Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới?

HẠ TRÂN | 31-10-2022 - 17:07 PM

(Tổ Quốc) - Không kết nối được với đồng nghiệp không những khó hòa nhập mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc.

Bước chân vào một môi trường mới ai cũng không khỏi bỡ ngỡ vì phải làm quen với cách làm việc và văn hóa của công ty. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận được những điều mới như đồng nghiệp, không gian làm việc,... Không ít những dân văn phòng gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thích nghi, trong nhiều trường hợp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc vì không kết nối được với đồng nghiệp. Vì vậy trang bị những kỹ năng để hòa nhập với môi trường làm việc chính là việc mà dân văn phòng nào cũng nên lưu ý.

Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Khó bắt nhịp được với đồng nghiệp

Trăn trở mỗi ngày của những dân công sở ngoài KPI sếp đưa xuống thì còn là loay hoay trong mớ hỗn độn mang tên “hòa nhập”. Công việc trưởng nhóm giao thì vẫn hoàn thành nhưng vào mỗi giờ ăn trưa hoặc ăn chiều thì lại không biết bắt chuyện như thế nào để tự nhiên, gần gũi với đồng nghiệp. Không những vậy, mỗi khi trong công việc có vấn đề cần sự hỗ trợ của nhiều bên thì lại không biết mở lời ra sao khiến tiến độ công việc chậm trễ nhưng khi được hỏi lý do thì lại “khó nói”.

“Tự bơi” trong công ty

“Tính chất công việc của mình là phải kết nối với nhiều phòng ban khác nhau để hoàn thành sản phẩm cuối cùng. Công việc sếp giao xuống nhưng lại để mình tự bơi, trưởng nhóm khá bận nên không hướng dẫn mình nhiều. Mình phải tự liên hệ với các bên liên quan để làm việc. Ban đầu với suy nghĩ đây là cơ hội tốt để mình có thể hòa nhập nhanh hơn, tuy nhiên điều này lại khiến mình bị lọt thỏm giữa mớ bòng bong khi không nắm rõ quy trình làm việc trong công ty. Và ngoài ra không có ai chủ động hay hỗ trợ giúp mình kết nối, hoà nhập.” - Chị Hoài Ngân, hiện đang là nhân viên Marketing tại TP.HCM chia sẻ. 

Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

“Ban đầu mình là một người khá hoạt bát và mang tâm thế rất muốn hòa đồng, nhưng dần dần lại cảm thấy thu mình vì đồng nghiệp chỉ nói chuyện với những người thân thiết. Khi cảm thấy không “bắt sóng” được với ai, mình quyết định chỉ làm việc và nhận lương, không có nhu cầu kết bạn. Trong thời gian đó mình đã từng trải qua cảm giác tự tách mình ra khỏi tập thể, tự đi ăn trưa một mình, tự làm việc một mình. Nếu có vấn đề cần sự giúp đỡ mình vẫn trao đổi bình thường, nhưng với những chuyện bên lề công việc, chia sẻ áp lực thì không. Những công việc trong công ty cũng là mình tự mày mò và hỏi han trưởng nhóm, ít khi nào bàn luận cùng các bạn trong team.” - Chị Bích Liên chia sẻ.

Cách biệt thế hệ với đồng nghiệp 

Mỗi thế hệ lại có những cách giao tiếp và làm việc hoàn toàn khác nhau. Vì vậy khi một người “trẻ” đi làm tại công ty “già” có thể sẽ khó hòa nhập tốt được và ngược lại.

“Vào một công ty có nhiều đồng nghiệp là các bà mẹ bỉm sữa cùng sếp U60 chính là trải nghiệm đầu đời của mình khi mới đi làm. Vì có sự cách biệt về tuổi tác nên những “trend” hoặc tin tức nóng hổi trên mạng xã hội mình khó mà chia sẻ. Các chị và các anh có những cách giải trí riêng của thế hệ mình không bắt nhịp được. Mỗi lần anh chị trong công ty trò chuyện mình cũng ít khi bàn luận chung vì đều là những chủ đề mình ít khi quan tâm." - Anh Thái Hoàng chia sẻ. 

“Những khác biệt lớn về suy nghĩ trong công việc cũng là một trong những lý do mình khó hòa nhập được khi vào làm việc ở những công ty nhiều các bạn trẻ tuổi. Mình khá quan tâm đến sự chỉn chu và ổn định của dự án, còn các bạn trẻ lại quan tâm đến sự đột phá và mới lạ. Đó là lý do mỗi lần bàn luận về công việc, những quan điểm của mình lại ít khi được nhiều người đồng tình." - Chị Trần Linh chia sẻ.

Chuyện hòa nhập tưởng khó nhưng lại dễ nếu nắm được những bí quyết này

Đừng bỏ qua việc ăn trưa cùng đồng nghiệp

Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới? - Ảnh 3.

Chị Thuý Vân

Ngoài giờ làm việc trên công ty thì thời gian nghỉ trưa rất thích hợp để làm quen và bắt chuyện với đồng nghiệp. Đây cũng là thời điểm hiếm hoi bạn có thể biết tên những người đồng nghiệp cùng công ty. Nếu đi ăn trưa nhiều lần, bạn sẽ nhanh chóng “bắt sóng” được đồng nghiệp và thoải mái hơn khi vào làm việc. 

“Ăn trưa là một trong những bước đầu tiên giúp mình dễ hòa nhập với đồng nghiệp mới. Mình sẽ dễ dàng hỏi về tuổi tác, công việc và sở thích, đồng thời cũng được kể nhiều về những chuyện hằng ngày trong công ty. Đây cũng là cách mình nắm bắt nhanh hơn về văn hóa doanh nghiệp và có những cách ứng xử phù hợp trong công việc. Đừng nên ăn trưa một mình vì điều này khiến bạn trở thành một người khó tiếp cận và không được hòa đồng. Ngoài ra, mình cũng thường chủ động rủ đồng nghiệp nấu cơm trưa chung để gắn kết hơn.” - Chị Thúy Vân chia sẻ. 

“Bước vào một môi trường làm việc mới mình rất ít khi từ chối lời mời ăn trưa của đồng nghiệp. Một phần vì buổi trưa mọi người thường đi hết chẳng có ai ở lại văn phòng, hai là mình cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về công ty. Có những chuyện chỉ buổi ăn trưa mới biết, còn lại thời điểm làm việc thì không ai kể cho bạn nghe.” - Anh Minh Hiền chia sẻ.

Thoải mái trò chuyện nhưng phải cẩn trọng

Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới? - Ảnh 4.

Chị Phương Ngân

Khi bước vào một môi trường mới, đừng ngại giao tiếp mà hãy chủ động bắt chuyện. Tuy nhiên những cuộc hội thoại phải mang lại giá trị cho người nghe, bắt chuyện vu vơ không mục đích sẽ khiến bạn mất điểm với đồng nghiệp. 

“Không phải làm quen vô tội vạ mà phải biết cách lắng nghe để thấu hiểu đồng nghiệp và bắt chuyện dựa trên mối quan tâm của từng người. Bạn có thể chủ động chia sẻ về bản thân của mình trước để mở lời với đồng nghiệp. Tuy nhiên, không nên chia sẻ quá sâu vào đời tư hoặc công việc cũ, bạn nên giữ lại cho riêng mình. Hoặc gặp nhau trong thang máy đừng tiếc câu chào, điều này giúp bạn ghi dấu ấn với mọi người hơn là sự im lặng. Mình luôn tươi cười khi trò chuyện, cố gắng không tỏ ra quá kiệm lời hoặc dè dặt vì điều đó sẽ khiến cho người đối diện khó xử." - Chị Phương Ngân chia sẻ. 

“Trong mỗi cuộc trò chuyện nhóm, mình sẽ lắng nghe và quan sát là chủ yếu. Thoải mái trò chuyện nhưng phải trong khuôn khổ, đừng nên nói về bản thân quá nhiều hoặc đùa quá trớn vì điều ấy sẽ làm một số đồng nghiệp cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, cũng đừng nên tham gia vào những cuộc hội thoại bàn về một đồng nghiệp vắng mặt của hội nào đó.” - Anh Minh Khoa chia sẻ.

Linh động thích nghi

Dân văn phòng làm gì khi khó hoà nhập trong môi trường làm việc mới? - Ảnh 5.

Chị Trà Mây

Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa làm việc khác nhau như quy định công ty, tác phong làm việc,...Điều quan trọng là bạn phải thích nghi và tìm hiểu kĩ về văn hóa để không bị “lạc quẻ” với những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên trong quá trình đó bạn không nên đánh mất đi cá tính và quan điểm của mình, mà chỉ tìm cách để hòa nhập với một môi trường mới. 

“Thích nghi với văn hóa của doanh nghiệp là một điều tốt, khiến bạn thoải mái và dễ hoà nhập hơn. Một khi bạn thoải mái với một thói quen mới bạn sẽ dễ mở lòng hơn, tích cực và ít gò bó hơn ở nơi làm. Nhưng cũng đừng vì vậy mà “cố đấm ăn xôi” với những văn hóa không phù hợp. Đây sẽ là nơi bạn sẽ trải qua 8 tiếng giờ hành chính mỗi ngày để làm việc, vì vậy hãy lựa chọn kĩ về môi trường làm việc. Theo mình, chỉ nên thích nghi với những môi trường thực sự quan tâm đến chia sẻ và cảm xúc của nhân viên, đồng thời tôn trọng cá tính riêng của mỗi người. - Chị Trà Mây chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Có một nơi chốn lưu giữ hàng triệu nụ cười Việt Nam!

Nụ cười giòn tan bên bạn bè, nụ cười e ấp của buổi hẹn hò đầu tiên, ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ được mẹ đưa đi khu vui chơi hay nụ cười đoàn viên của các gia đình bên nhau - Bao nhiêu ký ức rực rỡ của chúng ta đã được lưu giữ trọn vẹn ở Vincom suốt 20 năm qua...