Hệ thống sao lưu được tích hợp sẵn trong hệ điều hành Android đã cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua, nhưng đáng tiếc thay vẫn chưa đáp ứng được một số yêu cầu quan trọng của người dùng. Những thiếu hụt của nó càng trở nên rõ ràng hơn khi so sánh với hệ thống sao lưu iCloud của Apple dành cho iPhone – một hệ thống dù không hoàn hảo nhưng vẫn tốt hơn trong việc sao chép dữ liệu ứng dụng để người dùng không phải tốn hàng giờ đồng hồ thiết lập một thiết bị mới nữa.
Hầu hết mọi người không mong muốn phải sử dụng đến các bản sao lưu quá thường xuyên, có lẽ chỉ vài năm một lần mỗi khi họ nâng cấp lên một thiết bị mới. Nhưng đời có những ngã rẽ bất ngờ, và đó là lúc dịch vụ này thực sự phát huy hiệu quả. Nếu bạn làm hỏng hoặc đánh mất điện thoại, một bản sao gần nhất và hoàn chỉnh nhất của mọi thứ trong máy sẵn sàng chờ được lấy về từ Google Drive hẳn sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá, giúp bạn khôi phục và tiếp tục công việc mà không phải lo lắng quá nhiều. Không may là mọi thứ không đơn giản như vậy.
Những bất cập của hệ thống sao lưu trên Android
Đối với một hệ điều hành dày dặn kinh nghiệm như Android, quy trình sao lưu của nó vào thời điểm hiện tại vẫn còn khá nhiều điều phải cải thiện. Trong vài năm trở lại đây, đã có một số lỗi được ghi nhận có thể khiến việc sao lưu thất bại hoàn toàn. Ví dụ có một lỗi tồn tại suốt 9 tháng trời trước khi bị phát hiện, gây ảnh hưởng đến các thiết bị chạy Android 9 và 10 đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, khiến quy trình đồng bộ của Google Drive mắc kẹt mãi mãi ở trạng thái "đang chờ sao lưu". Những giải pháp khắc phục như tạm thời tắt tính năng màn hình khóa bảo mật có thể giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn, đủ để hoàn tất một lần sao lưu, nhưng không thể là một giải pháp dài hạn có thể chấp nhận được. Ngay cả khi các bản sao lưu Android đã thành công, và bạn có thể khôi phục một thiết bị, những lỗi ngẫu nhiên có thể được truyền lại trong quy trình sao lưu, khiến phần cứng mới gặp những vấn đề mà phần cứng cũ của bạn không gặp phải.
Một điểm căn bản nữa là Google Drive chỉ duy trì một bản sao lưu duy nhất của một điện thoại hay tablet. Do đó nếu có chuyện không may xảy ra trong khi bạn đang sao lưu vào tài khoản, như phần cứng lỗi hay "rớt" mạng, khả năng cao bản sao lưu thiết bị của bạn sẽ bị mất, vô tình khiến mục đích ban đầu của tính năng này là sao lưu dữ liệu trở nên vô nghĩa. Giả sử bạn sử dụng một chiếc điện thoại khác trong một thời gian ngắn (như iPhone chẳng hạn) và trở về Android, bạn nhiều khả năng sẽ không còn bản sao lưu nào để khôi phục nữa. Các bản sao lưu sẽ hết hạn sau 2 tháng, và Google sẽ không thông báo cho bạn biết trước khi họ xóa dữ liệu của bạn.
Vấn đề lớn nhất cho đến lúc này là Android không sao lưu và khôi phục dữ liệu ứng dụng như cách iOS làm. Có nhiều ứng dụng bên thứ ba khẳng định có thể làm điều Google không thể, cho phép bạn sao chép dữ liệu ứng dụng xuyên suốt giữa các thiết bị, nhưng chúng thường quá phức tạp đối với người dùng thông thường, và kết quả cũng phụ thuộc nhiều vào phần cứng và phiên bản hệ điều hành. Những giải pháp này cũng có khả năng sẽ không hoạt động được nữa mỗi khi một phiên bản Android mới ra mắt. Việc sao lưu dữ liệu nhạy cảm trên thiết bị không nên được giao cho các ứng dụng bên thứ ba ngay từ đầu – Google phải cung cấp cho người dùng một cơ chế đáng tin cậy cho vấn đề này.
Một số lời than phiền liên quan tính năng sao lưu của Android trên thực tế không hợp lý bởi những hạn chế chính đáng về mặt kỹ thuật. Ví dụ, bạn không thể sử dụng một bản sao lưu từ một phiên bản Android mới hơn để khôi phục một chiếc điện thoại đang chạy phiên bản cũ được. Tại sao? Vì phần mềm lỗi thời đôi khi không biết cách xử lý các dữ liệu mới, và nhiều vấn đề về tương thích có thể xuất hiện. Các bản sao lưu iCloud cũng gặp những hạn chế tương tự. Việc không thể khôi phục dữ liệu ứng dụng là điều có thể hiểu được, nhwung tại sao lại không thể khôi phục những dữ liệu như các thiết lập thiết bị và mật mã Wi-Fi? Nếu chuyển từ một phiên bản Android sang một phiên bản khác gặp nhiều vướng mắc, thì việc chuyển từ một hãng sang hãng khác cũng vậy – việc khôi phục bất kỳ dữ liệu nào cũng có thể thất bại mà không có lý do cụ thể. Vấn đề càng phức tạp hơn khi một số nhà sản xuất tìm cách thuyết phục bạn sử dụng các dịch vụ sao lưu độc quyền của họ, khiến bạn càng khó khăn hơn nếu có ý định chuyển sang dùng thiết bị của một nhà sản xuất khác.
Apple đơn giản là làm tốt hơn
Dù các bản sao lưu trên iPhone cũng gặp phải một số vấn đề tương tự, nhưng chúng vẫn vượt trội hơn Android ở nhiều điểm quan trọng. Khi bạn đang nhập vào một chiếc iPhone mới, nội dung chat iMessage của bạn sẽ tự động xuất hiện trở lại, bởi ứng dụng này tự sao lưu, riêng rẽ với sao lưu iCloud. Các tin nhắn SMS trên Android phải được khôi phục trong quá trình thiết lập thiết bị - nếu bạn quyết định không khôi phục bất kỳ dữ liệu nào trên thiết bị cũ, tin nhắn của bạn sẽ bị mất vĩnh viễn. Tin nhắn MMS cũng không được sao lưu, trừ khi bạn đăng ký gói Google One. Tất nhiên, có nhiều dịch vụ bên thứ ba có thể làm việc này tốt hơn, nhưng lẽ ra Google phải là người làm điều đó. Google chắc chắn biết cách đồng bộ đám mây thế nào là tốt nhất, cứ nhìn Gmail, Google Calendar, Google Photos, và danh bạ lưu vào tài khoản Google là biết – quả là đáng tiếc khi họ không làm được điều tương tự với SMS.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy iCloud giúp khôi phục trạng thái của một ứng dụng dễ dàng hơn, nhưng điều này cũng đúng với toàn bộ hệ điều hành iOS. Cả hai hệ điều hành đều khẳng định sẽ sao lưu hoàn chỉnh mọi ứng dụng và dữ liệu của chúng, nhưng trên thực tế, cách làm của Apple ưu việt hơn nhiều. Sau khi khôi phục iPhone từ một bản sao lưu, bạn sẽ không cần phải đăng nhập trở lại vào phần lớn các ứng dụng và game, và mọi thiết lập và tùy chọn bạn đã thực hiện cũng sẽ hiện diện trên thiết bị mới, giống hệt lần cuối bạn dùng chúng trên thiết bị cũ. Nhờ đó, việc chuyển từ một iPhone sang một iPhone khác mượt mà và dễ dàng hơn, điều mà người dùng Android có mơ cũng không có được.
Màn hình cài đặt ở trên chắc chắn sẽ khiến chúng ta tin rằng dữ liệu ứng dụng sẽ được sao lưu vào Google Drive trên Android, nhưng thực tế, bạn chẳng thể chắc chắn được những ứng dụng nào hỗ trợ sao lưu toàn bộ dữ liệu, và những ứng dụng nào không. Một điều không mấy tốt lành là nhiều nhà phát triển ứng dụng không muốn tích hợp tính năng này bởi rất khó để làm điều đó và khả năng gây ra lỗi rất cao. Ngoài ra, mỗi ứng dụng cũng chỉ được cấp 25MB lưu trữ - dung lượng này có thể dư dả với một số ứng dụng, nhưng lại không đủ cho một số ứng dụng khác. Vì vậy, để đỡ nhọc công, các nhà phát triển Android "lơ đẹp" khả năng hỗ trợ sao lưu dữ liệu ứng dụng thay vì mò mẫm để giúp mọi thứ hoạt động ổn định. Ngược lại, Apple tự động sao lưu dữ liệu ứng dụng người dùng thông qua iCloud trên iOS, dù nhà phát triển có thích hay không. Điều này buộc các nhà phát triển phải làm sao để dữ liệu ứng dụng của họ gọn gàng nhất có thể, để quá trình sao lưu được hiệu quả hơn – đó là lý do tại sao người dùng khi chuyển sang một chiếc iPhone mới đều cảm thấy việc khôi phục điện thoại diễn ra thật êm đềm.
Ngay cả khi một ứng dụng Android hỗ trợ sao lưu toàn bộ dữ liệu, vẫn có nhiều lý do khiến bạn không thể trải nghiệm quá trình khôi phục mượt mà như iPHone. Nếu bạn chuyển đổi giữa hai thiết bị Android đến từ hai nhà sản xuất khác nhau, vấn đề tương thích ứng dụng thường khiến dữ liệu ứng dụng không thể khôi phục được. Vấn đề phân phối các bản cập nhật Android trên các thiết bị đang có mặt trên thị trường càng khiến mọi việc trầm trọng thêm – nhiều khả năng sau khi bạn cập nhật từ một phiên bản Android cũ lên mới hơn, dữ liệu ứng dụng bạn đã sao lưu sẽ không tương thích với thiết bị mới. Vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư cũng gây không ít đau đầu cho các nhà phát triển khi dữ liệu ứng dụng được chuyển từ một nơi này sang nơi khác.
Việc các ứng dụng bên thứ ba quyết định không hỗ trợ sao lưu trên Android có thể là điều chấp nhận được, nhưng thật không hiểu nổi khi chính các ứng dụng của Google cũng không khôi phục dữ liệu tốt như bạn mong đợi. Kể cả khi đã đăng nhập vào tài khoản Google của mình trên điện thoại mới trước khi khôi phục ứng dụng, bạn vẫn luôn phải thiết lập lại từng ứng dụng một trước khi chúng hoạt động như ý và bắt đầu gửi thông báo đến bạn. Bạn sẽ không nhận được email qua Gmail, nhận lời nhắc qua Tasks, hay các cập nhật về tình hình giao thông từ Google Maps cho đến khi mở từng ứng dụng lên và lướt qua các màn hình giới thiệu đã quen thuộc đến mức chán ngắt. Chúng lẽ ra phải là những ứng dụng tương thích cao nhất với tính năng sao lưu của Android, ấy thế mà Google dường như vẫn chưa biết nên làm thế nào.
Tất cả những điều trên khiến việc thiết lập một chiếc điện thoại Android trở thành một trải nghiệm đau thương đối với nhiều người, đặc biệt là những người phải làm vì mục đích công việc, như các reviewer chẳng hạn. Mỗi khi nhận được một chiếc điện thoại mới để đánh giá, họ sẽ phải dành ra vài giờ liền để đăng nhập và thiết lập từng ứng dụng thường dùng đến để có thể có những đánh giá chính xác nhất về chiếc điện thoại. Người dùng iPhone tránh được "định mệnh" này, và rõ ràng mọi fan Android cũng xứng đáng được như vậy.
Google nên làm gì để khắc phục vấn đề sao lưu Android?
Sẽ quá đơn giản nếu nói Google nên học theo Apple bởi hãng này làm mọi thứ tốt hơn, đặc biệt bởi Android và iOS là những sản phẩm rất khác biệt. Android không phải là một hệ thống đóng như IOS – có vô số OEM và vô số các phiên bản Android khác nhau cài đặt trên hàng ngàn các mẫu thiết bị khác nhau; thậm chí số ứng dụng trên Play Store cũng nhiều hơn hẳn App Store. Kiểm soát chặt chẽ tính năng sao lưu trên Android rõ ràng là một việc khó khăn đối với Google, nhưng không gì là không thể.
Điều đầu tiên Google có thể làm là khắc phục những lỗi mà hiện nay đang gây khó khăn, khiến người dùng không thể sao lưu hoặc khôi phục dữ liệu thành công. Tương tự, cho phép lưu trữ nhiều hơn một bản sao lưu đối với mỗi thiết bị sẽ là giải pháp tốt giúp loại bỏ những vấn đề không lường trước gây ra tình trạng hư hỏng các bản sao lưu. Độ tin cậy là mục tiêu số một mà một hệ thống sao lưu phải đạt được, và có rất nhiều điều phải làm để đạt được mục tiêu đó. Như đã nói ở trên, việc Google chỉ cho phép người dùng khôi phục dữ liệu một lần duy nhất vào thời điểm thiết lập ban đầu của thiết bị là không hề linh hoạt.
Nếu muốn việc sao lưu trên Android tốt ngang ngửa giải pháp trên iOS, Google phải thuyết phục được các nhà phát triển cùng thực hiện. Buộc họ tham gia hỗ trợ việc sao lưu toàn bộ dữ liệu ứng dụng là chưa đủ, Google trước hết phải đảm bảo hệ thống của họ đủ mạnh mẽ. Cách thực tế duy nhất là hợp tác với các nhà phát triển và các OEM để đưa ra một giao thức chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên. Điều này không hề dễ dàng, nhưng người dùng xứng đáng một giải pháp tốt hơn, và việc của Google là phải làm mọi thứ có thể để cung cấp giải pháp đó cho khách hàng. Nếu Apple có thể giải quyết được những vấn đề nảy sinh khi chuyển dữ liệu giữa các mẫu điện thoại và giữa các phiên bản hệ điều hành khác nhau, Google cũng có thể làm được.
Tham khảo: AndroidPolice