Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết "sản phẩm không được phép khuyết tật"

Thu Ngân | 22-05-2022 - 14:18 PM

(Tổ Quốc) - Từng mảnh vải vụn của mỗi người khuyết tật ngày ngày được chung tay ghép thành một mảnh vải lớn chứa đầy ước mơ, hy vọng được xã hội công nhận về khả năng của mình. Nhưng rồi Covid19 ập đến...

Vụn Art là không gian tập hợp khoảng 24 bạn khuyết tật, bao gồm người mắc các chứng: Bại liệt, tự kỷ, khuyết tật vận động, thiểu năng…. Họ cùng nhau làm ra những sản phẩm chất lượng cao từ vụn lụa Vạn Phúc. "Một miếng vải vụn bỏ đi nếu biết sử dụng nó sẽ tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Một người khuyết tật cũng vậy, nếu đặt họ đúng chỗ sẽ tạo nên giá trị cho cuộc sống này", anh Lê Việt Cường - Giám Đốc Vụn Art chia sẻ trong chương trình "Dám sống" phát sóng trên VTV tháng 10/2020.

Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 1.

Anh Lê Việt Cường bên cạnh những sản phẩm lấy cảm hứng từ những bức tranh dân gian Việt Nam.

Mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội này của anh Lê Việt Cường ngày càng được công nhận bởi các tổ chức, hiệp hội và khách hàng không chỉ bởi ý nghĩa xã hội mà còn bởi chất lượng sản phẩm mà họ tạo ra.

Ý chí dám làm người tốt

Anh Lê Việt Cường (sinh năm 1976), quê Phú Thọ, là một người khuyết tật bị liệt nửa người bên trái gây ra do dịch sốt bại liệt từ khi còn nhỏ. Trải qua 10 cuộc phẫu thuật trong vòng 8 năm để 2 chân bằng nhau, anh mới có thể đi được giày dép.

Sau này, anh học tại chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, rồi làm việc trong 14 năm ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Và rồi cơ duyên đã đưa anh thành lập Hợp tác xã "Vụn Art" vào năm 2018, với triết lý "Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật".

Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 2.

Ngày ngày các nhân viên khuyết tật đều miệt mài hăng say bên những sản phẩm mảnh vải vụn nghệ thuật. Ảnh: TTXVN.

Anh cho biết, cái tên Vụn xuất phát từ mong muốn mỗi người khuyết tật sẽ chính là một mảnh vụn nhỏ nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội như một "chất keo" kết dính họ thành một mảnh vải lớn, mà trên đó, họ có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình.

Trước khi mở xưởng, anh đã đầu tư một năm để tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng ý tưởng, mời một số họa sĩ như Nguyễn Văn Trường, Đặng Thị Khuê, thầy Hoàng về để đào tạo các bạn khuyết tật về kĩ thuật ghép tranh, màu sắc, bố cục.

Điều đặc biệt khác cũng tạo nên cái tên đặc biệt của doanh nghiệp này chính là tất cả các sản phẩm đều làm từ những mảnh vải vụn bằng lụa Vạn Phúc. Nhờ đó, các mảnh vải tưởng như không còn giá trị sử dụng nữa nay lại được đại diện cho ngôi làng nghề truyền thống lâu đời này mà đi tới khắp trong và ngoài nước.

Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 3.

Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường (áo vàng) giới thiệu sản phẩm túi vải thời trang với khách đến thăm. Ảnh: Hà Nội Mới.

Hiện nay, các sản phẩm của Vụn Art rất được khách hàng yêu thích như tranh lấy cảm hứng từ những bức tranh dân gian, áo phông, túi tote, ví và kit ghép tranh cho trẻ nhỏ. Giáo dục trải nghiệm cũng được Vụn Art tâm huyết thực hiện để khách du lịch và các em học sinh thực hành học, làm sản phẩm, cũng như hiểu thêm về người khuyết tật cũng như văn hóa làng lụa đang dần bị giới trẻ quên lãng.

Với doanh thu mỗi tháng trước dịch khoảng 200 triệu đồng/tháng, anh Cường cũng đã giúp 24 người khuyết tật nơi đây có được cơ hội công việc làm ăn ổn định với mức lương từ 1,5-7 triệu đồng/tháng.

Covid19 không chừa một ai

Trong một phóng sự anh Cường đã từng chia sẻ “Tôi hy vọng xã hội sẽ nghiêm khắc, khó tính với những sản phẩm của người khuyết tật, để từ đó chúng tôi có động lực tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn”.

Anh Cường luôn cố gắng để xây dựng một môi trường làm việc mà trong đó, những nhân viên khuyết tật sẽ được tôn trọng, được trân quý, nhưng không bởi vì họ là người khuyết tật, mà vì họ vượt khó để tạo ra giá trị lao động cho xã hội.

Năm 2019, Vụn được Unesco đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn cũng vượt qua các kiểm định khắt khe để đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu khâu đóng gói (packing) để đạt 5 sao.

Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 4.
Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 5.

Tuy nhiên, những khó khăn ập đến một cách không thương tiếc khiến một doanh nghiệp ấp ủ bao ý chí và niềm hi vọng cũng phải trở nên kiệt quệ. Do Covid19, các doanh nghiệp chuyển sang làm việc online và không còn nhu cầu mua hàng, Vụn Art chật vật trụ được trong năm 2020, nhưng đến năm ngoái, dòng tiền cạn sạch mặc dù chi phí cố định hàng tháng vẫn lên đến 150 triệu đồng/tháng.

Theo anh Cường chia sẻ trên Pháp luật và Bạn đọc: "Doanh thu bằng 0, trong khi chi phí cố định hàng tháng vẫn đều đều 150 triệu đồng.Từ tháng 5, chúng tôi nợ bảo hiểm. Đến tháng 8, tôi xoay sở đi vay khắp mọi chỗ anh em, bạn bè để duy trì công ty. Tiền nợ họ đến giờ khoảng 600-700 triệu đồng. Tuy không lớn và bạn bè đều chẳng tính lãi, nhưng thú thực, tôi cũng phải nói thẳng với họ là chưa biết đến ngày nào mới trả hết. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, kinh tế vẫn chưa hồi phục như hiện tại thì có lẽ rất sớm thôi, công ty tôi sẽ phải đóng cửa."

Một khó khăn nữa cho bài toán này là nếu công ty phá sản, hàng chục người khuyết tật sau 1-5 năm học nghề có thể sẽ vĩnh viễn mất việc làm và không biết nương tựa vào đâu. Vụn Art cũng đã mất một thời gian dài khoảng 1- 5 năm mới có thể đào tạo được các bạn khuyết tật làm được việc, lại còn cần lo chi phí ăn ở. Trong khi đó, cũng không thể chờ dịch bệnh hết đi rồi mới sản xuất quay trở lại vì đặc thù của những bạn thiểu năng, tự kỷ là chỉ biết làm việc theo thói quen. Do đó một khi không làm việc như thường lệ, họ sẽ quên hết và công ty phải đào tạo lại từ đầu. Vì thế hằng tháng, dù cho khó khăn, hàng tồn kho rất nhiều, nhưng anh Cường vẫn phải "cắn răng" trả lương cho nhân viên và nhập nguyên liệu cho các bạn làm việc.

Đến nay khi tình hình dịch bệnh đã dần ổn định, ngoài việc quyết tâm nghiên cứu để cơ cấu lại mô hình kinh doanh của mình, tính toán lại thu-chi, anh Cường cũng bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách tốt hơn để vực dậy các công ty siêu nhỏ như Vụn Art có thể tiếp tục được hoạt động, những nhân viên lại có cơ hội được nâng cao tay nghề và tiếp tục được cống hiến cho xã hội.

Khi không khí SEA Games 31 đang dâng trào khắp mọi miền Tổ Quốc, Vụn Art cũng đang tràn ngập niềm hứng khởi, tập trung toàn lực cùng chung tay góp những sản phẩm đặc sắc trong đó có cắt dán những mảnh lụa vụn của làng nghề Lụa Vạn Phúc thành linh vật Sao la của SEA Games 31 in trên chất liệu vải.

Chuyện người khuyết tật làm giàu từ mảnh vải vụn Hà Đông: Giám đốc bại liệt, cả 24 nhân viên đều thiểu năng, tự kỷ nhưng quyết sản phẩm không được phép khuyết tật - Ảnh 6.

Các sản phẩm lưu niệm chào mừng SEA Games năm nay của Vụn Art.

Chia sẻ với Kinh tế đô thị, anh Cường cho biết: “Do nhu cầu quà tặng, quà biếu trong dịp SEA Games 31 tăng mạnh nên những ngày gần đây tôi phải đi khá nhiều nơi để giao mẫu sản phẩm cho khách hàng. Đồng thời thống nhất đặt hàng, ký hợp đồng cam kết sản xuất. Đến nay, Hợp tác xã VỤN ART đã đưa các mẫu sản phẩm có gắn hình Sao la của 40 bộ môn thi đấu trong kỳ SEA Games 31, trên các sản phẩm như áo, túi xách, ví, túi đựng bình nước…"

Rất mong những nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm giá trị cho cộng đồng của những người khuyết tật sẽ luôn được xã hội khuyến khích, ủng hộ và trân trọng.

Nguồn: Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM