Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu "ấm" phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship

TT. Design: Đỗ Linh | 24-03-2020 - 07:39 AM

(Tổ Quốc) - Ít ai biết được rằng trước khi trở thành một doanh nhân được cả thế giới ngưỡng mộ như hiện tại, ông Chatri Sityodtong từng phải chật vật sống qua ngày tại Mỹ với chỉ vài USD trong túi.

Ông Chatri Sityodtong được đánh giá là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại làng võ châu Á vào lúc này. ONE Championship, giải đấu do vị doanh nhân Thái Lan lập ra đã tạo bệ phóng, nâng tầm cho hàng trăm võ sĩ đồng thời giúp phong trào võ thuật trong khu vực phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, phía sau thành công của ông Sityodtong là một hành trình vươn lên không ngừng nghỉ, bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Câu chuyện đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người và được cả BBC, CNN lẫn Bloomberg chú ý tới.

Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu ấm phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship - Ảnh 1.

Doanh nhân Chatri Sityodtong.

Cơn khủng hoảng tuổi 26

Ông Chatri vốn sinh ra trong một gia đình giàu có tại Thái Lan. Thuở nhỏ, ông chẳng thiếu thốn thứ gì, từ vật chất cho tới tình thương yêu của mẹ cha. Tốt nghiệp phổ thông, ông rời quê nhà để tới Mỹ học tập. Mọi điều êm đềm tưởng chừng đã dọn sẵn cho Chatri.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1997 đã cướp đi tất cả. Gia đình mất sạch tài sản, còn cha của ông thì cũng bỏ đi biệt tích. Mọi áp lực cứ thế đổ dồn lên mình Chatri, từ việc học Thạc sĩ ở trường Harvard cho tới trách nhiệm phải lo cho mẹ cùng các em. Cơn khủng hoảng thực sự ở tuổi 26 cho Chatri. Để trụ vững, ông đành thắt lưng buộc bụng, cố gắng xoay xở qua ngày với vỏn vẹn vài USD trong túi.

"Ngày ấy, tất cả tài sản của tôi chỉ gói gọn vỏn vẹn trong một chiếc vali. Tôi xấu hổ vì nhà nghèo nên đã giữ bí mật về hoàn cảnh của mình với mọi người ở Harvard. Ăn một bữa mỗi ngày vốn không phải là điều đáng khoe với mọi người, đặc biệt là ở Harvard", ông nhớ lại. "Tôi sống chỉ nhờ vài USD mỗi ngày, từng đồng xu đều phải được ghi chép tính toán kỹ lưỡng vào sổ. Tôi thậm chí còn không có tiền để đi tàu ngầm hay xe bus" .

Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu ấm phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship - Ảnh 2.

Thật may khi đó, ông Chatri có sự đồng hành của mẹ. Trong những ngày Chatri sống cùng giấc mơ đổi đời, bà luôn ở bên, cùng tâm sự, cùng san sẻ với con bữa ăn có giá trị chỉ vỏn vẹn 35.000 đồng.

Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, Chatri nhanh chóng tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Với số vốn kiếm được từ công việc bàn giấy, ông mở start-up đầu tiên, một công ty phần mềm có tên Next Door Networks. Đồng tiền bắt đầu sinh sôi, Chatri lập thêm những quỹ đầu tư và kiếm thêm được vài trăm triệu USD chỉ trong vòng một thập kỷ. Có một dạo, Chatri Sityodtong trở thành một cái tên cực hot tại phố Wall.

Hiện thực hóa giấc mơ bằng ONE Championship

Thành công tại Mỹ là quá đủ để mang sự sung túc cho Chatri và gia đình. Thế nhưng, thay vì nghỉ hưu sớm và tận hưởng, ông lại muốn biến niềm đam mê với võ thuật trở thành điều gì đó thật ý nghĩa cho xã hội. Đã từng đi qua những tháng ngày gian khó để chạm đến đỉnh cao, Chatri hiểu rằng không chỉ ông mà tất cả mọi người đều sở hữu tiềm năng vô hạn, để làm những điều lớn lao.

Năm 2009, ông đặt nền móng đầu tiên cho kế hoạch của mình bằng việc mở ra phòng tập Evolve MMA tại Singapore và biến ước mơ trở thành võ sĩ chuyên nghiệp của hàng trăm người trở thành hiện thực. "Võ thuật có khả năng thay đổi cuộc đời của mỗi người, biến những yếu điểm thành sức mạnh, biến nỗi sợ thành sự can trường và biến một điều tưởng như bình thường thành phi thường", ông viết trên trang cá nhân.

Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu ấm phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship - Ảnh 3.

Chưa dừng lại, chỉ 2 năm sau, ông dựng nên đế chế võ thuật của riêng mình mang tên ONE Championship, tập trung khai phá các tay đấm tới từ châu Á, từ Trung Quốc, Nhật Bản, cho tới Thái Lan, Philippines và cả Việt Nam.

Phát triển không ngừng nghỉ, tới nay, ONE Championship đã là giải võ thuật lớn nhất nhì thế giới, phủ sóng đến hơn 150 quốc gia và chạm tới khoảng 2,7 tỷ người xem. Tại ONE, không có những drama hay chiêu trò, tất cả các võ sĩ đi lên bằng chính thực lực và tài năng của mình. Qua thời gian, hơn 140 nhà vô địch đã được sản sinh theo cách thức như thế.

Khi võ thuật đã ngấm vào máu

Ông Chatri có lẽ đã không thể thành công như thế với ONE Championship nếu không có những hiểu biết sâu rộng về võ thuật. Trong tiếng Thái, Chatri có nghĩa là "chiến binh" và quả thật, ông đã "chiến đấu" trong gần như cả cuộc đời mình, trên cả thương trường lẫn võ đường.

Như bao đứa trẻ tại Thái Lan khác, ông Chatri đã theo học Muay Thái ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ông từng là một võ sĩ có tiếng và từng thi đấu chuyên nghiệp nhiều trận ở quê nhà. Đến Mỹ, công việc của một võ sư đã giúp ông kiếm được những đồng tiền công ít ỏi để vượt qua cơn bĩ cực.

Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu ấm phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship - Ảnh 4.

Hiện tại, ông Chatri vẫn đến phòng gym thường xuyên. Bên cạnh Muay, ông còn sở hữu đai đen karate và có nhiều năm tập luyện nhu thuật Brazil.

"Võ thuật đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nó mang đến cho tôi dũng khí, sức mạnh, tính kỷ luật, sự khiêm tốn và nhiều điều quý giá khác. Trên tất cả, nó rèn luyện cho tôi tinh thần của một chiến binh để chinh phục nghịch cảnh và vượt lên chính mình. Võ thuật chính là ngọn nguồn giúp tôi đạt được rất nhiều thành công, là điều thắp sáng tâm hồn tôi… Nhiều lúc tôi băn khoăn không biết đời mình sẽ về đâu nếu ngày ấy tôi không đến với võ thuật".

Bắt đầu một thử thách mới

Cách đây chưa lâu, ông Chatri Sityodtong cùng ONE Championship khiến các fan một phen ngỡ ngàng khi mua lại bản quyền của một series có tên The Apprentice (Người tập sự). Đây vốn là chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp nổi tiếng ở Mỹ và với thương vụ vừa qua, vị doanh nhân người Thái ấp ủ tham vọng đào tạo nên những nhân tài mới, vừa có sức khỏe lại vừa giỏi kinh doanh.

Format cuộc thi rất đặc biệt, được chia thành 2 phần. Trong phần kinh doanh, 16 thí sinh sẽ được làm việc với 12 vị CEO hàng đầu châu Á (mỗi CEO xuất hiện trong một tập) và phải hoàn thành các thử thách thực tiễn liên quan đến đời sống cũng như kinh doanh.

Tới phần thể chất, họ phải vượt qua các nhà vô địch võ thuật của ONE Championship trong bài thi về tốc độ, sức mạnh và thể lực. Những ngày tham dự chương trình hứa hẹn mang tới trải nghiệm không thể quên với các thí sinh.

Chuyện chưa kể về ông trùm của làng võ thế giới Chatri Sityodtong: Cậu ấm phải đi lên từ hai bàn tay trắng và dấu ấn mang tên ONE Championship - Ảnh 5.

"Tôi vô cùng háo hức thông báo rằng 'Người tập sự: ONE Championship' sẽ là bước đột phá lớn nhất từ trước đến nay của chúng tôi ở mảng các chương trình truyền hình thực tế không kịch bản.

'Người tập sự' mang đến cho chương trình một làn gió mới lạ và độc đáo, nơi các thí sinh sẽ cạnh tranh qua các tình huống thực tế trong giới kinh doanh cũng như những thử thách thể chất, đồng hành cùng nhiều CEO hàng đầu Châu Á, các nhà vô địch võ thuật và những nhân vật nổi tiếng tới từ khắp nơi trên toàn thế giới", ông Chatri hào hứng chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM