong chỉ có vỏn vẹn 32GB, chỉ đủ để tôi tải vào một vài album không lời để nghe trong khi làm việc tại nhà. Dù rằng được trang bị một hệ điều hành đầy đủ nhưng tôi cũng chỉ dùng chiếc iPod này để nghe nhạc mà thôi. Lướt web trên màn hình 3.5 inch giờ là không thể, cấu hình máy cũng đã quá yếu để tôi có thể sử dụng bất kỳ một ứng dụng nào.
Nhưng trên tất cả, chiếc iPod Touch của tôi vẫn còn hoạt động được, vẫn là một thiết bị có nghĩa trong gia đình của tôi. Dù rằng, pin đã chai đến mức tôi phải cắm sạc 24/7.
Hơn ai hết, Apple biết cách tạo ra những sản phẩm còn thay pin là còn sử dụng được tiếp...
Quả thực, toàn bộ thế giới hi-tech trong những năm vừa qua đã có những bước tiến vượt bậc về độ bền. Apple có thể coi là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực này. Năm 2020, bạn vẫn sẽ thấy xung quanh mình vẫn sẽ có những chiếc iPhone 6 hay thậm chí là iPhone 5 vẫn hoạt động tốt. Máy Mac mini đời 2012 giờ vẫn có thể bán được với giá gần chục triệu đồng.
Sự bền bỉ của những cỗ máy cũ không có nghĩa rằng chúng ta sẽ giữ chúng lại mãi mãi - cũng như bạn, tôi thích được cập nhật smartphone, PC, tablet và các thiết bị phần cứng khác. Nhưng ít nhất, với các thiết bị này, chúng ta có LỰA CHỌN để giữ cho chúng hoạt động đến cả chục năm (hoặc hơn thế nữa). Thực tế, trừ trường hợp bị hỏng nặng tại các linh kiện cốt lõi (chip, main…), các thiết bị điện toán có thể dễ dàng được duy trì bằng cách thay pin hoặc chip nhớ.
"Nghề' sửa thiết bị còn phát triển đến nỗi cách đây vài năm có người đã tự dựng được iPhone từ linh kiện mua ở chợ Trung Quốc. Khi nghĩ cách "cứu" các thiết bị cũ, câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt không phải là "có thể không" mà là "có nên không". Khi chi phí sửa chữa trở nên quá cao so với giá trị còn lại của những món đồ cũ mới thực sự cần phải "chết".
Chi phí thay thế một bên tai khi đã chai pin khiến người dùng muốn vứt luôn tai cũ và mua nguyên bộ mới.
Đáng tiếc thay, AirPods và những chiếc tai nghe True Wireless có kiểu dáng tương tự không nằm trong số này. Mới đây, cậu bạn của tôi đã chứng kiến chiếc AirPods chưa đầy 2 năm tuổi đời trở thành… rác công nghệ vì chai pin. Apple từ chối sửa chữa, chỉ cho tùy chọn cung cấp mua mới ở mức giá 2 triệu đồng một bên tai.
Ở mức giá này, nhiều người sẽ bỏ AirPods và mua nguyên bộ mới. Nếu bỏ ra 2 triệu mua một tai sớm hay muộn bạn sẽ phải bỏ ra thêm 2 triệu nữa khi bên còn lại tất yếu bị chai pin. Tổng chi phí là 4 triệu đồng, trong khi một bộ AirPods mới "chưa bóc tem" cũng thường bán ở mức 4,6 triệu đồng mà thôi.
Cũng khó có thể trách những người phải đại diện cho bộ phận sửa chữa tại Apple. Sửa AirPods là gần như không thể khi iFixit đã từng chấm cho chiếc tai nghe này điểm 0/10 tròn trĩnh. AirPods có thân hình rất nhỏ, tháo ra để thay pin là đã trở thành một đống nhựa vụn. Kể cả có thay và lắp ráp lại được, chiếc AirPods đã sửa chữa vẫn dễ tạo ra cảm giác khó chịu khi tựa vào tai.
Thiết kế đặt pin trong cuống tai, vỏ là khối nhựa khiến AirPods trở nên không thể sửa chữa được.
Một số ít tai nghe True Wireless có cấu tạo cho phép thay pin khá dễ - Sony và Samsung là ví dụ. Nhưng phần còn lại, bao gồm Apple và những hãng tai nghe "nhái" kiểu dáng của AirPods đã trở thành một ngoại lệ đặc biệt của thế giới công nghệ. Dù có muốn, bạn cũng không có cách nào "cứu" được những chiếc tai nghe đã bị chai pin. Ai dùng đồ công nghệ cũng hiểu pin chai là chuyện sớm hay muộn, và với những thỏi pin chưa đến 100mAh, vòng đời của tai True Wireless thực sự bị giới hạn.
Đó là lý do tôi dù có mê trải nghiệm AirPods đến mấy cũng không dám bỏ tiền ra mua. Qua nhiều năm, Apple đã luyện cho tôi suy nghĩ rằng đồ công nghệ chưa hỏng main/chip thì chưa bao giờ… chết. iPhone hay iPad cũ quá bị chai pin thì thay pin rồi đưa cho các cụ làm phương tiện liên lạc. MacBook chai pin thì tháo pin ra rồi giữ lại làm media server hoặc cho trẻ con dùng để học đánh máy. iPod Touch cũng thay pin được, Apple Watch cũng thay pin được, nói chung đồ công nghệ miễn không hỏng nặng thì thay pin là CÓ THỂ dùng tiếp. Giá trị còn lại của chúng sẽ giảm dần về 0, nhưng miễn là không hỏng main/chip thì sẽ không bao giờ trở thành con số 0 cả.
Với AirPods, với tai nghe True Wireless, hai chữ CÓ THỂ này hoàn toàn biến mất. Khoản tiền mà bạn bỏ ra cho một cặp True Wireless sẽ dần dần trở thành con số 0 tròn trĩnh - hết pin là vứt đi, không có lựa chọn nào khác cả.
Với tai nghe Bluetooth từ các hãng "truyền thống", khi pin chai có thể gửi về hãng để thay thế hoặc đơn giản là... cắm dây.
Với AirPods và cả những chiếc tai nghe "nhái" AirPods, chỉ có một cách duy nhất để giải quyết khi chai pin: vứt đi.
May mắn là tôi vẫn có những lựa chọn khác. Vẫn có những chiếc True Wireless dễ thay pin từ Samsung và Sony. Các hãng tai nghe truyền thống vẫn luôn sẵn sàng thay pin cho tai nghe Bluetooth của họ với mức giá không quá đắt. Và dĩ nhiên, tai nghe Bluetooth cỡ lớn cũng có tùy chọn rất đơn giản: cắm dây.
Theo đúng định nghĩa "True Wireless", AirPods không có dây. Vòng đời của chiếc tai nghe này bị trói chặt vào những thỏi pin bé tí hon, không cách nào thoát ra được. Vì thế, AirPods có thông minh đến đâu thì tôi cũng sẽ chẳng bao giờ bỏ tiền túi ra mua. Tôi không thích ý nghĩ mua bất kỳ một thiết bị công nghệ nào về để chấp nhận sự thật rằng, sớm hay muộn chúng sẽ trở thành... rác.