Vũ Hoàng Giang, 27 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP. HCM. Anh chàng hiện đang là 1 chuyên viên kinh doanh cho một công ty phần mềm nước ngoài. Khi nhắc đến đề tài nghỉ hưu sớm, Giang đã rất hào hứng chia sẻ câu chuyện của mình: "Mình biết đến nghỉ hưu sớm là vào khoảng năm 2019. Những người đầu tiên mang cho mình tư duy ấy là Dan Lok và Tim Ferriss."
Hoàng Giang cũng cho biết, anh đã chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu sớm của riêng mình, và cột mốc anh đặt ra là trước năm 40 tuổi. Tuy vậy, Giang cũng cho biết thêm: “Dù có làm kế hoạch, nhưng mình không nghĩ quá nhiều về tuổi 40 đâu, điều mình quan tâm hơn cả là trong 10 năm tới kể từ lúc này, mình sẽ sống một cuộc đời màu sắc thế nào.”
Cùng lắng nghe chia sẻ từ Vũ Hoàng Giang về kế hoạch nghỉ hưu sớm của anh chàng nhé!
Trên lý thuyết thì nghỉ hưu sớm hoàn toàn có khả năng, còn thực tế thì sao?
Khi được hỏi về trào lưu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm ở giới trẻ, Giang bày tỏ quan điểm cá nhân: "Nhiều người trẻ lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu nghỉ hưu sớm trước năm 30, 40 tuổi, về mặt lý thuyết thì hoàn toàn có khả năng. Nhưng trên thực tế, mình chưa thấy nhiều người làm được điều này. Mình thấy một số người xung quanh mình đã khoe ra hình ảnh "Tự do tài chính và Nghỉ hưu sớm" khiến những người vẫn đang vật lộn với chuyện tiền bạc như mình ghen tị, nhưng mình không chắc bên trong họ đã cảm thấy tự do thực sự hay chưa?"
Vũ Hoàng Giang (27 tuổi, TP.HCM)
Khi giới trẻ ngày càng có xu hướng đặt cột mốc tự do tài chính là thước đo của sự thành công, thì trào lưu FIRE càng có sự bùng nổ mạnh mẽ. FIRE - Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm là một mục tiêu được thực hiện dựa trên những con số cụ thể.
Trên lý thuyết, để đạt được FIRE, bạn cần phải tiết kiệm và đầu tư từ 50-70% thu nhập cho đến khi bạn có được số tiền tích lũy bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong 1 năm. Sau đó, bạn có thể rút 4% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong thời kỳ nghỉ hưu sớm. Lúc này, số tiền bạn tích lũy được sẽ không bị vơi đi quá nhiều, mà thay vào đó là tiếp tục sinh lãi cho các năm sau, đây chính là sức mạnh của lãi kép trong đầu tư, và là chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa nghỉ hưu sớm.
Như Hoàng Giang cũng chia sẻ, về mặt lý thuyết, đây là một bài toán có tính khả thi và thuyết phục. Nhưng việc tiết kiệm lên tới hơn 50% thu nhập thì không phải ai cũng có khả năng làm được. Việc tiết kiệm với hơn một nửa nguồn thu như thế - đồng nghĩa với việc bạn phải gạt bỏ tất cả những nhu cầu không cần thiết như những chuyến du lịch, mua sắm tự thưởng bản thân, hay thậm chí là không xã giao bên ngoài.
Vậy phải giải quyết thế nào đây?
Không làm hùng hục như trâu chỉ để hưởng thụ một thể
Hoàng Giang chia sẻ: "Mình vẫn đan xen làm việc và hưởng thụ trong ngắn hạn như mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm. Mình không định làm hùng hục như trâu như bò suốt chục năm tuổi trẻ chỉ với hy vọng năm 40 tuổi hưởng thụ một thể. Mình cho rằng sống như vậy là lãng phí tuổi trẻ."
Khi nói về kế hoạch cụ thể để nghỉ hưu sớm trước năm 40 tuổi, Giang nhấn mạnh vào 2 điều đó là: Tăng thu nhập và giảm chi tiêu.
"Mình có kế hoạch nghỉ hưu sớm. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của mình vẫn tới từ công việc toàn thời gian là tư vấn bán hàng cho công ty. Bên cạnh đó, mình cũng dành thời gian còn lại để làm nội dung, xây dựng nhân hiệu, và chuẩn bị cho các nguồn thu nhập khác.
Về việc chi tiêu và tích luỹ, mình đang thực hành lối sống tối giản để tiết kiệm chi tiêu vào các tiêu sản, và thực hiện phân bổ nguồn thu nhập thành 5 khoản: Thiết yếu - Mối quan hệ - Học tập - Du lịch - Tiết kiệm/Đầu tư.
Tỉ lệ các khoản có sự thay đổi theo thời gian nhưng mình luôn đề cao khoản "Tiết kiệm/Đầu tư". Hiện tại, mình đang cố gắng trích ra tới 25% thu nhập cho khoản tiết kiệm/đầu tư. Và trong khoản này thì mình lại chia thành nhiều danh mục nhỏ khác nhau, tránh bỏ trứng vào một rổ:
- Danh mục đầu tư của mình hiện có: Kinh doanh, vàng, quỹ mở, bảo hiểm, tiết kiệm ngân hàng,... và cả ủng hộ nữa (mình gọi khoản tiền này là đầu tư lòng tốt hay gọi là tích đức).
Tất cả những kế hoạch và hạch toán thu chi cá nhân kể trên mình đều đưa vào một ứng dụng quản lý thu chi cá nhân trên điện thoại từ 5 năm nay. Mình thấy để đạt được kế hoạch nghỉ hưu sớm trước năm 40 tuổi thì mình cần kiên trì làm tốt 2 việc: Tăng thu nhập và giảm chi tiêu. Tuy nói là giảm chi tiêu nhưng mình vẫn cố gắng sống một cuộc sống nhiều trải nghiệm, có rất nhiều trải nghiệm không cần dùng tới nhiều tiền, và có thêm trải nghiệm là mình lại có cơ hội kiếm thêm tiền."
Tuy vậy, Giang cũng chia sẻ rằng đôi lúc anh gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính, dù cho có kế hoạch cụ thể từ trước, nhưng cũng không tránh được các trường hợp phát sinh đột xuất.
"Mình đúc rút được mấy bài học thế này:
- Để tăng thu nhập thì cần tăng giá trị. Để tăng giá trị thì cần tăng trải nghiệm.
- Trước khi chi tiêu vào “Thiết yếu”, nên hỏi bản thân thật kỹ rằng mua cái này có cần không, có gấp không. Việc này giúp mình tránh rơi vào vòng xoáy tiêu dùng.
- Khi đầu tư vào “Mối quan hệ”, nên thoáng ra một chút. Mình có thể tiết kiệm với bản thân, nhưng đừng tằn tiện với người khác. Không gì giàu có hơn là giàu có mối quan hệ. Nhưng cũng đừng vì sĩ diện mà để cháy túi. Mối quan hệ tốt không bao giờ khiêu khích lòng sĩ diện của mình như thế.
- Khi đầu tư cho “Học tập” và “Du lịch”, mình đang đầu tư vào trải nghiệm: trải nghiệm bên trong và trải nghiệm bên ngoài. Trong khoản Học tập, mình có một khoản tên là “Bài học ngẫu nhiên”: Những khoản mất tiền ngu ngốc của mình sẽ được đưa vào đó. Trải nghiệm thất bại, đau thương cũng là một trải nghiệm đáng giá.
- Khi đưa tiền vào khoản “Tiết kiệm/Đầu tư”, mình đang chuyển hoá tiền mặt thành các tài sản dạng khác. Hãy bắt đầu ngay từ khi số vốn mình nhỏ, đừng đợi đến khi có vốn lớn. Vì nếu mình không chuyển hoá thì tức là mình đang lưu trữ giá trị dưới dạng tiền VND, mà tiền VND đang mất giá từng ngày.”
Có nhà, có xe rồi mới nghỉ hưu sớm được - phải không?
Khi có tích lũy tài chính đến mức độ nhất định, nhiều người vẫn hay đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu chăng, phải có nhà, có xe rồi mới được nghỉ hưu sớm?”. Đối với quan điểm này, Giang chia sẻ rằng mình có suy nghĩ hơi khác truyền thống một chút:
"Có thể nhìn nhà và xe là một lối sống hoặc là hai tài sản lớn.
Nếu nhìn như là một lối sống, mình thấy đó là lối sống ổn định, vững bền. Không biết tương lai thế nào, nhưng hiện tại mình đang thấy lối sống phiêu du nay đây mai đó hấp dẫn hơn. Người có khả năng phiêu du cũng phải là người có tự do nhất định về tài chính và thời gian.
Còn nếu nhìn nhà và xe như là tài sản, như là hai thứ khiến mình yên tâm rằng chúng sẽ luôn có giá trị chứ không mất đi như tiêu sản, thì mình thấy đó là thứ nên đầu tư để lưu trữ giá trị. Thực ra nhà và đất có tính chất tài sản hơn xe. Xe đối với mình cơ bản chỉ là một phương tiện.
Ví dụ, mình sẽ có một căn nhà ở TP. HCM, một căn nhà ở Hà Nội, rồi mình cho thuê để mình đi du lịch. Tài sản đó giúp mình có thu nhập thụ động để tiếp năng lượng cho lối sống tự do phiêu du mình mong muốn."
Nghỉ hưu sớm là khi bạn có quyền ngừng chạy theo đồng tiền
Có rất nhiều định nghĩa SAU nghỉ hưu. Chẳng hạn như, bạn được quyền tự do làm những gì bạn thích, không bị bó buộc bởi đồng tiền nữa. Hay là, tự do nay đây mai đó, chẳng bị ràng buộc bởi ai, bởi công việc gì.
Còn đối với Giang, nghỉ hưu sớm là khi bạn có quyền NGỪNG chạy theo đồng tiền:
"Mình có đọc một vài câu chuyện về những người đến tuổi 55-60 sợ hãi trước việc PHẢI nghỉ hưu, đặc biệt là những người đang ở vị trí cao, đang được nhiều người trọng vọng. Nhiều người đã phải tập dượt cho ngày đầu tiên không ĐƯỢC đi làm, cái ngày mà họ cảm thấy họ không còn có giá trị với xã hội nữa.
Chúng ta có thể tập dượt ngay từ bây giờ, ngay khi còn trẻ bằng các kì nghỉ 1 tuần, 1 tháng, hoặc 1 năm. Còn một người "Nghỉ hưu sớm" có nghĩa là người đó đã có quyền hoặc tự cho mình cái quyền dừng chạy theo đồng tiền để dành thời gian làm bất kì điều gì họ muốn, bất kể việc đó có ra tiền hay không, ví dụ như đi du lịch, lên núi sống, ra đảo sống, quay về đi học một lĩnh vực mới...
Không phải ai nghỉ hưu sớm cũng giàu có, nhưng việc họ có hạnh phúc với lựa chọn đó hay không nằm ở cách mà họ cảm nhận về tự do. Theo mình, một người cảm thấy tự do khi người đó sẵn sàng nói KHÔNG với những gì mà họ không thích: người sếp họ không thích, người khách hàng họ không thích, công việc họ không thích, người bạn họ không thích, lối sống họ không thích,... Họ dám làm vậy vì họ không sợ hậu quả. Và sẽ dễ dàng hơn với họ để nói KHÔNG - khi họ đã có nguồn lực tài chính đủ mạnh.
Tóm lại, "nghỉ vì muốn nghỉ’"sẽ tốt hơn "nghỉ vì phải nghỉ". Rồi sẽ đến lúc kỳ "nghỉ vì phải nghỉ" ập đến khiến mình khủng hoảng. Nên là tranh thủ tận hưởng những kỳ "nghỉ vì muốn nghỉ" đi.”
Sau những chia sẻ của mình, Hoàng Giang nhấn mạnh rằng: “Tự do nằm ngay ở chính hiện tại, hãy cứ vừa làm việc vừa tận hưởng tuổi trẻ. Còn ý tưởng về nghỉ hưu ở tuổi 40 nghe cũng hay đấy, nếu cố gắng đạt được thì tốt, còn nếu không được thì mình có thể cố gắng thêm mấy năm nữa. Để cân bằng mục tiêu gần và mục tiêu xa, mình cần làm hết mình và tận hưởng có chừng mực.”
Cảm ơn Hoàng Giang vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC