Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang bầu không nên lái xe máy, nếu buộc phải sử dụng hãy tuân thủ 9 KHÔNG để giữ an toàn cho chính mình

Nguyễn Phượng | 29-04-2022 - 10:48 AM

(Tổ Quốc) - Ở những tháng cuối thai kỳ, động tác và phản ứng của bà bầu khi đi xe máy đều không được linh hoạt. Nếu bị tai nạn kể cả va chạm nhẹ thì mức độ thương tổn cũng tăng cao so với bình thường.

Vào khoảng 8h ngày 27/4, tại ngã tư Kim Mã - Núi Trúc thuộc địa phận phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, chị Nh. (SN 1993, ở phường Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển xe máy SH biển số 29S1-835.xx đi trên đường Kim Mã (hướng Kim Mã đi Nguyễn Thái Học) đã va chạm với ô tô khách 45 chỗ mang BKS 29B- 412.xx do anh Hoàng Văn Th. (SN 1985 ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển.

Cú va chạm khiến xe máy SH do chị Nh. điều khiển bị đổ, chị Nh. ngã về phía gầm xe khách 45 chỗ và bị bánh xe cán qua người, tử vong tại chỗ.

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang bầu không nên lái xe máy, nếu buộc phải sử dụng hãy tuân thủ 9 KHÔNG để giữ an toàn cho chính mình - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: VOV

Theo một số nhân chứng, người thân của chị Nh. khi đến hiện trường đã cho biết nữ nạn nhân đang mang thai. Trước thông tin này, cộng đồng mạng bày tỏ sự đau xót cho cô gái xấu số cũng như dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm khi bà bầu điều khiển xe máy.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyến cáo, phụ nữ mang thai khi đi xe máy, đặc biệt là đường dài và xóc sẽ tiềm ẩn rủi ro khôn lường. Vậy, trong trường hợp phải tự lái xe, bà bầu nên đảm bảo những nguyên tắc gì để giữ được an toàn cho chính mình và em bé?

Bà bầu đi xe máy có sao không?

Phương tiện chính ở nước ta là xe máy nên rất khó để cấm cản bà bầu sử dụng. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai nên hạn chế di chuyển nhiều bằng xe máy, bởi khi thai nhi lớn dần và bụng mẹ bầu cũng to lên sẽ làm cho việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn, dễ bị ngã và xảy ra các tai nạn liên quan. Cụ thể:

- Sự thay đổi các hormone nội tiết tố trong thai kỳ làm cho các mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ốm nghén... và dẫn đến tình trạng khó chịu khi lái xe.

- Mẹ bầu đi xe máy dễ bị mất thăng bằng và ngã do bụng to, phản ứng chậm hơn so với bình thường. Việc dắt và đỗ xe cũng khó khăn, đặc biệt khi đi vào đoạn đường nhiều "ổ gà" xe bị xóc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang bầu không nên lái xe máy, nếu buộc phải sử dụng hãy tuân thủ 9 KHÔNG để giữ an toàn cho chính mình - Ảnh 2.

Bà bầu đi xe máy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Ảnh Internet

- Những va chạm tai nạn xe máy dù nhẹ cũng làm tâm lý mẹ bị kích động và có thể dẫn đến sinh non. Đối với những phụ nữ mang thai có tiền sử động thai, sảy thai hay các biến chứng như nhau tiền đạo, bong non... thì cần hạn chế di chuyển bằng xe máy.

9 KHÔNG dành cho bà bầu điều khiển xe máy

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nên di chuyển bằng xe máy. Trong trường hợp cần thiết phải đi xe, mẹ bầu nên tuân thủ 9 không dưới đây:

- KHÔNG sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn

- KHÔNG mang giày cao gót

- KHÔNG đi xe đường dài bởi phụ nữ mang thai ngồi xe máy lâu dễ khiến cho tử cung và xương chậu bị chèn ép, làm máu lưu thông kém, ảnh hưởng đến thai nhi;

- KHÔNG đi xe máy vào buổi tối, khi trời mưa hoặc sau cơn mưa để tránh bị trơn trượt

- KHÔNG trùm kín mũ áo chống nắng để tránh bị giảm tầm nhìn

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang bầu không nên lái xe máy, nếu buộc phải sử dụng hãy tuân thủ 9 KHÔNG để giữ an toàn cho chính mình - Ảnh 3.

Hãy cố gắng sử dụng các phương tiện khác an toàn hơn so với xe máy khi mang bầu. Ảnh minh hoạ

- KHÔNG được bỏ gương chiếu hậu để có thể quan sát phương tiện giao thông phía sau tốt hơn

- KHÔNG phóng nhanh, vượt ẩu; luôn giữ bình tĩnh khi đi xe

- KHÔNG sử dụng loại xe quá to như SH, xe phân khối lớn,...để dễ dắt và dễ điều khiển hơn

- KHÔNG đi xe máy trong giờ cao điểm vì dễ bị kẹt xe gây mệt mỏi cho cơ thể và dễ gặp tai nạn

Tốt nhất, để tránh các rủi ro không đáng có, mẹ bầu nên sử dụng ô tô gia đình nếu có điều kiện hoặc sử dụng xe bus công cộng để đi lại thường ngày. Khi ngồi xe ô tô hãy thắt dây an toàn qua hông chứ không qua bụng, đảm bảo cho đùi và vai không bị dịch chuyển khi xe bị va chạm. 

Sau thời gian di chuyển 2 tiếng cần dừng xe để thư giãn và đi vệ sinh nhằm giúp bàng quang được thư giãn, đề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu...

Nguồn tham khảo: Hệ thống y tế BV Vinmec; ThS.BS.CK2 Trần Anh Tuấn- Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang bầu không nên lái xe máy, nếu buộc phải sử dụng hãy tuân thủ 9 KHÔNG để giữ an toàn cho chính mình - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM