Cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô ngàn năm: 'Soi' long mạch mới thấy kinh ngạc

Đăng Khoa | 15-02-2022 - 15:43 PM

(Tổ Quốc) - Long mạch là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tuyển chọn kinh đô của các triều đại Trung Quốc.

Trong 6 cố đô lớn của Trung Quốc, chỉ có 2 nơi có lịch sử đế đô (kinh đô) hơn một ngàn năm. Hai thành thị này theo các nhà phong thủy Trung Hoa cổ là nơi có long mạch “hào khí xung thiên”.

1. "Muốn hiểu chuyện hưng vong, hãy nhìn thành Lạc Dương"

Đế đô ngàn năm – Lạc Dương là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu lần thay triều đổi đại, không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt đến và đi. Lạc Dương có lịch sử là kinh đô trong hơn 1.500 năm, trước sau trải qua 105 đời vua. Đây là cái nôi của văn hóa Trung Hoa. 

Một danh xưng thường được biết đến của Lạc Dương là "Cố đô 13 triều". Nhưng triều đại nổi bật định đô Lạc Dương có Đông Chu, Đông Hán, Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường…

Cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô ngàn năm: Soi long mạch mới thấy kinh ngạc - Ảnh 1.

Hang Long Môn, Lạc Dương.

Theo quan niệm Trung Hoa, Lạc Dương ở vị trí trung tâm trời đất. Thư tịch cổ Trung Hoa miêu tả Lạc Dương "sông ngòi tám phía chảy về, bắc có núi Mang Sơn, nam là sông Lạc Thủy, đông khống chế đất sông Hoài, tây giữ vùng Quan Lũng, núi đồi sừng sững, bên tả có ải Hổ Lao, bên hữu giữ cửa Hàm Cốc, trên thông tới U Yên, dưới hướng về Y Khuyết", xưng tụng Lạc Dương "núi sông phủ phục, hình thế đứng đầu thiên hạ". 

Thành cổ này do Chu Công đích thân quan sát địa hình, quy hoạch thành lũy. Năm 770 Trước Công Nguyên, Chu Bình Vương định đô Lạc Dương, mở đầu lịch sử kinh đô 1.500 năm. 

Trong chỉnh thể thế đất Lạc Dương, toàn bộ tinh hoa phong thủy tập trung ở Mang Sơn. Mang Sơn là rồng, là "đầu" của Lạc Dương. Không có Mang Sơn, phong thủy Lạc Dương chỉ còn một nửa.

Cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô ngàn năm: Soi long mạch mới thấy kinh ngạc - Ảnh 2.

Chùa Bạch Mã, Lạc Dương

Nhà Bắc Tống định kinh đô chính ở Khai Phong, lấy làm Đông Kinh. Lạc Dương vẫn là bồi đô, được gọi là Tây Kinh. Trong loạn Tĩnh Khang, quân Kim công chiếm Lạc Dương, từ đó ngôi thành nhanh chóng suy tàn, trở thành nơi vắng vẻ tiêu điều. 

Dù cho lịch sử Lạc Dương trải qua nhiều biến cố thịnh suy, bãi bể nương dâu, ngọn Mang Sơn ở phía Bắc tòa thành vẫn là đỉnh núi thiêng trong phong thủy Trung Hoa.

2. "Trường An tự cổ đế vương đô"

Tây An – tên hiện đại của Trường An, là một trong bốn cố đô lớn của Trung Quốc với 1.100 năm lịch sử. Nơi này vừa là khởi nguồn văn minh Trung Hoa, vừa là điểm đầu của Con đường Tơ Lụa. 

Trường An là cố đô của 11 triều đại Trung Hoa: Tây Chu, Tây Hán, Tân, Tây Tấn, Tiền Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường.

Cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô ngàn năm: Soi long mạch mới thấy kinh ngạc - Ảnh 4.

Đội quân đất nung, lăng Tần Thủy Hoàng ở Tây An.

Tây An nằm ở vị trí trung tâm bình nguyên Quan Trung, tựa vào dãy núi Tần Lĩnh ở hướng nam, nhìn ra sông Vị ở hướng Bắc, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ. 

Mưu sĩ nổi tiếng thời Hán là Trương Lương từng kiến nghị Lưu Bang đóng đô Trường An vì "nơi này ba mặt giáp núi, tám trăm dặm Tần Xuyên, dễ thủ khó công, thật là nơi đất quý phong thủy của triều đại muôn đời. Trong toàn bộ thế đất, dãy Tần Lĩnh chính là long mạch của Trường An.

Cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô ngàn năm: Soi long mạch mới thấy kinh ngạc - Ảnh 6.

Tháp Đại Nhạn, Tây An

Trong 11 thế kỷ, xuyên suốt thời đại Hán – Đường, các dòng sông xung quanh đã tạo thành hình thế "tám rồng chầu Trường An". Sức mạnh Trung Hoa trong hai triều Hán – Đường cũng đạt đến đỉnh cao. 

Sau nhà Đường, do biến đổi khí hậu, tám dòng sông lớn quanh Trường An dần khô cạn. Dù Quan Trung vẫn là nơi đất tốt, nhưng hình thế phong thủy ở giai đoạn sau không còn được như Hán – Đường. Địa vị của Trường An từ sau nhà Đường cũng từ kinh đô của cả Trung Hoa suy giảm xuống thanh trung tâm một vùng.

ĐỌC THÊM CÁC BÀI CỔ NHÂN RĂN DẠY TẠI ĐÂY.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM