Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan, khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Taichung Armed Forces General Hospital, chia sẻ về trường hợp cô bé (7 tuổi) tên là Tiểu Kha, được mẹ đưa đến phòng khám do mắc bệnh viêm mũi dị ứng với tình trạng nghiêm trọng như hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngứa mắt, dụi mắt liên tục khiến đôi mắt sưng húp. Do nghẹt mũi, Tiểu Kha có thói quen thở bằng miệng khi ngủ, dẫn đến khoang miệng bốc mùi nồng nặc và bị bạn bè trêu chọc.
Bác sĩ đã hỏi thăm thói quen sinh hoạt của bệnh nhi và đưa ra bảng trắc nghiệm để tìm hiểu căn nguyên gây ra viêm mũi dị ứng, đồng thời căn dặn người mẹ định kỳ vệ sinh thú nhồi bông, búp bê. Thay đổi khăn trải giường, chăn bông hai tuần một lần và sử dụng máy lọc không khí. Sau cùng, bác sĩ kê đơn cho bệnh nhi sử dụng thuốc kháng histamine với thuốc xịt mũi steroid và tiếp tục theo dõi tình trạng.
Sau một tuần tái khám, bác sĩ đánh giá các loại hải sản, lông động vật, mạt bụi nhà không phải nguyên nhân khiến Tiểu Kha mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Bác sĩ phỏng đoán nguyên nhân là do nấm mốc trong nhà và nhắc nhở người mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Lúc này, bác sĩ được biết hai mẹ con tiểu Kha sống trong một căn hộ cũ, mỗi tuần có nhân viên vệ sinh đến quét dọn nhưng không hiểu sao tình trạng của Tiểu Kha vẫn không tiến triển.
Người mẹ bỗng nhớ lại, một lần Tiểu Kha lên cơn viêm mũi dị ứng nghiêm trọng sau khi cô bé nằm ngủ vị trí gần nhà vệ sinh. Sau ngày hôm đó, Tiểu Kha ngứa mắt và hắt hơi liên tục đến nỗi chảy máu mũi khiến người mẹ đau xót.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan lập tức nhận ra vấn đề và khuyên người mẹ về kiểm tra tường nhà vệ sinh. Sau khi kiểm tra, người mẹ phát hiện chiếc giường đặt cạnh tường nhà vệ sinh thấm nước hôi thối. Ngay sau đó, bức tường nhà vệ sinh được phá bỏ và hiện ra là mảng nấm mốc phủ kín. Hơn nữa, tầng trên có hiện tượng nứt sàn, khiến nhà vệ sinh tầng trên mỗi lần bấm nút xả bồn cầu thì nước bẩn sẽ chảy xuống ngấm bức tường nhà vệ sinh bên dưới dẫn đến xuất hiện nấm mốc. Sau khi tìm ra nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng của Tiểu Kha là nấm mốc, căn nhà đã được cải tạo, tình trạng của Tiểu Kha cũng đã cải thiện.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cho biết, viêm mũi dị ứng có triệu chứng là nhức đầu, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, cổ họng ngứa, ho, mắt có quầng thâm, người bệnh có thói quen thở bằng miệng nên miệng có mùi hôi thối. Những triệu chứng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như giấc ngủ và việc học của người bệnh.
Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 loại
Viêm mũi dị ứng theo mùa: Dựa vào thời tiết từng mùa xuất hiện các loại tạp chất trong gió như phấn hoa, nấm mốc...
Viêm mũi dị ứng có quanh năm: Mùa nào cũng có thể bị viêm mũi dị ứng do các tác nhân như côn trùng (bọ chét, ve...), bụi trong nhà, lông súc vật nuôi trong nhà nhất là lông của mèo, chó.
Biểu hiệu của viêm mũi dị ứng
Người bệnh bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng như ngứa mũi, chảy nước mũi, đặc biệt là hắt hơi liên tục. Bệnh chuyển mạn tính có triệu chứng dễ nhầm với viêm xoang như gây nghẹt mũi thường xuyên, ù tai, nhức đầu. Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài gây tình trạng loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Theo Ettoday