Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao chúng ta thường gọi là PÔ ẢNH?" – Đáp án siêu THÚ VỊ, am hiểu ngôn ngữ mới trả lời đúng

Ứng Hà Chi | 20-05-2022 - 06:00 AM

(Tổ Quốc) - Từ "pô" trong "pô ảnh" có nguồn gốc cực thú vị, ít người biết đến.

Ngày nay, chúng ta vẫn quen sử dụng từ "pô ảnh" trong giao tiếp hàng ngày: "Đứng vào để mình chụp cho pô ảnh nào?", "Bạn thấy mấy pô này đẹp chứ?",… Đó là những câu nói quen thuộc mỗi khi chụp hình. Từ "pô" đã có từ lâu, được sử dụng phổ biến. Vậy từ "pô" ra đời khi nào, bắt nguồn từ đâu, có bao giờ bạn thắc mắc điều đó?

Thực tế, "pô" là phiên âm của từ "pose" trong Tiếng Pháp, nghĩa là "vị trí, vị thế". Trong cuốn Tầm nguyên từ điển Việt Nam, giáo sư Lê Ngọc Trụ giải thích: "Pô (Tiếng Pháp: pose): Lần lên phim và bấm máy để chụp ảnh". Từ này chắc hẳn cũng liên quan đến từ "pose" trong Tiếng Anh, chỉ "tư thế chụp ảnh". Như vậy, từ "pô" mà chúng ta sử dụng là từ được vay mượn từ nước ngoài. 

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao chúng ta thường gọi là PÔ ẢNH?" – Đáp án siêu THÚ VỊ, am hiểu ngôn ngữ mới trả lời đúng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, Tầm nguyên từ điển Việt Nam cũng giảng, "pô" có nghĩa là đơn vị diện tích hình ảnh ghi lên mặt phim mỗi lần bấm máy để chụp ảnh. Ví dụ một tấm ảnh 36 pô là cỡ 24*36mm.

Có người cho rằng, "pô" ở đây liên quan đến từ "phô" trong "phô bày". Thực tế không phải như vậy. Từ "phô" trong "phô bày" là một từ gốc Hán có nghĩa là "bày ra" hay "lát phẳng". Như vậy từ này không liên quan gì tới việc chụp ảnh.

Tóm lại, từ "pô" bắt nguồn từ "pose" trong Tiếng Pháp, nghĩa là "vị trí, vị thế". 

Nhờ những từ mượn đã làm giàu đẹp hơn cho hệ thống Tiếng Việt. Từ mượn là những từ được vay mượn từ nước ngoài (ngôn ngữ cho) để làm phong phú thêm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ nhận.

Sở dĩ, chúng ta cần đi vay mượn tiếng nước ngoài vì xã hội ngày càng phát triển, giao thương kinh tế, hội nhập văn hoá đang là xu thế chung. Thêm nữa, một ngôn ngữ vốn dĩ không có đủ vốn từ vựng để định nghĩa cho tất cả các khái niệm cũng như việc chuyển ngữ từ vựng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Từ đó, từ mượn xuất hiện như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống.

Từ mượn được chia thành 2 loại: Từ mượn Tiếng Hán và từ mượn các tiếng khác. Trong hệ thống Tiếng Việt, từ mượn Tiếng Hán hay còn gọi là từ Hán Việt được sử dụng nhiều và đóng vai trò quan trọng nhất. Một số từ mượn Hán Việt được sử dụng phổ biến như: Khán giả, yếu lược, phụ huynh,...

Ngoài mượn Tiếng Hán, chúng ta thường mượn Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế. Các từ mượn Tiếng Anh xuất hiện là điều tất yếu vì Tiếng Việt không có đủ vốn từ vựng để chuyển ngữ. Ví dụ như: Ca-mê-ra (camera), phông chữ (font), đô-la (dollar),…

Còn từ mượn Tiếng Pháp xuất hiện là do nước ta đã trải qua thời gian dài chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Trong quá trình đó, chúng ta đã vay mượn nhiều từ gốc Pháp để chỉ những khái niệm mà Tiếng Việt không có. Ví dụ như: Bánh bích quy (biscuit), ga lăng (galant), cà phê (café),…

Phần lớn các từ mượn đã được thay đổi về cách đọc lẫn chữ viết để phù hợp với đặc trưng của Tiếng Việt.

Một số từ mượn có nguồn gốc từ Tiếng Pháp được sử dụng phổ biến:

Áo bờ lu – blouse: Từ "áo bờ lu" thường dùng để chỉ đồng phục áo choàng màu trắng của bác sĩ

Sếp – chef: "Chef" trong Tiếng Pháp có nghĩa là người đứng đầu, thủ trưởng

Séc – chèque: Còn gọi là chi phiếu

Com pa – compas: Công cụ dùng để vẽ hình tròn

Ê kíp – équipe: "Équipe" trong Tiếng Pháp có nghĩa là tốp, tổ, nhóm, đội

Com lê – complet: Trang phục nam giới

Cúp – coupe: "Cúp" trong cúp vô địch.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.