Sarah Harvey là một chuyên gia tư vấn xuất bản. Cô từng làm việc ở Tokyo và đem lòng yêu mến văn hóa Nhật Bản. Trong một lần chia sẻ trên CNBC, cô đã kể lại những trải nghiệm của bản thân khi ở xứ sở mặt trời mọc, trong đó có trải nghiệm phương pháp quản lý chi tiêu kakeibo nổi tiếng ở đất nước này.
Sarah cho biết khi nghe về một phương pháp quản lý tài chính của người Nhật có tên là kakeibo, cô đã rất thích thú và quyết định trải nghiệm. Cũng từ đây, lối sống chi tiêu của cô cũng bắt đầu có những sự thay đổi tích cực.
"Năm 2017, tôi quyết định nghỉ việc một nhà xuất bản ở London và chuyển đến Nhật Bản. Dù rất yêu thích công việc của mình nhưng tôi bị thu hút bởi những chi tiết nhỏ, giàu ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Những điều này không giống bất cứ điều gì tôi từng trải qua, nó khuyến khích tôi sống chậm lại và thực hiện một số thay đổi trong lối sống - cụ thể là thói quen chi tiêu phù phiếm và bốc đồng của mình", Sarah nói.
‘Kakeibo’: Phương pháp tiết kiệm tiền của người Nhật
Sarah cho biết cô luôn phải vật lộn với tình trạng bội chi và điều này khiến cô rất đau đầu: "Tôi có thói quen mua sắm khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng hoặc không hài lòng về điều gì đó. Tôi cũng mua sắm khi có tâm trạng vui vẻ hoặc để ăn mừng. Điều này không tốt nhưng việc thay đổi thói quen tài chính lại không dễ thực hiện."
May mắn thay, kakeibo đã giúp cô đưa ra các quyết định tài chính thông minh hơn.
Kakeibo là từ trong tiếng Nhật, được dịch thành "sổ cái tài chính hộ gia đình". Cuốn sổ này được phát minh vào năm 1904 bởi một phụ nữ tên là Motoko Hani - nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản. Bà đã cho xuất bản trên tạp chí cuốn sổ chi tiêu đầu tiên, thiết kế dành riêng cho các bà nội trợ vào năm 1904. Kể từ đó, Kakeibo đã đồng hành cùng người dân Nhật trong hành trình xây dựng và duy trì lối sống cần kiệm mà chúng ta vẫn luôn ngưỡng mộ.
Không phải công nghệ, chỉ cần một cuốn sổ và chiếc bút
Giống như tất cả các phương pháp lập ngân sách, ý tưởng đằng sau kakeibo giúp bạn hiểu mối quan hệ của mình với tiền bạc bằng cách kiểm soát nguồn thu và chi. Tuy nhiên, điều khiến kakeibo trở nên khác biệt là nó không cần dùng đến bất kỳ phần mềm hay ứng dụng hiện đại nào, kể cả Excel.
Kakeibo tương tự như cách bạn ghi nhật ký. Phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra mọi thứ một cách vật lý - như một cách thiền để xử lý và quan sát thói quen chi tiêu của bạn. Theo phương pháp này, bạn phải tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi mua bất kỳ mặt hàng không thiết yếu nào - hoặc những thứ bạn mua một cách bốc đồng, tùy hứng:
- Tôi có thể sống mà không có món đồ này hay không?
- Dựa vào tình hình tài chính cá nhân, tôi có đủ khả năng để chi trả không?
- Tôi sẽ thực sự sử dụng nó? Tôi có không gian cho nó không?
- Trạng thái cảm xúc của tôi hôm nay là gì? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Vui vẻ hay tồi tệ ?)
- Tôi cảm thấy thế nào khi mua món đồ này? (Hạnh phúc? Hứng thú? Thờ ơ? Và cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?)
Sarah cho biết muốn tiết kiệm hiệu quả, mọi người cần phải cam kết đặt ra câu hỏi đúng đắn khi muốn xuống tiền mua những thứ không cần thiết. Dưới đây là 5 bí quyết tiết kiệm cho bạn dựa trên phương pháp kakeibo:
- Cân nhắc trong 24 giờ: Hãy cho bản thân 24 giờ để xem xét việc liệu bạn có thực sự muốn và cần món đồ đó hay không. Như vậy bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn về quyết định của mình.
- Kiểm tra số dư ngân hàng thường xuyên: Việc kiểm tra tài khoản thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát được tài chính của mình. Đây có thể là một thói quen "đáng sợ" nhưng thực sự cần thiết.
- Chi tiêu bằng tiền mặt: Việc trả tiền bằng tiền mặt thay vì quẹt thẻ sẽ giúp bạn ý thức được những gì mình đang tiêu và lập ngân sách cũng dễ dàng hơn.
- Đặt lời nhắc trong ví: Hãy đặt một lời nhắc "tôi có thực sự cần món đồ này hay không" trong ví tiền hay dán lên thẻ tín dụng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn cân nhắc lại việc bản thân có thực sự muốn mua món đồ đó hay không.
- Thay đổi môi trường khiến ta mua sắm: tìm ra đâu là môi trường khiến bạn chi tiêu nhiều nhất, mạng xã hội hay web thương mại điện tử. Sau đó hãy hủy theo dõi các shop online hoặc xóa ứng dụng đó và dành thời gian để làm những việc khác.
Bên cạnh đó, các bước để bắt đầu phương pháp Kakeibo cũng cần thực hiện một cách nghiêm túc:
Bước 1: Liệt kê tất cả các khoản thu nhập của bạn, sau đó trừ đi các khoản bắt buộc phải chi tiêu.
Bước 2: Trích ra một khoản tiền để tiết kiệm (khoảng 20% tổng thu nhập) và cố gắng không sử dụng đến nó.
Bước 3: Chia số tiều cần chi tiêu ra làm 4 hạng mục: tiền sinh hoạt phí, tiền mua sắm, tiền giải trí, tiền phát sinh.
Bước 4: Xây dựng cho mình những kế hoạch tài chính trong tương lai (tiền đi du lịch, tiền mua xe, tiền mua nhà,…)
Bước 5: Thiết lập chế độ tiết kiệm một cách tối đa bằng cách giảm những nhu cầu không cần thiết (giảm hút thuốc lá, hạn chế đi ăn nhà hàng,…)
Bước 6: Khi kết thúc tháng, hãy thống kê lại những khoản đã chi tiêu và những khoản đã tiết kiệm được (trừ khoản tiết kiệm ở bước 2). Từ đó, bạn sẽ biết được mình đã chi tiêu khoản nào bất hợp lý và đề ra sự điều chỉnh vào tháng sau.
Sarah Harvey cho biết phương pháp kakeibo có một ưu điểm mà các hệ thống khác không làm được, đó là buộc cô phải suy nghĩ về việc mua hàng của mình. Nói cách khác, Sarah đã có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của mình khi hoàn toàn trung thực về "nhu cầu" và "mong muốn" của bản thân. Cô chia sẻ: "Kết quả là, tôi trở nên giỏi hơn trong việc đưa ra các quyết định nhanh hơn, thông minh hơn và hợp lý hơn về việc có nên chi tiền cho một mặt hàng cụ thể hay không."
Điều quan trọng mà Sarah khuyên mọi người cần lưu ý khi áp dụng phương pháp kakeibo chính là không được cắt đứt mọi niềm vui trong cuộc sống.
"Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng về điều gì đó, thì cắm hoa hay vẽ tranh... cũng là cách khá rẻ để khiến bản thân vui lên. Thay vì yêu cầu bản thân phải làm bất cứ điều gì quyết liệt thì mục tiêu là thay đổi thói quen xấu của bạn thông qua chánh niệm và những thay đổi gia tăng.
Để thấy được kết quả đáng kể trong việc tiết kiệm của bạn, điều quan trọng là bạn phải cam kết đặt những câu hỏi phù hợp trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua không cần thiết nào.
Tôi vẫn thỉnh thoảng đối xử với bản thân bằng những thứ không cần thiết. Điều này là tốt và thậm chí được khuyến khích. Hãy nhớ rằng, kakeibo là về việc sử dụng chánh niệm để cắt bỏ những giao dịch mua có thể chỉ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc tạm thời", cô cho biết.
Theo Sarah, các hành động chi tiêu và tiết kiệm có liên quan với nhau và những thay đổi nhỏ đã thực hiện được sau khi áp dụng phương pháp kakeibo đã có tác động tích lũy đến tài khoản ngân hàng của cô.
"Số tiền tiết kiệm của tôi đang tăng với tốc độ nhanh hơn tôi từng tưởng tượng. Tôi đã tiết kiệm được 35% thu nhập và quan trọng hơn, tôi đang đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn về cách đầu tư số tiền đó cho những thứ thực sự quan trọng", cô cho hay.
(Tổng hợp)
Từ quản lý cấp cao của AIESEC tới chuyên gia khai vấn, diễn giả Milena Nguyễn: “Có hai cách để thất bại đó là dừng lại và không bắt đầu”