Chuyên gia đưa ra 4 lưu ý giúp giảm đau xương khớp khi trời chuyển lạnh

Ngọc Minh | 11-11-2022 - 20:25 PM

(Tổ Quốc) - Thời tiết chuyển lạnh khiến những người bị bệnh khớp phải đối mặt với cơn đau tăng lên do mạch máu bị co lại.

Vì sao trời lạnh xương khớp dễ đau

Đối với bệnh nhân xương khớp, thời tiết chuyển lạnh là nỗi ám ảnh vì các cơn đau sẽ gia tăng. Vậy, vì sao thời tiết lạnh xương khớp lại dễ bị đau hơn?

Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thời tiết rét lạnh, hoặc không khí ẩm ướt đều tạo điều kiện cho những cơn đau của bệnh nhân khớp bùng lên dữ dội và thường xuyên hơn.

Người bệnh phải khổ sở đối mặt với những cơn đau khi di chuyển, trong sinh hoạt hằng ngày, dẫn đến suy nhược cơ thể và đối mặt với nguy cơ tàn phế.

Chuyên gia đưa ra 4 lưu ý giảm bớt đau xương khớp khi trời chuyển lạnh - Ảnh 1.

Đau khớp khi vận động, chuyển mùa (ảnh minh hoạ)

"Khi thời tiết lạnh, các mạch máu ngoại vi có xu hướng co lại khiến máu đến các xương khớp bị hạn chế, giảm nuôi dưỡng khớp, màng hoạt dịch, sụn khớp; lạnh khiến gân cơ co rút làm cho các khớp cứng, đau nhức…

Đặc biệt, với những bệnh nhân thoái hóa khớp lâu ngày, do lớp sụn khớp bị bào mòn làm trơ ra đầu xương lồi lõm, các đầu dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên bệnh nhân thường cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Do vậy, chỉ cần thời tiết "trở mình", các cơn đau khớp sẽ ập đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh", bác sĩ Phương Thảo nói.

Giảm đau xương khớp khi thời tiết chuyển lạnh

Theo bác sĩ Phương Thảo để giảm đau xương khớp khi thời tiết chuyển lạnh không khó. Điều quan trọng là người có bệnh lý về xương khớp phải giữ khô và ấm cho cơ thể. Khi trời trở lạnh, cần mặc đủ ấm, dùng khăn quàng cổ, găng tay, tất… Hạn chế chân, tay bị ẩm ướt, cần nhanh chóng lau khô người khi đi mưa.

Nếu khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng cần làm nóng/ấm xung quanh vị trí đau bằng cách chiếu đèn hồng ngoại hoặc sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, máu được lưu thông dễ dàng đến nuôi các khớp. Không nên xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau).

Bác sĩ Thảo cho biết thêm, nhiều người khi bị đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Tuy nhiên, khi khớp bị đau mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Chuyên gia đưa ra 4 lưu ý giảm bớt đau xương khớp khi trời chuyển lạnh - Ảnh 2.

Giữ ấm cơ thể là cách giúp xương khớp không ít bị đau hơn khi trời lạnh.

Theo đó, mọi người thể luyện tập hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, có thể massage, dùng phương pháp trị liệu. Thay vì ngồi một chỗ, chỉ cần dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng để thực hiện các bài thể dục đơn giản như: Bơi lội, đạp xe, thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, yoga… theo nguyên tắc nhẹ nhàng, vừa sức thì khi thực hiện xong sẽ cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, tầm vận động được cải thiện thêm.

"Tập luyện nhẹ nhàng không chỉ tốt cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe, mang lại sự sảng khoái về tinh thần và làm việc hiệu quả hơn", bác sĩ Thảo nói.

Ngoài tập luyện để giảm đau xương khớp khi lạnh thì cần phải có chế độ ăn duy trì cân nặng hợp lý. Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các thành phần chống viêm.

Đảm bảo hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, ăn nhiều trái cây, cà chua, cá béo như: cá hồi, cá thu, cá mòi. Các loại hạt, rau lá xanh, cải xoăn, rau bina, củ cải… Hạn chế các chất kích thích, thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn quá chua, quá mặn…

Đặc biệt, duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho các khớp, giúp khớp không bị thoái hóa sớm.

Bác sĩ Phương Thảo khuyến cáo, khi khớp bị đau nhức, nên đi khám sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự chẩn đoán bệnh và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng (bởi các loại thuốc này thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…). Tránh áp dụng các phương pháp điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được các nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng.