Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 40Km theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, từ lâu, Hàm Lợn (Sóc Sơn) trở thành địa chỉ du lịch cuối tuần quen thuộc của rất nhiều gia đình. Chính khung cảnh bình yên, mang nét đơn sơ, gần gũi của ngọn núi này đã thu hút nhiều du khách đến đây cắm trại, thư giãn.
Mới đây, chị Vũ Kiều Thuỷ (33 tuổi, Hà Nội) đã đưa các con của mình địa điểm này để cặm trại. Hai con gái của chị (1 bé 7 tuổi, 1 bé hơn 3 tuổi) rất háo hức về chuyến đi. Chị Thuỷ chia sẻ: "Cắm trại là hoạt động thường xuyên của gia đình mình. Và Hàm Lợn là điểm đến lý tưởng. Cả nhà mình cắm trại tại núi này rất nhiều rồi mà vẫn thấy thích. Mình thường đưa con lên đây vào cuối tuần. Chúng mình di chuyển bằng xe cá nhân, đường dễ đi và khoảng cách không quá xa, chỉ khoảng 1h lái xe".
Theo mẹ trẻ, quãng đường di chuyển từ trung tâm Hà Nội lên núi Hàm Lợn khá dễ đi. Từ trung tâm thành phố, mọi người có thể chạy xe qua cầu Thăng Long đi theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài đến ngã tư giao với quốc lộ 2 thì rẽ trái theo hướng Vĩnh Phúc. Chạy thẳng đường này đến khi thấy biển báo đi tới Việt Phủ Thành Chương thì đi thẳng khoảng 2km nữa là sẽ tới hồ Hàm Lợn. Còn nếu không chủ động được phương tiện, mọi người có thể đến đó bằng xe bus.
"Trước mỗi chuyến đi, mình thường chuẩn bị lều, túi ngủ, bàn ghế (loại gấp gọn chuyên cho camping), đồ ăn, nước uống. Nhà mình chuẩn bị lều để ngủ qua đêm luôn. Lưu ý khi ngủ lều: đảm bảo cách nhiệt với nền đất bằng tấm lót chuyên dụng, mang đủ đồ giữ ấm như túi ngủ/chăn.
Vì có con nhỏ nên gia đình mình lưu ý mang theo thuốc chống muỗi/côn trùng, dầu tràm, mũ, quần áo để thay nếu con hoạt động ra mồ hôi hoặc bẩn. Và vài món đồ chơi phù hợp cho các con.
Đồ ăn mình tự mang theo, ưu tiên những đồ đơn giản gọn nhẹ để giảm thời gian chuẩn bị. Nếu ngại mang theo đồ ăn, hoặc không có thời gian chuẩn bị, mọi người cũng có thể đặt đồ ăn của người dân trong khu vực, có món gà và thịt nướng cũng rất ngon" - chị Thuỷ chia sẻ.
Đến đây các con được vui chơi, làm quen những người bạn mới.
Khi đến Hàm Lợn, cả nhà chị Thuỷ sẽ cùng nhau dựng lều trại. Sau đó sẽ đi kiếm củi đốt lửa nướng ngô, khoai. Các bạn nhỏ thì thích mê việc đi nhặt quả thông, nhặt hoài không chán! Ở đây, không gian rộng, trẻ con dắt nhau đi chơi quanh thoải mái mà không bị khuất tầm mắt của bố mẹ. Địa hình dốc nhẹ vừa phải nên vẫn an toàn. Bạn nhỏ nhà chị Thuỷ vẫn đi lại vui chơi được. Thi thoảng con có bị trượt chân nhưng nền đất có thảm lá thông nên bé không bị đau mà còn khoái chí trượt tiếp.
Ngoài ra, không gian thoáng đãng, yên bình, không khí trong lành tại núi Hàm Lợn, cũng khơi gợi hứng thú đọc sách, vẽ tranh... của các con. Bé nhà chị Thuỷ đã vẽ được bức tranh về cây rất đẹp tại nơi này.
Các bé có hứng thú vẽ tranh, đọc sách hơn.
Chị Thuỷ có một vài điểm lưu ý để chuyến đi thêm an toàn, thuận lợi. Đó là đối với các gia đình có con nhỏ, nên lựa chọn những khu cắm trại có người quản lý để đảm bảo an ninh, an toàn. Đến với Hàm Lợn, chị thường lựa chọn 1 vài điểm cắm trại có người tổ chức để đảm bảo mọi mặt cho cả nhà. Ngoài ra, khu cắm trại có địa hình bằng phẳng, độ dốc vừa phải, cắm trại ở khu vực sông hồ thì chọn nơi có rào chắn ngăn cách với mép nước. Về vấn đề thời tiết, nếu cắm trại qua đêm cần chú ý việc chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm. Có thể ngày rất nắng, nóng, nhưng đêm nhiệt độ có thể xuống rất thấp.
Mẹ trẻ cho hay: "Khi đưa các con thường xuyên ra ngoài chơi thế này, có rất nhiều lợi ích cho các bé. Hai con thêm gần gũi, yêu thiên nhiên hơn, rời xa được các thiết bị điện tử như TV, điện thoại... Tăng cường vận động và phát triển thể chất cho con bằng việc chạy nhảy, leo núi, đi kiếm củi, nhặt quả thông… Con sẽ trở nên tự tin hoà hợp hơn với mọi người. Bởi mỗi lần đi cắm trại, các bé nhà mình có cơi hội làm quen, tiếp xúc với nhiều bạn mới. Không những thế, bé nhà mình còn được học nhiều kỹ năng sinh tồn. Còn làm quen với những chuyến đi qua đêm như này, nên các bạn nhỏ không hề sợ tối, trời tối con có thể xách đèn đi chơi loanh quanh, bắt đom đóm (trong tầm mắt của bố mẹ).
Mình cũng giáo dục cho con rất sớm về ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi lần đi cắm trại, mình thường mang theo nhiều túi rác để các con bỏ đúng chỗ, và các bé cũng rất có ý thức về điều này. Ngoài ra bố mẹ còn chuẩn bị dụng cụ và khuyến khích các con đi thu gom rác quanh khu vực cắm trại. Dần dần, các bé quen với điều này và thậm chí còn chủ động tự đi nhặt rác để bỏ vào đúng nơi quy định".