Ung thư tuyến giáp có xu hướng tăng lên
Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất chiếm hơn 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K có xu hướng tăng lên.
ThS.BS. Ngô Quốc Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K cho biết, mỗi năm khoa tiến hành phẫu thuật cho khoảng 3000 bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp, trong đó chủ yếu là ung thư tuyến giáp và có xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước.
Ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng tại Việt Nam
Cách đây hơn 4 năm, chị T.T.N (29 tuổi) đột nhiên bị khàn tiếng dù không ho, không viêm họng, sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh, không có gì bất thường. Sau đó, chị phát hiện ở vùng cổ có khối cứng nên đến bệnh viện gần nhà thăm khám. Chị rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, khối u đã xâm lấn rộng tổ chức xung quanh, không thể phẫu thuật. Bác sĩ yêu cầu nhập viện để xạ trị nhưng chị từ chối. Và chỉ đến khi chị N. thấy nuốt vướng tăng dần mới quay lại bệnh viện xạ trị vùng cổ.
Trường hợp khác là một gia đình ở Hà Nội có mẹ, con gái và con trai cùng mắc ung thư tuyến giáp. Trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe, người con gái phát hiện mắc ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được hướng dẫn chế độ ăn kiêng iod và theo dõi chỉ số xét nghiệm máu sau 3 tuần. Sau điều trị 6 tháng, bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt bình thường.
Đáng nói, mẹ và em trai của bệnh nhân cũng đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể và phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường về mặt lâm sàng. Cả hai được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp - vét hạch cổ, uống iod phóng xạ.
Trước đó, một trường hợp đặc biệt khiến các bác sỹ Bệnh viện K luôn ghi nhớ dù đã xảy ra rất lâu đó là cô gái ở Sài Gòn nhận kết quả ung thư tuyến giáp khi đang chuẩn bị làm đám cưới. Qua thăm khám, xác định bệnh nhân đã chuyển qua giai đoạn 2, di căn qua hạch nên phải mổ gấp. May mắn, cuộc phẫu thuật của cô thành công, tuy nhiên bác sĩ sau đó phát hiện bệnh đã di căn tới phổi, nên cô phải tiếp tục uống iod phóng xạ liều cao để điều trị.
ThS.BS. Ngô Quốc Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K Ảnh: Bộ Y tế
Theo bác sỹ Huy, phần lớn các bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám và điều trị tại bệnh viện K do tình cờ phát hiện hoặc khám sức khoẻ định kỳ mà thường không có triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, người bệnh đến viện trong tình trạng khối u, hạch vùng cổ có kích thước lớn, xâm lấn rộng gây chèn ép các cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra các triệu chứng tương ứng như khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng…
Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình mà mọi người có thể tự khám cho bản thân ngay tại nhà:
- Khối u ở cổ: Đàn ông thường phát hiện khối u khi cạo râu, còn phụ nữ có thể nhận ra sự thay đổi ở cổ khi trang điểm. Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu, bạn hãy theo dõi hoạt động của nó.
Thông thường, khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt, trong khi đó hầu hết các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.
Thông qua việc làm hàng ngày như cạo râu, trang điểm,...mọi người có thể tự phát hiện các dấu hiệu lạ vùng đầu cổ
- Bị khàn giọng: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhưng lại hay bị nhầm lẫn của ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp. Trong những trường hợp hiếm, khối u, cụ thể là khối u ung thư có thể lan rộng ra ngoài tuyến giáp làm tổn thương dây thần kinh này và ảnh hưởng tới hộp thanh âm.
- Xuất hiện u giáp trạng: U có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Xuất hiện hạch vùng cổ: Hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường có các triệu chứng như: Khối u to, rắn, cố định trước cổ; khàn tiếng, có thể khó thở; khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép; da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu
Nếu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi xuất hiện những triệu chứng trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình.
Nguồn: Bệnh viện K; Bộ Y tế