Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: 'Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra'

Quỳnh Lê - Hồng Nhuận | 29-09-2021 - 05:41 AM

(Tổ Quốc) - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2021 của Việt Nam ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, cũng là lần đầu tiên từ năm 2000, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm. Trí thức trẻ đã có buổi trò chuyện với ông Fred Burke, Founder Baker McKenzie Vietnam về vấn đề này.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 1.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông đánh giá như thế nào về chiến lược chuyển từ zero Covid sang sống chung với virus của Việt Nam?

Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nhận ra rằng đến giờ, đặc biệt là với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất cao, chúng ta sẽ không bao giờ có thể loại bỏ virus hoàn toàn. Và để cuộc sống bình thường trở lại, có khả năng cần phải tiêm vaccine phòng Covid-19 hàng năm.

Tôi đang trò chuyện từ San Francisco (California), nơi mà việc "sống chung với virus" đang được chứng minh là tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả này là nhờ một yếu tố vô cùng quan trọng mà Việt Nam vẫn còn thiếu: tỷ lệ tiêm chủng cao. Rủi ro lớn nhất hiện nay với loại virus này vẫn là khả năng hệ thống y tế bị quá tải và tình trạng kinh tế theo đó sẽ ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 2.

Ông Fred Burke, Founder Baker McKenzie Vietnam.

Vì vậy, nếu quyết định sống chung với virus, thì tôi cho rằng cần phải từ từ, tốt nhất là ở thời điểm mà chúng ta đạt được một số lượng nhất định miễn dịch trong cộng đồng. Về giãn cách xã hội, tuân thủ những quy định phòng chống dịch, hay truy vết đều là những việc Việt Nam đã thực hiện rất tốt. Bằng chứng là giai đoạn đầu chống dịch, Việt Nam đã được thế giới công nhận năng lực trong việc kiểm soát dịch.

Nhưng có một điều là, vì giai đoạn đầu chống dịch thành công, số ca nhiễm rất ít, nên số người có khả năng tạo ra kháng thể cũng ít hơn những quốc gia khác. Và với Delta, những chiến lược phòng thủ cũ đã không còn hiệu quả. Như vậy, chỉ còn một phương án là vaccine.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có nỗ lực và những bước tiến xa của Việt Nam trong công tác ngoại giao vaccine, đặc biệt sự cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc bao phủ ngừa Covid-19 cho toàn dân. Nhìn chung, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hợp lý hóa hệ thống tiêm chủng, làm sao có thể sống chung với virus, nhưng không để đại dịch nghiêm trọng.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 3.

Vaccine vẫn là chìa khóa quan trọng để mở cửa lại nền kinh tế. Vậy còn trong khi chờ đợi vaccine đến được với tất cả người dân, Việt Nam cần áp dụng biện pháp gì khác?

Tôi cho rằng đối với những khu vực chưa được tiếp cận nhiều với vaccine, hoặc người dân nhiễm Covid-19 nhưng không quá nặng, chính quyền có thể cho phép họ cách ly tại nhà, không đưa đến trại cách ly. Điều này sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Thực chất Việt Nam đã áp dụng phương án này rồi, nhưng là ở những địa phương có nhiều người nhiễm.

Còn ở những khu vực người dân đã được tiêm vaccine, rất nhiều hoạt động đã được mở cửa trở lại.

Nhìn chung, rất nhiều các biện pháp cụ thể với từng khu vực đang được Chính phủ Việt Nam ban hành. Trong đó, có quy định rõ những dịch vụ, hoạt động nào được mở cửa, những dịch vụ nào chưa, từng tỉnh thành được hoạt động trong phạm vi và quy mô thế nào. Chính phủ Việt Nam đang rất cố gắng trong việc kiểm soát dịch, thậm chí còn sử dụng cả binh lính và quân đội để mua sắm hộ người dân.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 4.

Theo ông, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì việc doanh nghiệp mở cửa lại nên được triển khai như thế nào?

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng từ những ví dụ thành công trên thế giới, tôi cho rằng điều quan trọng là phải áp dụng những biện pháp chống dịch một cách nhất quán. Ngoài các biện pháp truyền thống là truy vết và xét nghiệm rộng rãi, chúng ta cần tận dụng đội ngũ đã được tiêm vaccine một cách linh hoạt và thiết thực hơn.

Ví dụ, các doanh nghiệp có thể cho phép những người lao động tiêm đủ vaccine quay lại hoạt động sản xuất bình thường. Tôi nghĩ việc tiêm phòng cho toàn bộ lao động là một điều khả thi, vì Việt Nam đã cấp phép nhiều loại vaccine khác nhau. Đặc biệt, đến cuối năm nay, số lượng vaccine trên toàn cầu sẽ đạt sản lượng khoảng hơn 10 tỷ liều. Vì vậy, doanh nghiệp có thể dần tiến hành tiêm vaccine cho lao động của mình.

Việt Nam cần tháo gỡ những vướng mắc gì để giúp giúp doanh nghiệp quay lại hoạt động sớm, nền kinh tế Việt Nam không bị đứt gãy quá lâu?

Trước tiên, Việt Nam phải cải thiện được những rào cản về thủ tục hành chính. Đây cũng là điều rất nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam mong nhờ, đặc biệt là loại bỏ các yêu cầu về công chứng đối với văn bản pháp luật. Việt Nam không thể biến rào cản về cơ chế, thủ tục thành nhân tố "kìm chân" doanh nghiệp phục hồi.

Ngoài ra, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng, tôi nghĩ rằng cần triển khai các chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh, để các bạn sớm trở lại trường học. Điều này rất quan trọng vì học sinh đi học đương nhiên sẽ có tiếp xúc gần, nếu không được tiêm vaccine sẽ mang lại nhiều rủi ro cho cả cộng đồng. Nhưng nếu tiếp tục học online thì cũng không phải là phương án bền vững.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 5.

Hơn một năm trước, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, ông đã nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp FDI sẽ không trở về quê nhà của họ ở Bắc Mỹ hay châu Âu, thậm chí Đông Bắc Á. Điều này liệu còn đúng trong làn sóng bệnh lần này?

Thực tế tình hình hiện đã thay đổi, và ngày càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Tại Baker McKenzie, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch rót vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc muốn đến Việt Nam để thành lập doanh nghiệp mới.

Do vậy, tôi nghĩ đây là một xu hướng lớn và sẽ không kết thúc hoàn toàn vì làn sóng dịch bệnh lần này. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải vượt qua nhiều thách thức khác. Nhiều doanh nghiệp ở châu Âu, ở Nhật, Úc, Mỹ… đang xem xét đến việc nội địa hóa chuỗi cung ứng của họ.

Ngoài ra, trong giai đoạn công nghệ 4.0, nhiều doanh nghiệp đang tính đến phương án sử dụng robot thay thế lao động trong hoạt động sản xuất. Điều này có thể tốn nhiều chi phí trong giai đoạn đầu, song xét về lâu dài, chi phí sẽ giảm bớt đáng kể, cũng như dễ dàng trong việc quản lý.

Thực ra đây là một thách thức lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Tại thời điểm này, ngay cả khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam có nên nghĩ đến việc thu hút nhiều nguồn vốn FDI hơn, hay chỉ nên tập trung "giữ chân" các nhà đầu tư FDI sẵn có ở lại?

Tôi nghĩ là cả hai. Việt Nam đang có nhiều chính sách giữ chân các nhà đầu tư FDI hiệu quả, thì những chính sách ấy cũng chính là công cụ thu hút nhiều nhà đầu tư mới đến Việt Nam. Điều quan trọng hiện giờ là Chính phủ phải có những cam kết hỗ trợ và chính sách hiệu quả để giữ chân nguồn vốn FDI hiện có.

Đặc biệt, hiện tại Việt Nam đang ở giữa giai đoạn chuyển đổi từ lao động cấp thấp sang cấp cao hơn, với rất nhiều nghiên cứu, chính sách phát triển. Tôi cho rằng, nếu làm tốt ở bước dịch chuyển này, thì đó cũng là một yếu tố quan trọng thu hút được nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 6.

Về mặt thủ tục, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp FDI ra sao để họ có thể sớm mở cửa và phục hồi?

Nhiều năm qua, đã có vô vàn các cuộc thảo luận tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều quy định pháp chế cần được cải tiến, và tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện việc cải cách này.

Tôi lấy một ví dụ đơn giản như việc chủ doanh nghiệp đang ở nước ngoài và muốn bổ nhiệm nhân viên tại Việt Nam, họ cần phải xin xác nhận của chính quyền Mỹ, sau đó đến lãnh sự quán Việt Nam để công chứng, rồi lại công chứng ở các cơ quan địa phương, xong phải đi dịch tài liệu, đem chứng nhận bởi cấp lãnh đạo có thẩm quyền khác. Tiếp đến phải mang sang để xác nhận lại.

Một ví dụ khác là những yêu cầu phải có mặt khi làm giấy tờ tại Việt Nam. Điều này là không thể trong giai đoạn Covid-19 như hiện tại.

Nhìn chung quá trình này tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, thậm chí mất từ 4 – 6 tháng để hoàn thành. Đặc biệt, trước tình hình các nước hạn chế xuất, nhập cảnh như hiện nay, điều này lại càng khó khăn hơn.

Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, song mục tiêu kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước lại chưa được như kỳ vọng. Làm thế nào để cải thiện điều này trong giai đoạn bình thường mới?

Đây là một vấn đề mà chúng tôi đã thảo luật rất nhiều tại các diễn đàn doanh nghiệp, bao gồm cả làm thế nào để tăng cường vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xuất khẩu, và đôi khi, họ chính là nhà xuất khẩu trực tiếp.

Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra - Ảnh 7.

Tôi nghĩ điều quan trọng là làm sao cân bằng lợi ích giữa các bên. Với các doanh nghiệp Việt Nam, họ hiểu được thị trường nội địa, văn hóa, thói quen người dùng, nên họ sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp FDI về mặt hoạt động trong nước. Còn các doanh nghiệp FDI thường định hướng xuất khẩu.

Đương nhiên là khi kết nối giữa doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước chặt chẽ hơn, chúng ta sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của người mua quốc tế, từ đó đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Điều này cũng sẽ đòi hỏi tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe từ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, hay các luật…

Vừa qua, rất nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể như ADB đã hạ mức tăng trưởng GDP xuống còn 3,8%, WB dự báo mức 4,8% trong năm nay. Ông nhận xét gì về điều này?

Rõ ràng là khi nhìn vào các cửa hàng đóng cửa dọc hầu hết mọi con phố Việt Nam có thể thấy rõ những tổn thất mà dịch bệnh đã gây ra. Doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau cũng buộc phải dừng hoạt động nhiều tháng liền, như du lịch, nhà hàng ăn uống… và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Tất cả những hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm giờ đây lại chững lại. Đó là lý do vì sau các dự báo tăng trưởng GDP năm nay đều giảm.

Điển hình như TP. HCM, trung tâm kinh tế với hơn 9 triệu người, với hơn nửa GDP thành phố đến từ khu vực dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc lao động trong khu vực này là rất đông, và con số bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Tuy nhiên một điểm tích cực là chúng ta vẫn thấy một số nhà đầu tư lớn tập trung vào Việt Nam. Samsung vẫn lên kế hoạch đưa Việt Nam trở thành thành trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn, hay như Intel vẫn hoàn thành giải ngân khoản đầu tư mới vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh như vậy.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM