‘Chiến binh phố Wall’ tiết lộ những ‘thủ thuật’ trong cuộc đua kiếm tiền tỷ: Hãy là con cò, đừng là chim bồ câu!

Alexx | 07-06-2022 - 10:53 AM

(Tổ Quốc) - "Tôi sử dụng những con cò như một phép ẩn dụ cho việc luôn mang lại giá trị..."

Định hướng con đường sự nghiệp dường như luôn là một nhiệm vụ khó khăn. Đối với người da màu và các cộng đồng không được quan tâm đúng mực khác, quá trình đó có thể còn khó khăn hơn với các yếu tố như phân biệt đối xử, thiếu sự nổi bật và cả tình trạng kiệt sức…

Dave Liu là một doanh nhân, đồng thời là một cựu chiến binh ở Phố Wall và Thung lũng Silicon trong suốt 30 năm, và anh đã phải đối mặt với những trở ngại này trong suốt sự nghiệp tài chính của mình.

"Tôi thấy có một số người làm việc ở cấp trung, nhưng không có ai ở cấp giám đốc điều hành. Và nó thực sự có tác động rất lớn đến tôi vì tôi là người luôn muốn thành công", Liu chia sẻ với CNBC Make It. "Tôi muốn vươn lên, nhưng khi nhìn xung quanh, toàn là người da trắng. Và điều đó khiến tôi nhận ra rằng nếu tôi không học cách bứt phá, tôi sẽ mãi bị mắc kẹt ở cấp quản lý cấp trung."

Bằng việc sử dụng các mẹo và thủ thuật tích lũy được trong suốt sự nghiệp của mình, Liu cho biết anh đã huy động được hơn 15 tỷ đô la cho hàng trăm công ty và tự mình bắt đầu kinh doanh thành công trong các lĩnh vực như thương mại, giải trí và trí tuệ nhân tạo.

Vào năm 2021, Liu, người có tấm bằng MBA của Harvard, đã mang hết các thủ thuật nghề nghiệp tích lũy được vào cuốn sách của mình, "The Way of the Wall Street Warrior: Conquer the Corporate Game Using Tips, Tricks, and Smartcuts."

(Tạm dịch: "Con đường của chiến binh phố Wall: Chinh phục cuộc chơi doanh nghiệp bằng cách sử dụng các mẹo, thủ thuật và phím tắt thông minh")

‘Chiến binh phố Wall’ tiết lộ những ‘thủ thuật’ trong cuộc đua kiếm tiền tỷ: Hãy là con cò, đừng là  chim bồ câu! - Ảnh 1.

Dave Liu và cuốn sách của mình

Đây là hai trong số các "Smartcuts" ("phím tắt thông minh") mà Liu cho rằng có giá trị nhất:

1. "Hãy là một con cò, đừng là con chim bồ câu"

Liu là một người rất hâm mộ các phép loại suy và câu nói mà anh cho là thâm thúy nhất này được lấy cảm hứng từ tác giả người Đan Mạch, Hans Christian Andersen.

Liu chia sẻ rằng trong những câu chuyện của Andersen, những con cò được biết đến là loài "nhặt những đứa trẻ từ hồ và giao chúng cho những người mẹ đang mong mỏi." Ngược lại, chim bồ câu được biết đến với việc bay tới, "vỗ cánh xung quanh" và biến mất.

"Tôi sử dụng những con cò như một phép ẩn dụ cho việc luôn mang lại giá trị. Vì vậy, bất kể bạn đang tương tác với đồng nghiệp, sếp, khách hàng hay nhân viên nào, hãy nghĩ đến việc 'tôi có đang tạo ra thêm giá trị cho người này, để khi nhìn lại sự tương tác với ta, họ sẽ nói, ồ, quả là không lãng phí thời gian chút nào’; thay vì khiến họ nghĩ kiểu như, ‘anh bạn, tôi ước gì tôi có thể lấy lại thời gian của mình’, bởi vì họ không nhận được gì từ sự tương tác với bạn", Liu nói.

Theo Liu, nghĩ mình là một con cò chứ không phải chim bồ câu, sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ ở nơi làm việc và trở thành một tài sản quý giá trong nhóm của bạn. Việc dành thời gian để cung cấp giải pháp cho các vấn đề, tóm tắt thông tin phức tạp cho sếp hoặc đóng góp một cách tích cực cho một dự án, đồng nghĩa với việc bạn đang tối đa hóa những gì Liu gọi là "lợi nhuận bạn nhận lại được từ thời gian mà mình đã bỏ ra".

‘Chiến binh phố Wall’ tiết lộ những ‘thủ thuật’ trong cuộc đua kiếm tiền tỷ: Hãy là con cò, đừng là  chim bồ câu! - Ảnh 2.

Dave Liu

2. Bốn chìa khóa để thành công

Khi còn nhỏ, Liu nói rằng anh đã chứng kiến cảnh mẹ mình phải vật lộn để kiếm sống. Khi vào đại học, anh biết mình cần phải chọn một nghề nghiệp có thể giúp đỡ mẹ và trả khoản nợ 100.000 đô la của mình.

Mặc dù đã thành công nhưng Liu nói rằng anh ấy có thể đã có một sự nghiệp viên mãn hơn nếu anh ấy tuân theo một khái niệm của Nhật Bản, Ikigai.

Theo nền tảng huấn luyện nghề nghiệp BetterUp, Ikigai có nghĩa là "lý do của sự tồn tại". Bằng cách thử nghiệm với nghề nghiệp, sở thích và mối quan tâm, một người có thể khám phá ra ý nghĩa và niềm vui trong công việc của họ.

Khi tư vấn cho ai đó, Liu luôn bảo mọi người hãy tự hỏi bản thân mình bốn câu hỏi sau:

Bạn đam mê điều gì?

Bạn giỏi trong lĩnh vực nào?

Xã hội coi trọng cái gì?

Xã hội sẽ trả giá cho những gì?

Theo Liu, nếu bạn có thể tìm thấy điểm giao nhau giữa bốn yếu tố này, về cơ bản, bạn đã tìm thấy mục đích sống của mình.

"Khi ở độ tuổi 20, nếu không phải thoát nghèo và trả nợ, tôi sẽ quay lại và nhắn nhủ bản thân rằng hãy tập trung vào bốn câu hỏi đó và dành những năm tháng tuổi trẻ để thử nghiệm, và cố gắng tìm ra ý nghĩa trong những gì mình làm. Bởi vì nếu bạn tìm thấy nó, bạn thực sự sẽ rất hạnh phúc."

Theo CNBC Make It

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM