Có mối quan hệ chặt chẽ với tình trạng kiệt sức trong văn hóa hối hả của công việc, ý tưởng "nghỉ việc trong yên lặng" - nơi nhân viên chỉ làm ở mức tối thiểu nhất của nhiệm vụ công việc - gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý.
"Nghỉ việc trong yên lặng", cho dù đó được coi là một dấu hiệu nghiêm trọng khi nhân viên không hài lòng hay chỉ đơn giản là ý tưởng rằng công việc không nên chiếm lấy toàn bộ cuộc đời của một người, giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi xu hướng mới này ngày càng lan rộng, những nhà quản lý trở nên hoang mang và không biết ứng xử sao cho phù hợp trong tình huống này.
Những xung đột khi thảo luận về "nghỉ việc trong im lặng"
Nghe có vẻ cao siêu, song khái niệm "nghỉ việc trong yên lặng" rất đơn giản. Thay vì rời bỏ công việc hoàn toàn, nhân viên chỉ làm những việc được đưa ra miêu tả công việc khi phỏng vấn. Đồng thời, họ đặt ra ranh giới chắc chắn, không nhận thêm việc ngoài những gì bản thân cần phải làm.
Chia sẻ tờ Metro, Jill Cotton, chuyên gia về định hướng nghề nghiệp tại Glassdoor, đã thảo luận về xu hướng này: "Nghỉ việc trong im lặng" thường là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn phải chuyển sang vai trò của mình. "Nếu bạn đang giảm nỗ lực đến mức tối thiểu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, có lẽ 'trái tim' của bạn không còn dành cho công việc hoặc công ty nữa".
Mặt khác, nhiều chuyên gia lưu ý rằng đây chỉ là dấu hiệu cho việc thiết lập ranh giới và quản lý khối lượng công việc có thể có lợi, giúp nhân viên tránh xa những nguy cơ kiệt sức. Phỏng vấn với UNLEASH về thuật ngữ này, Tom Cornell, nhà tư vấn tâm lý cấp cao tại HireVue, cho biết: "'Nghỉ việc trong im lặng' không phải là một xu hướng mới, nó là một khái niệm được đặt một cái tên cụ thể hơn khi nó ngày càng được thảo luận nhiều hơn nhờ sức ảnh hưởng từ MXH".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang hiểu sai ý tưởng của "nghỉ việc trong im lặng" rằng xu hướng này khuyến khích mọi người lười biếng, trong khi trên thực tế, nó nhắc nhở họ không làm việc điểm kiệt sức.
Các công ty nên làm gì để hỗ trợ nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc
Đề cao tầm quan trọng của việc cải thiện trải nghiệm của nhân viên để ngăn chặn kiểu "buông thả" như vậy. Rachael Knappier, giám đốc dịch vụ của Croner đề xuất rằng các sếp nên nói chuyện với tất cả nhân viên. Họ cần thảo luận về cách tốt nhất có thể giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng và đánh giá cao ở nơi làm việc.
"Đối với một số người, những lời động viên thường xuyên có thể giúp ích rất nhiều. Những người khác có thể cảm thấy buồn chán và đang tìm cách thực hiện bước tiếp theo trong sự nghiệp và thử thách bản thân hơn nữa", Knappier chia sẻ. Cô ấy nhấn mạnh, họ cần phải đưa ra quan điểm rõ ràng rằng, công ty hợp tác nhân viên và làm việc để đưa ra một kế hoạch hiệu quả, "tất cả các bên đều có thể có lợi".
Rebecca Holt, nhà tâm lý học lâm sàng, đồng sáng lập và giám đốc của Working Mindset, cho biết chìa khóa để ngăn nhân viên rơi vào trạng thái "nghỉ việc trong im lặng" là đảm bảo rằng: Tất cả nhân sự đều đang tham gia vào công việc của họ và công việc đó mang lại mục đích và ý nghĩa cho mọi người. "Nhân viên cần cảm thấy là một phần của bức tranh lớn hơn, có quyền tự chủ và kiểm soát, đồng thời cảm thấy an toàn về mặt tâm lý - tất cả những điều này tạo nên một ngày làm việc năng suất và hiệu quả".
Vì lý do này, Holt nhấn mạnh tầm quan trọng của công ty nói chung và các sếp nói riêng là đảm bảo khối lượng công việc phù hợp, có ranh giới thích hợp và luôn quan tâm đến vấn đề tâm lý của nhân sự.
Hơn nữa, trước khi tiến hành thuê nhân viên mới trong bối cảnh tuyển dụng khó khăn hiện nay, nhà tuyển dụng phải cân nhắc thật kỹ. Đối với Jill Cotton, chuyên gia về xu hướng nghề nghiệp tại Glassdoor EMEA, điều quan trọng là các tổ chức phải thiết lập thông lệ thực hiện các đánh giá thường xuyên và trung thực về văn hóa nơi làm việc hiện tại để giúp củng cố nền tảng trước khi chiêu mộ nhân tài mới.
Cách quản lý những người "nghỉ việc trong im lặng"
Các chuyên gia đồng ý rằng sẽ tương đối dễ dàng để phát hiện ra một người nào đó đang trong trạng thái "nghỉ việc trong im lặng". Bởi vì, họ sẽ không nỗ lực như trước đây, cảm giác như đang tách khỏi các nhân sự khác và các tiêu chuẩn thông thường của họ đối với công việc thường sẽ giảm xuống.
Hầu hết các sếp có thể muốn coi một trường hợp như vậy là 1 vấn đề về quan điểm sống hay 1 cá thể khác biệt. Ngược lại, Knappier gợi ý rằng thay vì suy nghĩ như vậy, hãy gặp nhân viên trước để hiểu đầy đủ về cảm giác của họ, tại sao họ ít có động lực hơn và những gì có thể làm để khắc phục điều đó.
"Làm như vậy có thể giúp xây dựng mối quan hệ làm việc tích cực và giải quyết vấn đề mà nhân viên nào đó không phải rời bỏ công ty hoặc đối mặt với hình thức kỷ luật nào. Các cuộc trao đổi nhẹ nhàng giữa đôi bên thay vì vào phòng họp căng thẳng hay trước hội đồng kỷ luật có thể là cách tiếp cận tốt nhất", Knappier chia sẻ.
Tom Cornell, chuyên gia tư vấn tâm lý cấp cao tại HireVue, lưu ý rằng điều quan trọng cần nhớ là động lực và sự gắn bó của nhân viên sẽ không liên tục. Luôn có những sự giãy giụa với việc có nên tiếp tục cố hiến hay nỗ lực với công việc và công ty hiện tại không. "Nhân viên sẽ dao động một cách tự nhiên vì một số yếu tố. Chẳng hạn như vấn đề bão giá hiện nay, chi tăng sinh hoạt tăng cao, thu nhập vẫn không thay đổi nhưng đầu mục công việc nhiều hơn".
Với suy nghĩ này, ông khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người đang làm việc trong lĩnh vực nhân sự nên cẩn thận để không trừng phạt quá mức, đặc biệt khi không hiểu về xu hướng "nghỉ việc trong im lặng". Cornell cảnh báo: "Nếu các nhà lãnh đạo làm điều này, cuối cùng họ sẽ đẩy cá nhân đó nghỉ việc, dẫn đến mất nhân tài và giảm năng suất kinh doanh".
Theo People Management, Unleash