Cách đây 22.000 năm, Trái Đất từng hứng chịu thảm họa đáng sợ

Trang Ly | 09-09-2022 - 17:22 PM

(Tổ Quốc) - Và chúng ta thì đang đánh giá thấp nó!

Trái Đất đã phải hứng chịu rất nhiều mối nguy hiểm từ rất lâu trước khi con người chúng ta xuất hiện, một số trong số đó loài người vẫn chưa trải qua - Đó là thảm họa từ thiên thạch/tiểu hành tinh khổng lồ, đơn cử như tiểu hành tinh bị nghi ngờ đã làm tuyệt chủng khủng long 65 triệu năm trước.

Giới khoa học hiện đại ngày nay vẫn đang nâng cao cảnh giác về mối nguy hiểm từ không gian, tất nhiên trong đó có thiên thạch/tiểu hành tinh.

Nhưng như hai nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong một bài bình luận mới trên tạp chí Nature, chúng ta không nên để sự lo lắng về thiên thạch/tiểu hành tinh làm lu mờ một mối nguy hiểm khổng lồ khác đang rình rập chúng ta: Núi lửa.

Michael Cassidy, Giáo sư núi lửa tại Đại học Birmingham (Anh) và nhà nghiên cứu Lara Mani thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh tại Đại học Cambridge (Anh) đã viết: “Trong thế kỷ tới, các vụ phun trào núi lửa quy mô lớn có nguy cơ xảy ra cao hơn hàng trăm lần so với các tác động của tiểu hành tinh và sao chổi, gộp lại”.

Giáo sư Michael Cassidy và Lara Mani tranh luận rằng trong khi con người chuẩn bị rất thận trọng cho các tình huống tiểu hành tinh/thiên thạch tấn công Trái Đất thì chúng ta lại đang quan tâm quá ít về sự kiện có khả năng xảy ra lớn hơn: Siêu phun trào núi lửa.

photo-1

"Siêu phun trào" núi lửa là một vụ phun trào có cường độ 8, được xếp hạng cao nhất trên Chỉ số Nổ Núi lửa - VEI.

Cả hai nhà nghiên cứu Anh cho biết, các chính phủ và các cơ quan toàn cầu chi hàng trăm triệu đô la hàng năm cho việc bảo vệ hành tinh, bao gồm cả một thử nghiệm mới của Mỹ nhằm chống lại các tảng đá không gian.

Nhiệm vụ Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART) của NASA sẽ sớm kiểm tra tính khả thi của việc làm lệch hướng tiểu hành tinh bằng cách cố gắng di chuyển một tiểu hành tinh đi chệch hướng. Sứ mệnh DART sẽ tiêu tốn khoảng 330 triệu đô la Mỹ.

Giáo sư Cassidy và Mani lưu ý rằng đến nay không có khoản đầu tư nào có thể so sánh được để chuẩn bị cho một siêu phun trào.

"Điều này cần phải thay đổi".

HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH

Núi lửa có thể ít kỳ lạ hơn quả cầu lửa từ không gian, nhưng đó không phải là lý do chúng ta được phép chủ quan với chúng.

Núi lửa, không giống như các tiểu hành tinh, đã hiện diện sẵn trên Trái Đất. Chúng nằm rải rác trên khắp hành tinh, thường được bao phủ bởi khung cảnh đẹp như tranh vẽ, ẩn bên trong là khả năng hủy diệt khó lường.

Và mặc dù con người đã chứng kiến rất nhiều vụ phun trào khủng khiếp trong thời hiện đại, nhưng hầu hết đều ‘nhạt nhòa’ so với các siêu phun trào núi lửa theo chu kỳ mỗi 15.000 năm hoặc lâu hơn.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận siêu phun trào cuối cùng thuộc loại này xảy ra cách đây khoảng 22.000 năm. ("Siêu phun trào" - Super-Eruption là một vụ phun trào có cường độ 8, được xếp hạng cao nhất trên Chỉ số Nổ Núi lửa - VEI.)

Vụ phun trào gần đây nhất, cường độ 7 xảy ra vào năm 1815 tại núi Tambora, Indonesia, khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng do các dòng chảy của núi lửa, sóng thần, sự lắng đọng của đá và tro bụi lên cây trồng và nhà cửa, và các tác động sau đó.

Tro và khói làm giảm nhiệt độ toàn cầu trung bình khoảng 1 độ C, gây ra "Năm không có mùa hè" vào năm 1816. Miền đông nước Mỹ và phần lớn châu Âu phải chịu cảnh mất mùa hàng loạt, và hậu quả là nạn đói dẫn đến các cuộc nổi dậy bạo lực và dịch bệnh triền miên.

Không đâu xa, vụ phun trào lớn của núi lửa Hunga Tonga–Hunga Haʻapai vào tháng 1/2022 ở Tonga, phía nam Thái Bình Dương được đánh giá là vụ nổ lớn nhất từng được các thiết bị ghi lại.

photo-1

Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai bất ngờ phun trào hồi tháng 1/2022, gây ra những đợt sóng thần ở Tonga. Ảnh: 1NewsNZ / Twitter

Tro đổ xuống hàng trăm km bên dưới, gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nguồn cá. Thiệt hại gây ra lên tới 18,5% tổng sản phẩm quốc nội của Tonga. Các dây cáp của tàu ngầm bị cắt đứt, cắt đứt liên lạc của Tonga với thế giới bên ngoài trong vài ngày.

Ở xa hơn, vụ nổ núi lửa đã tạo ra một làn sóng xung kích và sóng thần trên toàn thế giới lan tới các đường bờ biển Nhật Bản và Bắc và Nam Mỹ.

Vẫn còn may mắn cho chúng ta khi vụ phun trào chỉ kéo dài khoảng 11 giờ. Nếu nó diễn ra lâu hơn, thải ra nhiều tro và khí hơn hoặc xảy ra ở các khu vực đông dân cư hơn ở Đông Nam Á, hoặc gần nơi tập trung cao các tuyến vận tải quan trọng, lưới điện hoặc cơ sở hạ tầng toàn cầu quan trọng khác, nó sẽ gây ra hậu quả cho chuỗi cung ứng, khí hậu và tài nguyên lương thực trên toàn thế giới!

Thế giới thật tồi tệ khi không được chuẩn bị cho một sự kiện như vậy. Vụ phun trào Tonga phải là một hồi chuông cảnh tỉnh.

Những vụ phun trào với quy mô này trước đây đã gây ra biến đổi khí hậu đột ngột và sự sụp đổ của các nền văn minh, đồng thời có liên quan đến sự gia tăng của đại dịch.

Trong thế kỷ tới, các vụ phun trào núi lửa quy mô lớn có khả năng xảy ra cao hơn hàng trăm lần so với các tác động của tiểu hành tinh và sao chổi, gộp lại.

Việc giám sát núi lửa đã được cải thiện kể từ năm 1815, cũng như khả năng kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu cho việc cứu trợ thiên tai, nhưng những điều đó chưa đủ để bù đắp tất cả những rủi ro mà chúng ta đang phải đối mặt từ núi lửa phun trào.

HẬU QUẢ TỪ NÚI LỬA PHUN TRÀO

Theo ghi nhận của Giáo sư Cassidy và Mani, dân số Trái Đất đã tăng lên gấp 8 lần kể từ đầu những năm 1800 và hoạt động thương mại mà nó phụ thuộc vào đã tăng hơn 1.000 lần kể từ đó. Chưa kể, một số khu vực đô thị lớn đã ‘nở rộ’ gần những ngọn núi lửa nguy hiểm.

Ngày nay, chúng ta cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại toàn cầu, vì vậy biến động ở một nơi có thể thúc đẩy tình trạng thiếu lương thực và các cuộc khủng hoảng khác ở nơi khác.

Thiệt hại tài chính do một vụ phun trào có cường độ lớn ước tính lên tới hàng nghìn tỷ, gần tương đương với đại dịch. Với tỷ lệ lặp lại ước tính cho một sự kiện 7 độ richter, con số này tương đương với hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Đầu tư vào việc chuẩn bị và giảm thiểu khủng hoảng sẽ rẻ hơn nhiều so với việc phản ứng với một thảm họa.

Thế giới bây giờ rất khác. Về mặt nào đó, nó có khả năng phục hồi tốt hơn: Núi lửa được giám sát tốt hơn, có giáo dục và nhận thức tốt hơn, hệ thống chăm sóc sức khỏe và thực phẩm đã được cải thiện.

Nhưng theo những cách khác, những rủi ro đối với nhân loại ngày càng gia tăng. Vì những thay đổi trong hoàn lưu đại dương và khí quyển do biến đổi khí hậu gây ra, một vụ phun trào cường độ lớn ở vùng nhiệt đới có thể gây ra lượng lạnh nhiều hơn 60% trong thế kỷ tới so với ngày nay. Tần suất các vụ phun trào cũng có thể tăng lên khi các lực địa vật lý trên bề mặt hành tinh thay đổi do băng tan, thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng

photo-1

Những vụ phun trào núi lửa với quy mô này trước đây đã gây ra biến đổi khí hậu đột ngột và sự sụp đổ của các nền văn minh, đồng thời có liên quan đến sự gia tăng của đại dịch.

Mối nguy hiểm do núi lửa gây ra cũng có thể lớn hơn chúng ta nghĩ. Trong một nghiên cứu năm 2021 dựa trên dữ liệu từ các lõi băng cổ đại, các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng thời gian giữa các vụ phun trào thảm khốc ngắn hơn hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn năm so với những gì được tin tưởng trước đây.

Cụ thể, vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã xem xét các lõi băng từ cả hai cực và xác định được 1.113 dấu hiệu phun trào ở băng Greenland và 737 ở Nam Cực, xảy ra từ 60.000 đến 9.000 năm trước. Họ đã tìm thấy 97 sự kiện có thể có tác động khí hậu tương đương với một vụ phun trào cường độ 7 độ richter trở lên. Họ kết luận rằng các sự kiện cường độ 7 xảy ra khoảng 625 năm một lần và các sự kiện cường độ 8 (còn gọi là siêu phun trào) xảy ra khoảng 14.300 năm một lần.

Lịch sử của nhiều núi lửa vẫn còn mù mịt, khó có thể lường trước được các vụ phun trào trong tương lai.

CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Bộ đôi nhà nghiên cứu Anh viết: Chúng ta cần nghiên cứu thêm về lõi băng cũng như hồ sơ lịch sử và địa chất, bao gồm lõi biển và hồ, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao nhưng nghèo dữ liệu như Đông Nam Á.

Đồng thời, chúng ta cũng cần nhiều nghiên cứu liên ngành hơn để giúp chúng ta dự đoán cách một vụ siêu phun trào có thể làm tê liệt nền văn minh như thế nào.

Giám sát núi lửa toàn diện hơn cũng rất quan trọng, bao gồm giám sát trên mặt đất cũng như quan sát trên không và vệ tinh.

Nhận thức cộng đồng và giáo dục cũng là một chìa khóa khác để giúp chung ta nâng cao ý thức về thảm họa tiềm tàng trên mặt đất này. Mọi người cần biết liệu họ có sống trong vùng nguy hiểm của núi lửa hay không, cách chuẩn bị cho một vụ phun trào và những việc cần làm khi nó xảy ra.

Ngoài việc chuẩn bị tiếp cận, các nhà chức trách cũng cần các cách để phát thông báo công khai khi núi lửa phun trào, như tin nhắn văn bản với các chi tiết về sơ tán, mẹo để sống sót sau một vụ phun trào, hoặc hướng dẫn đến các nơi trú ẩn và cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bài bình luận đã được đăng trên tạp chí Nature.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM