Cụ ông câm điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong ruổi bán từng tờ vé số chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ

Bài: PHÚC NGÂN ; Ảnh; ANDY TRAN | 01-07-2021 - 10:50 AM

(Tổ Quốc) - Mùa dịch có nhiều lắm những câu chuyện khó khăn, nhưng người đàn ông và chú chó này đã dạy cho chúng ta một bài học rất đáng trân trọng về sự tử tế và giá trị của sức lao động.

Đôi lần chúng ta sẽ thấy xót xa và chạnh lòng khi bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn trên khắp các con đường ở Sài Gòn, nơi mà những người cao tuổi, người vô gia cư, người khiếm khuyết vẫn ngụp lặn mưu sinh trong vòng quay cuộc sống. 

Hình ảnh người đàn ông với chiếc xe đạp cũ kĩ treo tấm bảng ghi nội dung "Tôi bị câm điếc xin cô bác làm ơn giúp đỡ. Cảm ơn nhiều" xuất hiện mỗi ngày trên những con đường đông đúc. Chẳng rõ người đàn ông này từ đâu đến, gia đình ra sao, chỉ thấy ông ấy vẫn cứ một mình buôn bán những tờ vé số, trên lưng đeo theo chiếc ba lô có con chó nhỏ đồng hành. 

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 1.

Cả Sài Gòn xôn xao về câu chuyện ngỡ như cổ tích của người đàn ông bị câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ

Người đàn ông này là chú Sơn, quê ở Long An, một mình bươn chải giữa Sài Gòn. Hằng ngày chú nhận vé số rồi đạp xe đi bán khắp các ngã tư đường. Khi thì sẽ thấy chú dừng xe ở đường Trần Hưng Đạo, buổi tối lại đến ngã tư Điện Biên Phủ với Hai Bà Trưng. Lý giải cho việc mỗi lúc lại thấy chú ở một nơi khác nhau, chú từng chia sẻ: "Mình phải đổi đường chứ ngày nào người ta cũng thấy mình rồi cứ mua như họ "nợ" mình vậy".

Tháng 4 vừa qua, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương cảm động vì chứng kiến cảnh chú lớn tuổi, bị khuyết tật nhưng vẫn đạp xe khắp nơi bán vé số, chị Phương đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp cho chú Sơn 75 triệu đồng nhưng chú đã từ chối nhận. Sau rất nhiều lần tìm gặp, chú mới đồng ý nhận 5 triệu đồng và tỏ ý muốn chị Phương trao tặng số tiền còn lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Cụ ông câm điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong ruổi bán từng tờ vé số chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 2.

Hình ảnh có một ông cụ bán vé số bên đường lúc nào bên cạnh cũng có một chú chó nhỏ suốt nhiều ngày qua đã gây xôn xao khắp Sài Gòn.

Ông luôn mang theo "người bạn nhỏ" của mình ở sau lưng và đạp xe dù đi bất cứ đâu.

Câu chuyện cảm động về tấm lòng của một người đàn ông đứng trước hoàn cảnh khó khăn vẫn muốn chia sẻ với những người khác được lan truyền khắp mạng xã hội. Người ta cảm kích về tình người và sự tích cực của những nghĩa cử cao đẹp trong thời điểm rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Mới đây, người ta lại thấy người đàn ông này nâng niu một chú chó nhỏ từ đâu đến. Hình ảnh chú yêu thương, chăm sóc "người bạn nhỏ" khiến rất nhiều người cảm động. Mọi người bắt đầu tìm kiếm những địa điểm chú bán, quan tâm hơn về hoàn cảnh của chú và chia sẻ với chú từ những điều nhỏ nhất như là ghé qua ủng hộ chú vài tờ vé số, phát cho chú phần cơm hoặc những hộp thức ăn để chú chăm con chó nhỏ.  

Món quà xoa dịu tâm hồn người đàn ông khiếm khuyết giữa Sài Gòn

Con chó nhỏ đến với người đàn ông khuyết tật này như xoa dịu cho những cô đơn ở cái tuổi xế chiều. Một người không người thân bên cạnh, không nơi nương tựa, lặng lẽ mưu sinh. Âm thanh cuộc sống không thể nghe được, buồn vui cũng không thể sẻ chia cùng ai. Nhưng mắt luôn ánh lên sự hạnh phúc mỗi khi nhìn vào con chó bé xíu cạnh mình, tự hào diễn tả về nó khi có ai hỏi đến như tình thương người cha dành cho đứa con bé nhỏ.

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 4.

"Đứa bé" này hiện là tất cả của ông đấy!

Khi người Sài Gòn biết, họ quan tâm và tìm đến để mong được gặp ông cùng chú chó nhỏ này. Nhưng bạn biết không, ông tuy nghèo nhưng ông chăm sóc chú chó gần như không bao giờ để nó đói hay buồn cả!

"Người ta thương cho tôi, tôi đang ngồi bán vé số người ta dừng xe cho nó cho tôi. Hôm nay cũng được hơn tuần rồi, nó rất ngoan", chú chậm rãi ghi từng chữ chia sẻ về con chó cạnh mình. 

Chú chăm sóc cho con chó bằng bản năng của tình thương lâu ngày được khơi dậy. Có thể chú chẳng quan tâm đến bề ngoài đã tươm tất chưa, dừng bán ở đó có chỗ ngồi hay không, đồ ăn có đủ no bụng. Nhưng chú sẽ cẩn thận lót cho con chó một chỗ để nằm, mặc cho nó chiếc áo và để sẵn phần thức ăn. Có lẽ con chó biết chú sẽ chẳng thể nào cất tiếng gọi, nên nó cũng ngoan ngoãn lặng lẽ ở bên cạnh chú. Không quấy, không hiếu động, không ồn ào, chỉ chơi những món đồ chơi chú đặt cạnh rồi vô tư ngủ.

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 6.

Đừng nghĩ nó đang buồn nhé... nó chỉ là hơi buồn ngủ với có mệt "xíu" vì dạo này nhiều người tới chơi với nó quá thôi.

Nhiều người sẽ nghĩ một mình chú tự lo cho bản thân đã khó khăn, nay còn nhận thêm một con chó ở cạnh phải chăm sóc lại thêm sự phiền phức. Tuy nhiên, dù có thêm một miếng ăn, thêm một nỗi lo khi nó đau bệnh, nhưng cách chú hết lòng chăm sóc nó khiến ai nhìn thấy cũng sẽ xúc động.

Khi thật sự dành tình thương để chở che cho một loài động vật, người ta chỉ thấy vấn đề lớn nhất với họ là không chăm sóc được cho nó thật tốt. Chú có thể sẽ chẳng có ngôi nhà nào để che nắng mưa, nhưng đối với con chó nhỏ này, chú là ngôi nhà vững chắc nhất mà dù có bao nhiêu ồn ào ngoài kia nó vẫn nằm yên ngon giấc.

Tấm bảng "Chỉ cần đủ là được..." không hiểu sao lại làm người ta nghẹn ngào đến thế

Từ khi hình ảnh của chú và con chó được mọi người nhìn thấy ở trên đường đã có rất nhiều sự giúp đỡ dành cho chú. Những bài chia sẻ về chú trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm, rất nhiều người hảo tâm sẵn sàng chạy khắp những con đường để tìm gặp chú. 

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 7.

Vì dịch bệnh nên nhiều người tới thăm ông cũng cố gắng đứng cách xa một chút, nếu không ông và chú chó cũng sẽ không được an toàn.

Nhiều người đến giúp ông thế mà ông chẳng chịu nhận, chỉ mong họ mua ủng hộ cho mình vài tờ vé số là ông vui lắm rồi.

Người Sài Gòn đến thăm chú và chú chó nhỏ mỗi ngày. Họ đồng cảm với người đàn ông khiếm khuyết về mặt thể chất nhưng tâm hồn lại tràn đầy tình yêu thương. Chú cũng chẳng bày biện cái khổ mình ra để xã hội động lòng trắc ẩn. Ở chỗ của chú như một nơi san sẻ tình thương, người ta thương chú vì lớn tuổi mà vẫn tự đi kiếm tiền mỗi ngày và động lòng trước tình thương chú dành cho con chó nhỏ.

"Tôi không gặp khó khăn gì. Hằng ngày bán vé số, có được đồng vô ra là đủ, với tôi chỉ cần đủ là được rồi. Ra đường được mọi người thương mua cho tờ vé số là tôi rất vui", chú lặng lẽ viết ra.

Khái niệm đủ với nhiều người được cân đo đong đếm khác nhau. Nhưng với một người lớn tuổi như chú, có lẽ đủ là niềm vui mỗi ngày vẫn được lao động chân chính, lo được cho bản thân và "đứa con nhỏ" bên cạnh mình.

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 9.

Ông không thể nói chuyện nên tấm bảng này là "phương tiện" giao tiếp duy nhất của ông, khi chúng tôi hỏi về suy nghĩ và mong muốn của ông vào lúc này là gì?

Chú không xin của ai, hằng ngày vẫn đạp xe đi khắp dọc đường bán từng tờ vé số và nhận về tình yêu thương của mọi người. Nhưng cũng rất hào sảng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Mỗi lần nhận đồ từ những người hảo tâm chú cũng không quên cúi người thay cho tiếng cảm ơn không thể nói nên lời.

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 11.

Chú bé con này đến với ông một cách tình cờ, nó cũng không chê ông nghèo khó...

... ban ngày nó tạo niềm vui cho ông, còn buổi tối thì lăn phè ra ngủ vì nó biết ông lúc nào cũng sẽ yêu thương và bên cạnh nó.

Cụ ông câm, điếc cưu mang chú chó nhỏ, thà rong rủi bán vé số để lấy tiền nuôi nhau chứ không nhận 70 triệu khi người Sài Gòn dang tay giúp đỡ  - Ảnh 13.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM