Các chuyên gia Mỹ cảnh báo nam giới nếu có kế hoạch sinh con nên hạn chế ăn quá nhiều thịt gà, thịt bò và thịt cừu.
Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí học thuật Dinh dưỡng và Sức khỏe Mỹ, testosterone có thể bị suy giảm nếu nam giới ăn quá nhiều thịt hay quá nhiều protein. Nghiên cứu này được thực hiện với sự tham gia của 309 nam giới và được chia thành 2 nhóm với chế độ ăn giàu protein (nhiều thịt) và chế độ thiên về rau quả. Kết quả cho thấy, những người thực hiện chế độ ăn giàu protein có mức độ testosterone suy giảm đáng kể.
Ông Joe Whittaker, trưởng nhóm nghiên cứu trên cho biết, chế độ ăn có lượng calo đến từ protein lớn hơn 35% có thể gây ra tình trạng ngộ độc protein. Việc này xảy ra khi cơ thể phân hủy quá nhiều protein, từ đó dẫn đến lượng amoniac cao và biến thành chất độc. Do đó, cơ thể sẽ ngừng sản xuất hormone cũng như testosterone để tập trung vào việc chống lại sự ngộ độc protein.
Trong báo cáo, ông Joe Whittaker cũng nhấn mạnh rủi ro của chế độ ăn giàu protein. Theo ông, thực đơn giàu protein sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nam giới. Ngoài ra, testosterone thấp cũng mang đến nguy cơ về các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và bệnh Alzheimer.
Theo khuyến nghị của Joe Whittaker, nam giới nếu muốn lập gia đình thì nên tuân theo giới hạn protein dưới 30%, hoặc 15 đến 25%. Đặc biệt, họ cũng nên giảm rượu bia, ngưng hút thuốc lá và tăng cường tập thể dục thường xuyên.
Một số loại thực phẩm khác làm giảm testosterone
Thông thường, cơ thể có khả năng thực hiện hiệu quả điều chỉnh các hormone và giữ mức testosterone ở nơi mà chúng cần. Tuy nhiên, một số thực phẩm lại can thiệp vào quá trình này bằng cách làm mất cân bằng nồng độ hormone. Cụ thể:
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành: Một số nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên ăn các sản phẩm từ đậu nành như edamame, đậu phụ, sữa đậu nành và miso có thể làm giảm nồng độ testosterone.
Đậu nành gây suy giảm testosterone ở nam giới
Ví dụ, trong một nghiên cứu thực hiện ở 35 đàn ông cho thấy uống protein đậu nành phân lập trong vòng 54 ngày và kết quả dẫn đến giảm nồng độ testosterone. Hơn nữa, thực phẩm được làm từ đậu nành cũng chứa nhiều phytoestrogen. Đây là những chất có nguồn gốc từ thực vật bắt chước được tác dụng của estrogen trong cơ thể bằng cách thay đổi nồng độ hormone và đồng thời có khả năng làm giảm testosterone.
Mặc dù, nghiên cứu được thực hiện trên con người còn hạn chế, nhưng có một nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy tiêu thụ phytoestrogen làm giảm đáng kể nồng độ testosterone và tỷ trọng tuyến tiền liệt.
Hạt lanh: Hạt lanh có chứa các thành phần chất béo có lợi cho tim. Ngoài ra, nó còn chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng khác như chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy hạt lanh có thể gây giảm nồng độ testosterone. Điều này là do hạt lanh chứa nhiều lignan. Đây là những hợp chất thực vật liên kết với testosterone và buộc nó phải được đào thải khỏi cơ thể. Hơn nữa, hạt lanh rất giàu acid béo omega-3, có thể cũng liên quan đến việc giảm testosterone.
Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh hay thực phẩm đông lạnh đều có chứa chất béo chuyển hóa hay nói cách khác là chất béo không lành mạnh, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 và viêm. Thêm vào đó, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thường xuyên tiêu thụ chất béo chuyển hóa có thể làm giảm nồng độ testosterone.
Rượu: Các nghiên cứu cho thấy rằng uống quá nhiều rượu có thể khiến nồng độ testosterone giảm mạnh, đặc biệt là ở nam giới. Một nghiên cứu tiến hành ở 19 người trưởng thành khỏe mạnh cho thấy tiêu thụ 30 - 40 gam rượu mỗi ngày (tương đương với khoảng 2-3 tiêu chuẩn) làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới xuống 6.8% trong khoảng thời gian ba tuần.
Có thể nói, thay đổi chế độ ăn uống của bạn là một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì mức testosterone khỏe mạnh. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ nhiều và tập thể dục phù hợp cũng có thể tăng cường testosterone một cách tự nhiên.
Nguồn: New York Post; healthline.com