Lò vi sóng là vật dụng không chỉ quen thuộc ở mỗi gia đình mà ngày nay đã được rất nhiều cơ quan, văn phòng trang bị tại nơi làm việc để tiện cho nhân viên sử dụng.
Thay vì những bữa cơm bụi ngoài cửa hàng, dân công sở chỉ cần mang cơm từ nhà đi, đến giờ nghỉ trưa cho vào lò vi sóng 2-3 phút là đã có một suất cơm nóng hổi.
Song, cũng chính bởi 1 chiếc máy phải hoạt động liên tục với công suất lớn, không được vệ sinh thường xuyên và không phải ai cũng hiểu rõ về cách dùng an toàn nên rất dễ tiềm ẩn những nguy cơ gây hại. Thậm chí, lò vi sóng còn có thể trở thành tác nhân gây bệnh, biến thức ăn thành chất độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.
Lò vi sóng hoạt động như thế nào?
Lò vi sóng hâm nóng thức ăn thông qua những tia phóng xạ vi sóng. Tia phóng xạ điện từ tồn tại với nhiều bước sóng khác nhau, tia ở trong lò vi sóng không gây ra sự nguy hiểm như nhiều loại tia phóng xạ khác. Vi sóng tạo ra nhiệt, hâm nóng các phân tử thức ăn xung quanh chúng.
Sử dụng lò vi sóng đúng cách để không gây nguy hiểm
Những sai lầm khi sử dụng lò vi sóng nơi công sở
Đã có nhiều trường hợp lò vi sóng biến thành quả bom phát nổ, gây tai nạn nguy hiểm cho người sử dụng. Nếu sử dụng đúng cách và tránh những sai lầm này, chúng ta sẽ sử dụng lò vi sóng an toàn hơn.
1. Dùng đồ kim loại đựng thức ăn
Không được cho vào lò vi sóng các vật dụng bằng kim loại vì sóng vi ba bên trong lò vi sóng sẽ dội lại các thành kim loại bên trong lò, lệch ra khỏi thực phẩm, có thể phá hỏng nội thất của lò.
Hơn nữa, kim loại ở nhiệt độ cao có thể phát ra các tia lửa điện dễ gây cháy nổ. Thậm chí, những loại thủy tinh hay sứ có tráng một lớp kim loại mỏng cũng không nên sử dụng cho lò vi sóng.
Do đó, bạn hãy sử dụng thủy tinh, gốm ceramic hoặc sản phẩm từ nhựa, giấy sử dụng được trong lò vi sóng. Những sản phẩm này thường có chữ "sử dụng được cho lò vi sóng", "microwave-safe" hoặc "microwavable".
2. Sử dụng các loại hộp đựng nhựa không an toàn
Không phải loại hộp nhựa nào cũng an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng. Nếu hộp nhựa có chứa hóa chất độc hại thì đây là yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe của bạn vì các vi chất nhựa này dễ dàng nóng chảy và ngấm vào thực phẩm bạn đựng trong hộp. Đặc biệt, không nên sử dụng hộp xốp.
Ví dụ như nhựa BPA, khi ngấm vào thực phẩm có thể gây tiểu đường, bệnh tim, thậm chí là vô sinh. Bạn chỉ nên sử dụng những loại hộp dành riêng cho lò vi sóng hoặc tốt hơn là dùng thố thủy tinh an toàn với lò vi sóng.
3. Lò vi sóng không hề sạch
Thoạt đầu nhìn qua có thể thấy lò khá sạch sẽ nhưng thực chất bên trong nó bao phủ bởi các mảng dầu mỡ, thức ăn nhỏ li ti bắn ra trong quá trình bạn hâm nóng thức ăn. Hơn nữa, với số lượng người sử dụng quá đông sẽ càng làm tăng mức độ lưu trữ vi khuẩn bên trong.
Vì vậy, nếu không có nhân viên vệ sinh thì chúng ta hãy thay phiên nhau lau rửa lò vi sóng hàng ngày để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và mọi người.
Không dùng đồ kim loại cho lò vi sóng
4. Nấu thức ăn có vỏ cứng hoặc đậy nguyên nắp hộp
Trứng, hải sản có vỏ cứng như cua, sò, nghêu, thức ăn đóng hộp còn nguyên nắp, chai nước nhựa... đều không được phép sử dụng trong lò vi sóng.
Khi nấu những loại thức ăn trên với lò vi sóng, hoặc đậy nắp thức ăn, nhiệt độ tăng cao tạo nên áp suất lớn, gây ra nổ, nhẹ thì thức ăn sẽ bắn tung tóe trong lò vi sóng của bạn, nặng thì có thể khiến lò vi sóng phát nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
5. Mở cửa lò khi đang quay hoạt động
Sóng viba tỏa ra khi lò vi sóng đang hoạt động không có lợi cho sức khỏe người dùng, do đó, không nên mở cửa hoặc đóng cửa lò không chặt khi thiết bị đang hoạt động.
Thêm vào đó, khi đang nấu chín thức ăn bằng lò vi sóng, mở cửa đột ngột sẽ khiến áp suất trong lò thay đổi đột ngột, khiến thức ăn bắn vào người, gây bỏng rát hoặc tệ hơn là lò vi sóng phát nổ.
6. Đặt lò vi sóng ở nơi chật hẹp và sử dụng chung ổ điện với các thiết bị khác
Lò vi sóng nên được đặt cách tường ít nhất 10cm, cách các vật dụng xung quanh ít nhất 40 cm và tuyệt đối không để gần bếp gas và các thiết bị điện khác như bếp điện, tủ lạnh, lò nướng... Điều này giúp lò vi sóng không bị hấp thu nhiệt từ các thiết bị trên, quá nóng khi hoạt động.
Không nên sử dụng chung ổ điện giữa lò vi sóng và các thiết bị khác, tránh dòng điện quá tải, gây chập mạch hoặc cháy nổ lò vi sóng.
7. Bật lò vi sóng khi không có thức ăn bên trong
Nếu bật lò vi sóng khi trong lò không có thức ăn, các tia bức xạ nhiệt sẽ không có nơi hấp thụ chúng, khiến chúng phản xạ qua lại trong lò, gây cháy nổ.
Lò vi sóng không hề sạch như chúng ta vẫn tưởng
8. Đứng cạnh lò vi sóng
Khi lò vi sóng hoạt động, bạn cần đứng cách xa để tránh cơ thể tiếp nhận bức xạ quá mức, ít nhất là 1 mét.
9. Những thực phẩm không được cho vào lò vi sóng
- Trứng: Khi làm chín trứng trong lò vi sóng, lòng đỏ sẽ tự chuyển hóa thành các chất độc hại cho cơ thể
- Cà rốt: Cà rốt là thực phẩm mọc dưới đất, nếu không được rửa sạch khi đưa vào lò vi sóng các chất bẩn còn sót lại và khoáng chất dễ gây ra tia lửa điện.
- Thịt chế biến sẵn: Thịt chế biến sẵn chứa nhiều muối, chất phụ gia và chất bảo quản. Khi gặp bức xạ vi sóng, lượng cholesterol trong các thực phẩm này sẽ có xu hướng tăng lên, con người ăn nhiều sẽ dễ gặp các vấn đề về tim mạch.
- Thịt gà: Theo các nhà khoa học, thịt gà là "thủ phạm" phổ biến nhất làm lây lan Salmonella – một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột khi không được nấu chín đúng cách. Khi bạn dùng lò vi sóng để chế biến gà thì nhiệt độ trong này sẽ không đủ sức làm chín đều các phần của thịt, biến chúng trở thành "ổ vi khuẩn" gây hại cho sức khỏe.
- Cà chua: Thành phần chất lỏng trong cà chua tươi khiến áp suất tích tụ, sủi bọt và trào ra chất lỏng rồi phát nổ.
Nguồn tham khảo: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)