Chảo Thị Yến (SN 1990, thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, Lào Cai) là người dân tộc Dao Tuyển. Cô sinh ra và lớn lên trong môi trường số đông đều bài xích việc con gái học nhiều. Tuy nhiên với khát vọng dùng kiến thức để thay đổi cuộc đời, khát vọng dùng con chữ để thoát nghèo, Chảo Thị Yến đã cố vượt qua định kiến và giành được học bổng toàn phần đi du học thạc sĩ tại trường Đại học Gottingen (Đức). Cô gái 9X trở thành một hình mẫu lý tưởng mà nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số hướng đến và học hỏi.
Hiện tại, Chảo Thị Yến đang là chủ của một homestay ở Sapa và là thành viên của một tổ chức phát triển tại Hà Lan. Bên cạnh đó, Yến cũng đang xây dựng và phát triển nội dung trên nền tảng TikTok, mang đến những câu chuyện thú vị về cộng đồng người Dao Tuyển.
Từ cô bé chăn trâu học lỏm ngoài lớp học…
Kể từ khi vừa tròn 4 tuổi, Chảo Thị Yến đã bắt đầu vào học lớp 1 và 14 tuổi thì hoàn thành xong chương trình học cấp cơ sở. Điều này đã cho thấy được năng khiếu học và lối tư duy vượt trội của cô so với bạn bè đồng trang lứa.
Tuy nhiên, vào thời điểm Yến tốt nghiệp cấp 2, khu vực cô sinh sống xảy ra tình trạng mất mùa trầm trọng, cơm trắng đối với những gia đình làm nông gần như là chuyện xa xỉ.
Cái nghèo, cái đói cứ thế ám ảnh trong tâm trí người dân nên việc đi học là điều gì đó hão huyền. Chưa kể từ trước tới nay, truyền thống nơi cô sinh ra luôn có định kiến: "Con gái học nhiều là bất hiếu, phải chăm chỉ ở nhà làm lụng, kiếm ăn" nên bố mẹ đã quyết định không cho cô học lên cao hơn và ở nhà phụ giúp việc chăn nuôi, cày cuốc. Từ đó dẫn đến hệ lụy, việc học của Yến đã bị gián đoạn trong khoảng thời gian 3 năm.
"Ban đầu, khi việc học mà mình luôn yêu thích bị bố mẹ ngăn cấm, tôi đã khóc suốt nhiều ngày liền và thường xuyên kiếm cớ để đến gần khu vực trường học. Những ngày được bố mẹ giao cho nhiệm vụ chăn trâu, tôi thường cố tình thả trâu về phía cổng trường học. Lúc này, tôi sẽ đứng nép vào phía cửa sổ lớp học để nhìn lén thầy cô giảng bài’’, Yến bồi hồi nhớ lại.
Trong suốt 3 năm, niềm yêu kiến thức cứ thế lớn lên từng ngày và niềm hi vọng được đến lớp chưa bao giờ ngủ yên trong tâm trí cô bé "mục đồng". Song, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Yến không bao giờ dám nói ra ý muốn trong lòng mình với bố mẹ.
Cơ duyên đưa cô quay trở lại với hành trình kiến thức đó là vào một lần tái ngộ với thầy Bùi Chí Thanh (Hiệu trưởng trường THCS Nậm Chạc). Ngay khi vừa gặp lại, câu hỏi đầu tiên Yến nhận được từ người thầy giáo cũ của mình đó là "Yến có còn muốn đi học không?".
Không cần thời gian suy nghĩ, cô gái nhỏ đã ngay lập tức trả lời "Có". Hiểu được sự quyết tâm của học trò, người thầy cứ cách vài ba ngày lại đến nhà Chảo Thị Yến để thuyết phục bố mẹ cho cô quay trở lại trường học.
Cuối cùng, qua sự giúp đỡ nhiệt tình của người thầy chủ nhiệm cũ, Chảo Thị Yến đã chính thức được quay trở lại trường học.
…Đến thạc sĩ nhận học bổng toàn phần ĐH tại Đức
Ban đầu, Chảo Thị Yến chỉ đơn thuần là một người yêu thích việc học, yêu thích chữ viết và những con số nhưng kể từ khi gặp lại người thầy chủ nhiệm cũ, Yến đã dần ý thức được việc bản thân phải học thay đổi cuộc sống.
Cô nhớ lại: "Trong khoảng thời gian tôi nghỉ học, thầy giáo cũng thường xuyên lên nhà gặp tôi và động viên rằng, nếu như không đi học thì mãi mãi không thể thoát nghèo được, cuộc sống sau này cũng sẽ chỉ quanh quẩn những công việc làm nông. Cuối cùng lại không giúp ích được gì cho cuộc sống gia đình.
Nhờ những câu nói ấy mà suy nghĩ về việc học của tôi đã có những thay đổi. Tôi đã biết ước mơ thực sự của mình chính là thoát nghèo bằng việc học. Nhưng không thể phủ nhận rằng những định kiến của xã hội lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng đến định hướng của tôi rất nhiều.
Khoảng thời gian 2007-2008, lúc này tôi 17 tuổi và bắt đầu học cấp 3. Thời điểm đó, số lượng gia đình cho con em mình đi học hết chương trình phổ thông trung học là rất hiếm nên tôi cũng tính chỉ học xong lớp 12 là sẽ đi làm’’.
Song nhờ một câu nói của những người bạn đồng trang lứa cô đã quyết tâm trở thành người đầu tiên trong xã học lên đến bậc đại học.
Chảo Thị Yến bộc bạch: "Ngày trở lại ghế nhà trường, tôi được cất nhắc làm lớp trưởng. Mỗi lần các bạn ồn ào thì tôi hay quát để các bạn giữ trật tự. Song tôi nhớ như in có một lần, khi tôi lớn tiếng, các bạn ấy đã quát lại với tôi rằng, lớp trưởng đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao học giỏi mà vẫn nghèo.
Câu nói ấy đã khiến tôi khóc suốt nhiều ngày liền. Kể từ đó tôi quyết định phải học đại học. Thậm chí tôi còn tuyên bố thẳng với đám bạn, tôi sẽ trở thành người đầu tiên trong xã làm được điều ấy".
Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với Chảo Thị Yến, cô gái Dao Tuyển đã đậu vào trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, xuyên suốt hành trình chinh phục kiến thức của Chảo Thị Yến luôn có những yếu tố phát sinh khiến cô cũng phải cảm thấy bất ngờ về cách cuộc đời mình vận hành.
Vào năm cuối đại học, nhìn thấy được năng lực vượt trội của Yến, giảng viên đã giới thiệu cho cô một chương trình du học tại Mỹ nhưng cô lại bỏ lỡ cơ hội vì giấy tờ bị lỗi.
Cách cơ hội đầu tiên không lâu, Chảo Thị Yến một lần nữa được giới thiệu cho một chương trình học bổng của chính phủ Nhật. Tuy nhiên, đến vòng khám sức khỏe, Yến lại bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện nên giấc mơ du học phải tạm gác lại.
Mãi đến khi ra trường, Yến mới tìm được cơ hội thực sự thuộc về chính mình khi nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) trong vòng hai năm trị giá 47.000 euro (gần 1,2 tỉ đồng).
Không được chọn nơi sinh ra, nhưng được lựa chọn thái độ sống!
Chia sẻ với PV, Yến cho biết, việc học giỏi thực sự đã mang lại cho cô rất nhiều lợi ích. Lợi ích đầu tiên có thể nhìn thấy đó là thay đổi được suy nghĩ của những người dân xung quanh về việc học.
"Tôi nhớ vào cái ngày mình đi nhập học, người trong nhà đều đi làm hết nên không có ai chở tôi ra bến xe cả. Thế là tôi mới mở lời nhờ những người hàng xóm xung quanh để chở mình đi nhưng họ viện đủ lý do và nhất quyết không giúp đỡ tôi. Vì ban đầu khi gia đình tôi quyết định cho con gái đi học thì những người ở xung quanh đó cảm thấy không thích rồi. Tuy nhiên, kể từ khi tôi nhận được học bổng du học, nhà tôi có làm cơm mời mọi người cùng đến ăn. Thái độ của họ thay đổi hoàn toàn, họ vui vẻ và khen tôi nhiều lắm", Yến bộc bạch.
Không chỉ vậy, việc Chảo Thị Yến học hành thành tài đã tác động tích cực đến cách nuôi dạy con cái của các hộ dân sinh sống cạnh nhà cô. Hiện tại, những gia đình ấy đều đã cho con đến trường học hành đầy đủ.
Ở từng thời điểm khác nhau, tư duy sống của Chảo Thị Yến cũng bắt đầu có những biến chuyển khác nhau.
"Lúc trước tôi rất ngại phải cho mọi người biết mình là người dân tộc thiểu số nhưng sau khi trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống cũng như được đi du học mở mang tầm nhìn hạn hẹp của mình, tôi lại cảm thấy tự hào về điều ấy. Đúng là chúng ta không được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn thái độ để đối diện với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống", Chảo Thị Yến bộc bạch.
Đặc biệt, ngay từ những ngày còn ở Đức, Chảo Thị Yến luôn nung nấu ý định sẽ thành lập một quỹ học bổng để giúp cho những bạn học sinh hiếu học ở khu vực miền núi được đến trường đầy đủ. Nhưng khi về nước, hiểu được quy trình thành lập quỹ không hề dễ dàng nên dự định này hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Thay vào đó, cô chỉ hỗ trợ được các em đồ dùng học tập, trực tiếp dạy học vào thời gian rảnh như một cách giúp các em nhỏ tự tìm được lối đi cho chính mình.
Năm 2020, Chảo Thị Yến đã xuất bản một tác phẩm sách kể về hành trình vượt định kiến để chinh phục con đường học vấn, thay đổi số phận của chính mình mang tên Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus. Cô được nhiều bạn trẻ biết đến qua tác phẩm đầu tay và được nhiều người gọi với danh xưng "nhân vật truyền cảm hứng".
Trước tên gọi ấy, Yến cho biết, áp lực là điều không thể tránh khỏi nhưng nếu được lựa chọn lại cô vẫn chia sẻ câu chuyện của chính mình để tạo nên động lực sống cho các bạn trẻ thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Thời gian tới, Chảo Thị Yến sẽ đồng hành cùng người dân nơi cô sinh sống để cùng mọi người tìm ra phương hướng phát triển kinh tế.
"Người dân ở nơi đây đa phần đều tự thân vận động thấy cái gì bán được giá thì sẽ thi nhau trồng rồi thu hoạch. Rồi đến khi cung vượt quá cầu thì cuộc sống của họ lại rơi vào khó khăn. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi phải làm gì để cuộc sống của chúng tôi được cải thiện. Và tôi sẽ quyết tâm tìm ra câu trả lời’’, Yến chia sẻ.