Các phi hành gia không phải là những “công nhân vũ trụ” duy nhất thường làm việc trong điều kiện căng thẳng
Nếu bạn chưa biết thì việc phóng tên lửa thường diễn ra vào lúc nửa đêm, hoặc sáng sớm, khi thời tiết có xu hướng dịu hơn. Chẳng hạn, nhiệm vụ Artemis 1 đã cất cánh lúc 1:47 sáng (theo giờ ET) hôm 16/11 vừa qua. Trước đó nỗ lực phóng đầu tiên hồi cuối tháng 8 cũng đã được lên kế hoạch vào lúc 8:33 sáng (theo giờ ET). Điều đó có nghĩa là toàn bộ đội ngũ hơn 200 kỹ sư và kỹ thuật viên của NASA thường phải thức cả đêm để tiến hành các bước kiểm tra rồi cung cấp nhiên liệu cho tên lửa đẩy, trong một chu trình kéo dài khoảng 9 giờ.
Đây là một quá trình khó khăn và kéo dài, bởi các kỹ sư sẽ phải dành cả đêm để cẩn thận bơm hàng trăm tấn hydro và oxy lỏng vào một số thùng chứa trên tên lửa cao 100 mét.
Chưa kể, một thách thức lớn hơn trong việc cung cấp nhiên liệu cho SLS là các chất tạo lực đẩy chính của nó, hydro và oxy, lần lượt được làm lạnh đến -253°C và -145°C. Điều đó đòi hỏi một hệ thống ống dẫn phức tạp trên mặt đất. Thậm chí thùng chứa nhiên liệu đẩy hydro của tên lửa đã co lại tới 15 cm khi đã chứa đầy nhiên liệu siêu lạnh.
Trong lần thử phóng hồi tháng 8, bộ điều khiển mặt đất đã gặp phải sự cố rò rỉ nhiên liệu đẩy và cảm biến nhiệt độ động cơ bị lỗi. Quá trình phóng đã được tiến hành khoảng một giờ sau thời gian cất cánh dự kiến, và quãng thời gian này phần lớn là để nhóm kỹ thuật có thể nghỉ ngơi trước khi tìm ra những việc cần làm tiếp theo.
“Hôm nay, nhóm đã giải quyết một số vấn đề, cả nhóm đã mệt mỏi vào cuối ngày và chúng tôi quyết định tốt nhất là tạm dừng và tập hợp lại vào ngày mai”, Mike Sarafin, giám đốc điều hành của NASA phụ trách sứ mệnh cho biết vào thời điểm đó. “Trước hết, chúng tôi sẽ cho đội thời gian nghỉ ngơi, và để họ có thể trở lại tươi tắn vào ngày mai.”
Các kỹ sư và kỹ thuật viên của NASA được trả lương rất hậu hĩnh, tuy nhiên, xét trên cường độ công việc mà họ phải làm thì những con số này dường như hoàn toàn xứng đáng. Và nếu bạn muốn có thể làm việc “cực kỳ chăm chỉ” và trong “nhiều giờ với cường độ cao”, kiểu như ông chủ của bạn là Elon Musk, thì những kinh nghiệm từ NASA dưới đây có thể sẽ hữu ích.
Mệt mỏi có thể là một điều nguy hiểm
Năm 1997, một phi hành gia người Mỹ và hai phi hành gia người Nga đã lên trạm vũ trụ Hòa Bình. Một tàu vũ trụ tiếp tế đang trên đường đến nhà ga, và một trong những nhà du hành vũ trụ đã sử dụng điều khiển từ xa để đưa nó cập bến theo cách thủ công. Nhưng con tàu vũ trụ đã đâm vào trạm vũ trụ, phá vỡ một số bộ phận kết cấu, và những người trên đó đã cố gắng bịt kín một mô-đun bị hư hỏng chỉ với vài phút không khí còn lại.
Sau vụ tai nạn, một số vấn đề với công nghệ đã xuất hiện, nhưng có một vấn đề lớn hơn cũng được đưa lên bàn đánh giá. Đó là việc nhà du hành vũ trụ, người điều khiển con tàu, đã không được ngủ đủ giấc. Một nhà tâm lý học của cơ quan vũ trụ Nga đã thừa nhận có "những nghi ngờ nghiêm trọng" về khả năng cập bến tàu vũ trụ của các phi hành gia, nhưng họ vẫn đồng ý với nỗ lực này.
Tiến sĩ Stephen Hart, một nhà thần kinh học đã từng là bác sĩ phẫu thuật chuyến bay của NASA trong 25 năm, chia sẻ: “Không có gì lạ khi phát hiện ra lỗi của con người có liên quan đến mức độ mệt mỏi cao trong quá trình làm việc”.
Cách tiếp cận của NASA để cân bằng giữa năng suất lao động và nghỉ ngơi
Công việc chính của Hart là đảm bảo sức khỏe cho đoàn phi hành gia. Những người này phải tuân theo lịch trình làm việc theo kiểu quân đội, và cần ngủ khoảng 8,5 tiếng mỗi ngày khi ở trên Trạm vũ trụ quốc tế. Nhưng Hart và các đồng nghiệp của mình cũng tư vấn cho ban lãnh đạo NASA về cách lập kế hoạch để các nhóm tại chỗ sẽ luôn sẵn sàng vào những thời điểm cần ra quyết định quan trọng. Đó là việc đáp án cho câu hỏi: “Thời gian nào tốt nhất để chúng ta đi ngủ để có thể tỉnh táo cho các công việc quan trọng?”
Các nhân viên mặt đất của NASA được tư vấn về cách thay đổi lịch trình giấc ngủ của phi hành bằng các chất quen thuộc như caffeine và melatonin, sử dụng các công cụ khác nhau như kính màu xanh lam, mặt nạ mắt và nút tai. Đồng thời họ cũng thử áp dụng nhiều kỹ thuật ngủ khác nhau.
Một phần lớn của thách thức là có quá nhiều sự khác biệt trong cách mọi người phản ứng với việc thiếu ngủ. NASA rất quan tâm đến việc các thử nghiệm trong không gian của mình, nhưng họ cũng muốn nhân viên của họ tham gia các thử nghiệm để họ biết điều gì sẽ xảy ra. NASA sau đó đã xây dựng một ứng dụng dựa trên các kỹ thuật mà họ sử dụng để đánh giá liệu các phi hành gia trên quỹ đạo có quá mệt mỏi hay không. Nó được thiết kế để các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá “sự cảnh giác về tâm lý vận động” trong quá trình nghiên cứu về giấc ngủ. Bạn có thể tự mình sử dụng nó để xem mức độ mệt mỏi đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Trên App Store, hãy tìm ứng dụng có tên là NASA PVT+.
“Một số người luôn cứng rắn như một hòn đá mà không cần ngủ nhiều, nhưng những người khác thì suy sụp và kiệt sức”, Hart chia sẻ. “Bạn phải khuyến khích mọi người thử nghiệm với cơ thể của chính họ trước khi họ đặt mình hoặc người khác vào những tình huống căng thẳng.”
Tham khảo Qz, NatGeo