Chuyện ít ai biết về mâm cơm của người Việt: Dù đơn sơ hay cầu kỳ cũng đều là sự hội tụ của tinh hoa văn hoá nghìn năm

Hạ Linh, thiết kế: Mai Linh | 11-02-2021 - 23:50 PM

(Tổ Quốc) - Mâm cơm của người Việt chúng ta chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa cũng như những nét văn hoá được đúc kết qua nhiều đời.

Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, mâm cơm là một khái niệm đã quen thuộc đến từng hơi thở, từng thớ thịt. Từ trong chính cuộc sống hàng ngày, mâm cơm xuất hiện như một thứ nhất định phải có. Đừng vội bảo rằng chẳng cần cơm thì có thể đi ăn gà rán, ăn mì Ý, kimbap… bởi quanh đi quẩn lại, chẳng sớm thì muộn, ta cũng sẽ phải quay trở về với mâm cơm nhà mà thôi!

Và trong những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới này, ý nghĩa mâm cơm càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết! Mâm cơm dâng cúng tổ tiên, mâm cơm tất niên sum vầy cả gia đình, cùng nhau bước qua năm cũ, rồi mâm cơm ngày đầu năm, khi tất cả mọi thành viên được ở bên nhau, cùng ăn bữa cơm sum họp…

Chuyện ít ai biết về mâm cơm của người Việt: Dù đơn sơ hay cầu kỳ cũng đều là sự hội tụ của tinh hoa văn hoá nghìn năm - Ảnh 1.

Không phải tự nhiên mà vào những ngày này, người Việt dù xa gia đình, dù sống cách gia đình hàng trăm, hàng nghìn km nhưng cũng đều cố gắng làm một mâm cơm Việt thật tươm tất để dâng cúng, rồi để tưởng nhớ đến nét văn hoá truyền thống đã được gìn giữ qua bao đời.

Mâm cơm ấy, chính là tinh tuý đã được đúc kết ra sau hàng nghìn năm của ông cha ta! 

Mâm cơm đơn sơ nhưng chứa đầy giá trị văn hoá 

Nhắc đến mâm cơm ngày Tết, hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến sự sum vầy đúng không? Đó chính là giá trị gia đình. Bên mâm cơm, chính là gia đình với nhiều thế hệ, cùng nhau sống chung dưới một mái nhà, cùng nhau ăn những bữa cơm, chính là cách con cháu hiếu kính mời ông bà, hay cha mẹ giục con ăn đi, qua cái cách mà mọi người săn sóc và gắp thức ăn cho nhau. Mâm cơm gia đình, là dù có cầu kỳ đủ món hay đơn sơ chỉ có "râu tôm nấu với ruột bầu" thì vẫn cứ "chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".

Mâm cơm còn là nơi để những đứa trẻ "học ăn, học nói, học gói, học mở". Chẳng ngoa đâu, bởi qua chính những bữa ăn, ông bà, cha mẹ sẽ dạy con cháu của mình những phép tắc, lễ nghĩa, cách ứng xử trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Cứ thử nghĩ mà xem, mâm cơm đã dạy chúng ta rất nhiều điều có phải không?

Chuyện ít ai biết về mâm cơm của người Việt: Dù đơn sơ hay cầu kỳ cũng đều là sự hội tụ của tinh hoa văn hoá nghìn năm - Ảnh 2.

Lý thuyết cân bằng âm dương trong mâm cơm của người Việt

Không chỉ với người Việt, sự cân bằng âm dương còn là quan niệm của rất nhiều quốc gia châu Á. Và bên trong mâm cơm hàng ngày của chúng ta, điều này cũng được thể hiện rất rõ.

Trong ăn uống luôn có 5 mức âm dương là nóng, lạnh, ấm, mát và trung tính. Trải qua nhiều năm tích luỹ, ông cha ta đã đưa điều này vào mâm cơm hàng ngày, tuân thủ nghiêm ngặt theo hệ thống đó. Đơn cử như trứng vịt lộn có tính lạnh sẽ ăn kèm rau răm có tính nóng, hay trong mâm cơm ngày Tết, thịt kho tàu mang tính nóng thì phải có thêm canh khổ qua mang tính hàn đi kèm...

Bên cạnh đó, lý thuyết cân bằng âm dương trong mâm cơm của người Việt còn được thể hiện qua cách ăn theo mùa, theo khí hậu, "mùa nào thức nấy" của người dân ở mọi miền.

Mâm cơm Tết và những truyền thống tỉ mỉ, cầu kỳ...

Mâm cơm ngày thường vốn đã chứa đựng nhiều ý nghĩa, thì mâm cơm ngày Tết còn hàm chứa trong đó nhiều truyền thống, thậm chí còn có thể gọi là phép tắc. Không phải tự nhiên mà những mâm cơm tất niên, cơm cúng ngày Tết luôn có những món quen thuộc như thịt gà luộc, giò chả, nem rán, bánh chưng hoặc bánh tét... Tất cả những điều đó đều là truyền thống của người Việt ở từng vùng, từng miền khác nhau.

Đơn cử như mâm cơm ngày Tết của miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng cần 4 bát, 4 đĩa, tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn hướng... Những nhà dư dả hơn thì sẽ làm 6 bát, 6 đĩa, hay thậm chí là 8 bát, 8 đĩa. Các món ăn sẽ mang cả nét khí hậu đặc trưng miền Bắc những ngày này: Mùa đông lạnh nên cũng cần những món thật giàu năng lượng.

Chuyện ít ai biết về mâm cơm của người Việt: Dù đơn sơ hay cầu kỳ cũng đều là sự hội tụ của tinh hoa văn hoá nghìn năm - Ảnh 5.

Dù mỗi nhà, ở mỗi miền, mâm cơm ngày Tết có thể khác nhau đôi chút, nhưng sẽ luôn đa dạng sắc màu, phong phú ở số lượng món. Và điều quan trọng hơn cả, mâm cơm ngày Tết được làm bằng cái tâm của con cháu để dâng cúng lên tổ tiên, và chính là mâm cơm sum vầy khi cả gia đình cùng nhau bước qua năm cũ, đón chào năm mới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM