Nhiều người thường nghĩ rằng đánh, mắng là cách hiệu quả để trẻ nhận ra lỗi sai và sẽ nhớ cho những lần sau. Tuy nhiên, theo kết quả từ một nghiên cứu thuộc ĐH Amsterdam, Hà Lan, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng: trẻ dưới 12 tuổi chưa thể hiểu và nhận ra lỗi sai cho dù cha mẹ có cố giải thích, đánh, mắng, hoặc ép trẻ phải nhận lỗi.
Khi nhìn đứa trẻ tội nghiệp, ríu rít nói "con xin lỗi mẹ" trong nước mắt, phụ huynh cho rằng sẽ giúp trẻ nhớ và không tái phạm nhưng thực ra kết quả hoàn toàn trái ngược. Trẻ vẫn sẽ tái phạm, cho dù bạn đã cố đánh trẻ thật đau để trẻ nhớ, việc bắt trẻ nhận lỗi dù bằng vũ lực hay giải thích cũng không làm trẻ cải thiện hành vi. Thậm chí vũ lực có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý lên trẻ hoặc phát triển các hành vi chống lại hay đối phó.
Vậy, làm sao để trẻ học cách nhận ra lỗi hay 1 hành vi trẻ đang làm là chưa đúng? Dưới đây là những nghiên cứu từ Chuyên gia - bác sĩ Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT), hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ.
TRẺ DƯỚI 12 TUỔI HIỂU VỀ LỖI SAI NHƯ THẾ NÀO?
Trẻ nhỏ không như người lớn chúng ta, trẻ thường không hiểu lỗi sai khi ai bảo "con đang làm sai" hoặc đánh mắng ép trẻ hiểu "con hư quá!". Cách hiệu quả nhất để não bộ trẻ trước 12 tuổi có thể hiểu đó là nhận thức về nguyên nhân - hệ quả.
Nếu hệ quả đi ngược lại điều mong muốn của trẻ hoặc không làm trẻ hứng thú hoặc không làm ai đó quan tâm, thì trẻ sẽ mặc định điều đó không được chấp nhận. Và lúc này, trẻ đủ thông minh để kết nối nguyên nhân - tức là hành vi trẻ đang làm - với hệ quả của nó. Đó là cách não trẻ hiểu về lỗi sai và dừng việc làm sai đó.
Chúng ta nên biết rằng cách não bộ trẻ học ở giai đoạn nhỏ chỉ là dựa trên trải nghiệm và đó là thứ "ngôn ngữ" mà não bộ trẻ hiểu.
THỰC HÀNH ĐỂ TRẺ HỌC VỀ LỖI SAI VÀ THAY ĐỔI HÀNH VI MỘT CÁCH TỰ NHIÊN
1. Dạy con về nguyên nhân - hệ quả
Đáp ứng của cha mẹ càng thống nhất trong cách xử lý hầu hết tình huống trẻ làm chưa đúng sẽ sớm tạo thành 1 nếp gấp trên não trẻ để trẻ hiểu "nguyên nhân - hệ quả".
2. Cách đưa ra hệ quả.
Đầu tiên: hệ quả cần đi đôi với 2 điều sau: không có ngoại lệ, không có khoan nhượng.
- Hệ quả nhàm chán hoặc không được phép
Ví dụ, trẻ dùng cách la hét để gây chú ý cho mẹ ở nơi đông người, mẹ cho trẻ thấy hành vi la hét này "không được phép". Mẹ có thể bỏ qua và không quan tâm đến hành vi của trẻ nếu hành vi đó không quá phiền phức. Nếu gây phiền phức, bạn chỉ nghiêm giọng nói "con đang làm ồn, mẹ không thích" và dừng quan tâm/đáp ứng với trẻ trong vài tiếng trước khi đáp ứng lại trẻ hoặc tiếp tục công việc bạn đang làm.
- Hệ quả hứng thú hoặc được phép
Khi trẻ làm tốt 1 việc gì đó, nên khen và khích lệ trẻ, nhưng lời khen chỉ nói đến nổ lực của trẻ. Ví dụ, bình thường trẻ xếp được 3 khúc gỗ chồng lên nhau, nhưng hôm nay trẻ xếp được 4 khúc gỗ, bạn nên khen "Bin giỏi quá, con đã xếp được 4 khúc gỗ rồi" và đập tay ăn mừng nếu có thể. Tránh khen sáo rỗng như "Bin giỏi quá!".
Tình huống khác cũng được gọi là hệ quả tích cực. Khi bạn cho thời gian hạn định 3 phút để trẻ lựa chọn 1 trong 2 món để mua, và trẻ chọn trong đúng thời gian cho phép thì hãy cho trẻ thấy "kết quả tích cực của bạn", đó là lời hứa và mua cho trẻ. Nếu trẻ cố kèo dài thêm dù đã chọn thì ngay lập tức hệ quả sẽ biến thành không được phép, nghĩa là "sẽ ra về mà không có món nào được mua".
3. Dạy trẻ hiểu về hành vi tốt từ những tình huống hàng ngày, chứ không phải chỉ lúc trẻ làm sai
Nhiều cha mẹ thường chỉ giải thích hay nói cho trẻ nghe khi trẻ thể hiện một hành vi sai, nhưng nó không hiệu quả với trẻ dưới 12 tuổi. Cha mẹ nên dạy hành vi tốt những khi trò chuyện, khi chơi với trẻ, khi đọc sách và thậm chí là làm gương cho trẻ thấy. Các trải nghiệm này mới là cách não bộ trẻ học và hiểu để có thực hành hành vi tốt trong tương lai.