Mặc dù đã tuyệt chủng từ rất lâu, xác của loài voi ma mút lông mịn, với bộ lông và mô vẫn còn nguyên vẹn, vẫn thường xuyên được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Những khám phá này đã cho phép các nhà khoa học sắp xếp trình tự bộ gen của voi ma mút và tìm hiểu về cuộc sống của loài động vật khổng lồ sống ở Kỷ băng hà này.
Giờ đây, những thông tin này đang được sử dụng để phát triển một loại thịt gần giống như thịt voi ma mút trong phòng thí nghiệm.
Theo đó, Vow, một công ty khởi nghiệp về thịt nuôi cấy ở Úc, đã tạo ra thứ mà họ mô tả là thịt viên voi ma mút. Theo công ty này, mục tiêu của dự án là thu hút sự chú ý đến tiềm năng của thịt nuôi cấy, từ đó tạo ra thói quen ăn uống thân thiện hơn với môi trường, thay vì sử dụng thịt giết mổ.
"Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ lại về cách chúng ta có thức ăn", James Ryall, giám đốc khoa học của Vow cho biết: "Hy vọng lớn nhất của tôi đối với dự án này là có thêm nhiều người trên khắp thế giới bắt đầu biết đến thịt nuôi cấy".
Cần nói thêm rằng, việc gọi loại thịt này là thịt voi ma mút không thực sự chính xác. Trên thực tế, đây là loại thịt giống như thịt cừu nhân tạo trong phòng thí nghiệm, trộn với một lượng nhỏ ADN của voi ma mút.
Cụ thể, các nhà khoa học làm việc trong dự án đã không có quyền tiếp cận vào kho lưu trữ mô voi ma mút đông lạnh để làm cơ sở cho quá trình nghiên cứu của họ.
Thay vào đó, họ tập trung vào một loại protein có trong động vật có vú, được gọi là myoglobin, giúp tạo ra kết cấu, màu sắc và mùi vị của thịt.
Đồng thời, họ xác định trình tự mã ADN của voi ma mút trong cơ sở dữ liệu bộ gen có sẵn công khai. Họ đã lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi ADN myoglobin của voi ma mút bằng cách sử dụng thông tin từ bộ gen của một con voi châu Phi – họ hàng gần nhất của voi ma mút. Các nhà khoa học đã chèn loại gen tổng hợp trên vào một tế bào cơ của cừu, sau đó được nuôi cấy hoặc phát triển trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu cuối cùng đã có thể sản xuất khoảng 400 gram "thịt voi ma mút".
Giáo sư Ernst Wolvetang, trưởng nhóm cấp cao tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ nano Úc tại Đại học Queensland, vốn cũng tham gia dự án, cho biết: "Chỉ có một gen trong số 25.000 bộ gen là thuộc về voi ma mút. Hầu hết những gen còn lại là của những con cừu".
Mặc dù đã chế tạo thành công loại thịt đặc biệt này, bản thân các thành viên trong nhóm nghiên cứu của Vow lại không có ý định nếm thử thành phẩm của mình tạo ra.
"Thông thường, chúng tôi sẽ nếm thử sản phẩm của mình và chơi đùa với chúng. Nhưng chúng tôi đã do dự khi nếm thử vì nó chứa một loại protein đã không tồn tại trong 5.000 năm. Tôi không biết khả năng gây dị ứng của loại protein đặc biệt này là gì," đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. "Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi không cung cấp sản phẩm này. Nó sẽ không được rao bán, bởi vì chúng tôi không biết gì về độ an toàn của loại thịt đặc biệt này".
Khá thú vị, đã có một số ít người thực sự biết được mùi vị của thịt voi ma mút 'xịn'. Một trong số đó là Love Dalén, giáo sư về bộ gen tiến hóa tại Trung tâm Cổ sinh vật học của Đại học Stockholm, người đã giải trình tự DNA của voi ma mút lâu đời nhất thế giới.
Trong một chuyến đi thực tế đến sông Yana ở Siberia vào năm 2012, Dalén cho biết ông đã thử một miếng thịt đông lạnh nhỏ lấy từ một phần xác của một con voi ma mút con.
Tham khảo CNN