Ngày nay các cô gái trẻ gần như xem danh xưng "Hotgirl mạng" là một mục tiêu để phấn đấu. Nếu cảm thấy bản thân không đủ xinh đẹp, họ sẽ tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ theo tiêu chuẩn "Gương mặt hotgirl", bất chấp gương mặt trở nên đại trà và mức độ phân biệt thấp nhưng chỉ cần có thêm tự tin là được.
"Gương mặt hotgirl" là gì? Câu trả lời của cộng đồng mạng là: Khuôn mặt nhỏ với chiếc cằm nhọn, sống mũi thẳng đứng, đầu mũi nhỏ, mí mắt to, miệng cười hờ hững, môi trái tim, vòm lông mày cao, trán cao, má đầy đặn.
Thông qua phẫu thuật thẩm mỹ, phái nữ Trung Quốc đã thật sự trở nên xinh đẹp và tự tin hơn. Nhưng, mọi thứ trên đời đều là con dao 2 lưỡi.
Cái giá quá lớn của quá trình lột xác hóa bướm
Theo dữ liệu do Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc công bố, từ năm 2002 đến năm 2012, trung bình mỗi năm có hơn 20.000 người khiếu nại liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Tổng cộng trong 10 năm đó đã có 200.000 người bị huỷ hoại dung nhan do làm đẹp bằng dao kéo.
Phẫu thuật thẩm mỹ mang đến những rủi ro và nguy hiểm không thể lường trước. Ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc phát triển với tốc độ rất nhanh, đồng thời những tin tức về "sự cố phẫu thuật thẩm mỹ" cũng xuất hiện dày đặc hơn. Trong số đó, sự việc một cô gái 19 tuổi tử vong do nâng mũi đã khiến cộng đồng mạng xôn xao suốt một thời gian dài.
Tiểu Hạ là một nữ sinh viên năm 2 của một trường đại học tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Vì sống mũi thấp nên cô không tự tin vào vẻ ngoài của mình. Sau nhiều lần được tư vấn, Tiểu Hạ quyết định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện thẩm mỹ ở Quý Dương.
Mặc dù lo lắng về những rủi ro khi phẫu thuật nhưng nghĩ đến lời cam kết của bác sĩ, cô đánh liều ký vào hợp đồng phẫu thuật thẩm mỹ và đóng hơn 10.000 NDT (hơn 33 triệu VND) cho bệnh viện.
Hơn 4 giờ sau, ca phẫu thuật chưa kết thúc nhưng các bác sĩ đã lần lượt rời phòng mổ. Khi người nhà hỏi đến, họ chỉ buông một câu ngắn gọn: "Ca phẫu thuật vẫn đang được tiến hành".
Mãi đến gần 9 giờ tối, gia đình Tiểu Hạ mới được thông báo cô đã tử vong sau khi được chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Quý Châu gần đó cấp cứu. Cô nữ sinh trẻ đã kết thúc cuộc sống quý giá chỉ vì một cuộc phẫu thuật nâng mũi.
Tháng 8/2019, Tiểu Dương, một bà mẹ có hai con trai sinh đôi, đã đến bệnh viện đề nghị được làm phẫu thuật hút mỡ ở mặt và cổ mà không báo trước cho gia đình. Không lâu sau khi được gây mê, Tiểu Dương rơi vào trạng thái hôn mê và không bao giờ tỉnh dậy được nữa.
Khi chồng của Tiểu Dương đến nơi, anh chỉ thấy phần cổ của vợ đang rỉ máu. Tiểu Dương đã tử vong khi chưa kịp nói lời tạm biệt với hai con trai nhỏ.
Ngoài tử vong, một số người phụ nữ còn phải chịu đựng sự hành hạ do phẫu thuật thẩm mỹ thất bại.
Pinky Baby là một cô gái đã trải qua hơn 200 ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc. Sau khi cắt mí mắt lần đầu tiên ở tuổi 16, cô liên tục nằm trên bàn mổ với loạt phẫu thuật nâng mũi, hút mỡ, nâng ngực,... Bộ phận nào trên cơ thể của Pinky Baby cũng đều đã đụng chạm dao kéo.
Tuy nhiên, một thời gian sau, cơ thể bắt đầu xuất hiện những biến chứng, cô không thể tự chăm sóc bản thân và phải ngồi trên xe lăn suốt đời. Cô buộc phải đội mũ và đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi để che đi khuôn mặt bị hủy hoại nặng nề. Pinky Baby không bao giờ có được cuộc sống như một người bình thường nữa.
Những ca "phẫu thuật linh hồn"
Khi ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc trở nên quá tải, những cô gái trẻ quyết định "khăn gói lên đường" đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, với nhu cầu dao kéo khổng lồ, ngành phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc ngày càng hỗn loạn hơn. Những người yêu thích làm đẹp tin tưởng chuyên môn của các bác sĩ nổi tiếng nhưng số lượng các bác sĩ như thế lại bị hạn chế. Chính vì vậy, một số bệnh viện đã nghĩ ra "phẫu thuật linh hồn".
Một bác sĩ chuyên nghiệp sẽ ra mặt cam kết thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ nhưng sau khi gây mê, phía bệnh viện sẽ tự ý chuyển sang một bác sĩ mới vào nghề thực hiện ca phẫu thuật đó. Người thay thế đó có thể không có chứng chỉ hành nghề hoặc chỉ là một y tá nhỏ trong bệnh viện.
Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc cho biết, từ đầu năm 2000 đến nay, đã có khoảng 200 - 300 người đã tử vong do "phẫu thuật linh hồn". Kwon là một chàng trai ước mơ trở thành minh tinh. Lúc đó, anh muốn phẫu thuật thu nhỏ xương hàm để làm gương mặt nhỏ gọn hơn.
Khi Kwon vừa được gây mê, một "bác sĩ linh hồn" đã bước vào phòng mổ. Người này đã sử dụng dao kéo sai cách nên khiến Kwon chảy máu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, "bác sĩ linh hồn" vẫn tập trung vào việc cắt xương hàm mặt cho Kwon chảy máu không ngừng khiến dưới bàn mổ đầy máu. Trợ lý ca mổ đã phải dùng cây lau nhà lau dọn đến 13 lần.
Sau cuối, "bác sĩ linh hồn" đã không còn kiểm soát được tình hình, Kwon đã chết trên đường đến bệnh viện khác để cấp cứu do mất máu quá nhiều.
Trong một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ lớn tại Hàn Quốc, sự phát triển của "phẫu thuật linh hồn" luôn được sự "hỗ trợ" từ các bộ phận khác nhau. Các bác sĩ mới vào nghề muốn tích lũy kinh nghiệm trong khi số lượng bác sĩ tay nghề cao lại bị hạn chế. Hai bên đã hợp tác với nhau để thỏa mãn vì lợi ích riêng.
Song song đó, thuốc giả cũng là một mối nguy hiểm khác đối với sức khỏe của những người muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Từ giai đoạn sản xuất đến lúc được cho vào cơ thể người đã được truyền tay nhiều bên khác nhau, giá trị đã được đội lên từ 5 - 10 lần.
Chẳng hạn như một lọ Botulinum được chế biến trong một nhà xưởng nhỏ tại nhà dân với nguyên liệu thô là 0,6 NDT/chai (gần 2 nghìn VND) nhưng được bán ra đến 8.000 NDT (hơn 26 triệu VND).
Ngoài ra, sự hợp tác giữa ngành tài chính và ngành làm đẹp cũng khiến những người trẻ gặp sập bẫy ở khắp mọi nơi. Tiểu Trương là một sinh viên tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Trong một dịp tình cờ, Tiểu Trương nhìn thấy một mẩu quảng cáo tuyển người mẫu lương 50.000 NDT (hơn 166 triệu đồng) một tháng trên trang web tìm kiếm việc làm và quyết định ứng tuyển trực tuyến.
Nhà tuyển dụng cho biết ngoại hình của Tiểu Trương không phù hợp nhưng lại đề xuất cô vay tiền của một bên thứ 3 để phẫu thuật thẩm mỹ cho phù hợp với yêu cầu công việc. Tiền lương của Tiểu Trương sau này sẽ được trích để trả cho bên thứ 3 và chỉ trong hơn nửa năm là đủ. Tuy nhiên, vì vẫn cảm thấy mông lung, Tiểu Trương quyết định từ chối.
Bác sĩ giả, thuốc giả và các khoản vay giả dường như đã khiến ngành công nghiệp làm đẹp trở thành những trò gian lận lừa đảo. Những lợi ích đen tối đó vô tình tước đi quyền lợi được trở nên xinh đẹp hơn của những người trẻ.
Nguồn: Zhihu, Sina, CCTV