Mới đây Sở GTVT TP.HCM đã có rà soát và đưa ra phương án để "cứu" bến xe Miền Đông mới sau 2 tuần di dời các tuyến xe từ bến cũ nhưng vẫn vắng khách, nhiều chuyến xe rời bỏ bến mới.
Cụ thể trong số gần 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới thì có gần một nửa chuyển qua hình thức chạy "xe dù, bến cóc", số còn lại qua các bến xe khác trong Thành phố.
Theo Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 5 bến xe lớn gồm Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Đông cũ, Bến xe Ngã Tư Ga, Bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có bến nào hoạt động quá 50% công suất.
Mỗi ngày có gần 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới khiến bến xe lớn nhất nước chỉ nhộn nhịp hơn so với lúc mới khai trương
Các bến xe đều mong muốn có nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách vào hoạt động nhưng thực tế có tình trạng xe ra khỏi bến cũ nhưng không vào bến mới đăng ký hoạt động mà chuyển qua "xe dù, bến cóc" khiến các bến xe, đặc biệt là bến xe Miền Đông mới ế khách, dẫn đến không hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.
Qua ghi nhận thực tế, tại các tuyến đường gần bến xe Miền Đông cũ như Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Chu Văn An,… (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức),… xuất hiện "xe dù, bến cóc" tràn lan. Các "bến cóc" này chủ yếu là bãi đất trống hoặc đoạn đường vắng để những xe khách đỗ đón khách, tiếp nhận hàng hóa vận chuyển.
Theo các tài xế xe khách tại "bến cóc" thay vì vào bến xe, các nhà xe dừng đỗ tại bãi đất trống, ngoài đường sẽ giảm được chi phí bến bãi. Hầu hết các chuyến xe này về Bình Định hoặc các tỉnh Tây Nguyên.
"Trước đây chưa di dời qua bến xe Miền Đông mới, các nhà xe ở Bình Định hay Phú Yên cũng đỗ và đón khách ở bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh, trước bến xe Miền Đông cũ hoặc các bãi đất trống gần đó. Bây giờ di dời qua bến xe Miền Đông mới khiến các nhà xe càng không mấy mặn mà vì quá xa và bất tiện", một tài xế tuyến TP.HCM – Bình Định nói.
Tương tự tại đoạn đường Kha Vạn Cân cũ (song song với đường Phạm Văn Đồng, tiếp nối với Quốc lộ 13) tình trạng "xe dù bến cóc" cũng hoạt động mạnh kể từ khi 79 chuyến xe từ Miền Đông cũ dời qua bến xe Miền Đông mới.
"Xe dù, bến cóc" trên đường Kha Vạn Cân, TP. Thủ Đức, các xe khách đỗ từ trong bãi đất trống ra đến ngoài đường để chờ đón khách và nhận hàng hoá
Các chuyến xe này nằm trong danh sách di dời từ bến cũ qua bến mới nhưng thay vì qua bến mới thì lại hoạt động theo hình thức "xe dù, bến cóc". Những nhà xe này phân trần do là doanh nghiệp nhỏ nên nếu qua bến mới ở vị trí xa thì sẽ mất khách quen, đường xa khiến chi phí cũng tăng khiến họ chưa mặn mà trong việc di dời qua bến xe Miền Đông mới mà chấp nhận hoạt động "chui".
Trong khi đó tại trước cổng khu du lịch Suối Tiên (TP. Thủ Đức), xe khách cũng hoạt động bát nháo, dừng đổ tràn lan để đón trả khách gây bức xúc cho người dân gần đó và người đi đường. Mặc dù bến xe Miền Đông mới cách đó khoảng 2km nhưng hầu hết các xe khách không vào bến mà dừng đón khách tại đây khiến giao thông trở nên phức tạp, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Việc "xe dù, bến cóc" hoạt động tràn lan cũng khiến cho tình hình giao thông thêm phức tạp, kẹt xe khó giảm.
Về vấn đề này Sở GTVT cũng đã có văn bản đề nghị UBND quận 1, UBND quận Bình Thạnh và UBND TP. Thủ Đức tăng cường rà soát, xử lý tình trạng lập bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn quản lý.
Sở GTVT đề nghị Công an TP chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp công an địa phương thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý các địa bàn nóng về tình trạng lập bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định.
Bên cạnh đó Sở cũng đề nghị Thanh tra Sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng dừng đón trả khách, dừng đỗ xe không đúng quy định trên các tuyến đường xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông hiện hữu, Bến xe Miền Đông mới và các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
"Xe dù, bến cóc" hoạt động nhộn nhịp trước KDL Suối Tiên, cách bến xe Miền Đông mới khoảng 2km