Trong một cuộc sống đề cao "văn hoá hối hả", hết mình với công việc, có 1 thuật ngữ phản đối điều này đang trở nên phổ biến toàn cầu từ cuối tháng 7. Không làm việc ngoài giờ, không trả lời tin nhắn sếp vào buổi tối và cũng không nhận thêm những nhiệm vụ mới.
"Nghỉ việc trong im lặng" có nghĩa là gì?
Trên MXH nước ngoài dạo gần đây có 1 video khá nổi tiếng bởi tính đồng cảm mà nó mang lại. Video đó ghi lại hình ảnh của 1 chàng trai ngồi trong ga tàu điện ngầm với đoạn nội dung "Bạn không toàn hoàn toàn rời khỏi công việc của mình, nhưng bạn từ bỏ ý tưởng phải tốt hơn thế nữa. Bạn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong công việc nhưng không còn chạy theo văn hoá hối hả rằng công việc phải là toàn bộ cuộc sống".
Đây được cho là sự bắt đầu "chính thức" của 1 thuật ngữ mới "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting). Theo Metro, thuật ngữ này có thể hiểu đơn giản rằng, bạn không làm những dự án hay nhiệm vụ hàng ngày không nằm trong mô tả công việc hoặc chỉ đơn giản là không thích làm. Bạn rời văn phòng đúng giờ, từ chối trả lời email hoặc những tin nhắn công việc ngoài giờ hành chính. Nó như một điều thay đổi trong tư duy, cho phép bạn bớt đầu tư về mặt tinh thần và cảm xúc cho công việc của mình.
"Nghỉ việc trong im lặng" có độ thảo luận cao đến vậy là bởi vì trong những năm gần đây văn hoá làm việc chăm chỉ không ngừng đã trở thành xu hướng và một điều bình thường. Không "hối hả" trở thành bất thường. Những người trẻ vừa bước chân vào thị trường lao động, trải qua những bất ổn của đại dịch, lo lắng về biến đổi khí hậu, bão giá, chi phí nhà ở cao ngất ngưởng và những biến động trong đầu tư, tất cả những điều này cùng văn hoá hối hả khiến họ cảm thấy "nghẹt thở".
Bryan Creely, huấn luyện viên nghề nghiệp cho rằng "nghỉ việc trong im lặng" là sản phẩm của một cơn địa chấn về cách mọi người nhìn nhận công việc và mối quan hệ của họ với việc sắp xếp công việc trong 12-18 tháng qua. "Tất cả chúng ta đều quen thuộc với Đại khủng hoảng lao động, làn sóng nghỉ việc ồ ạt năm 2021 - mọi người đang chán ngấy với công việc của mình, thời gian làm việc dài, môi trường độc hại, mức lương thấp.", Creely nói.
Bên cạnh đó, Maria Kordowicz, phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham chia sẻ rằng, kể từ khi đại dịch xảy ra, theo nhiều nghiên cứu, mối quan hệ giữa con người và công việc đã có nhiều thay đổi.
Việc tìm kiếm ý nghĩa đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Có cảm giác về lằn ranh sinh tử của chính chúng ta trong đại dịch, một điều gì đó đã thôi thúc mọi người tự hỏi bản thân rằng: "Công việc có ý nghĩa gì đối với tôi? Làm cách nào để tôi có thể thực hiện một vai trò phù hợp hơn với các giá trị của mình?"
"Tôi nghĩ có một số lý do giải thích cho sự bùng nổ xu hướng "nghỉ việc trong im lặng" là đầu óc lẫn tinh thần muốn thoát khỏi công việc, kiệt sức vì khối lượng đầu mục việc phải làm và thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã ảnh hưởng đến nhiều người trong chúng ta trong thời kỳ đại dịch. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó cũng có thể dẫn đến việc giảm sự hài lòng trong công việc, thiếu nhiệt tình, ít gắn kết hơn.", Maria Kordowicz chia sẻ.
Lý do nhiều người lựa chọn "nghỉ việc trong im lặng"
Amie Jones bắt đầu sự nghiệp tiếp thị và trở thành giám đốc truyền thông của một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2017. "Đó là công việc mơ ước của tôi. Bây giờ, khi đã nghỉ việc và nói điều đó nghe có vẻ lạ. Song, tôi thật sự đã từng muốn từng muốn vị trí công việc đó, địa vị trong ngành cũng như mức lương hợp lý. Tôi đã sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho công việc - những điều tôi muốn". Quả thật, cô đã làm như vậy. Amie Jones liên tục nhận điện thoại công việc vào cuối tuần, ngày lễ, 10h30 tối, dậy sớm và về muộn để có thể hoàn thành các nhiệm vụ cũng như giao lưu với đồng nghiệp.
"Tất cả là do tự bản thân tôi thúc đẩy chính mình.", Jones chia sẻ. Cho đến khi người bạn thân nhất của cô từ thời đại học chia sẻ rằng đã giảm thời gian làm việc của mình xuống còn 3 ngày/ tuần. "Nó thật khủng khiếp. Thật lòng, tôi đã hơi phán xét về điều đó. Chúng tôi đã có dự định leo từng bước một đến vị trí công việc mà chúng tôi mong muốn ở trong công ty. Nhưng, cô ấy lại nói rằng sự bận rộn của mình không xứng đáng với những gì cô ấy bỏ ra. Và nó đã làm tôi suy nghĩ, trăn trở cũng như có thay đổi nhận thức về điều này". Trong vòng 18 tháng, Jones đã nghỉ việc để bắt đầu kinh doanh Câu lạc bộ Sách của mình.
Gần đây hơn, các công ty công nghệ đã tận dụng phản ứng chống lại văn hóa làm việc không nghỉ lấy cảm hứng từ Gordon Gekko những năm 1980. Họ tạo ra môi trường làm việc bình dị hơn với văn phòng màu sắc rực rỡ, đồ ăn thức uống miễn phí và phong cách công ty, được gói gọn trong nội dung về sứ mệnh và mục đích.
Tuy nhiên, điều đó có thể che giấu các vấn đề khác. Dan Lyons, một cựu nhà báo công nghệ, đã chỉ trích công ty của mình trong cuốn sách Disrupt. Công ty Lyons truyền thông về giá trị của mình là 1 công ty tiếp thị tạo ra nội dung có giá trị, nhưng anh đã mô tả nơi đó như một "tiệm bán đồ kỹ thuật số" không hơn không kém.
Theo Tiến sĩ Ashley Weinberg, một nhà tâm lý học nghề nghiệp tại Đại học Salford cho rằng điều này có thể bởi là những kỳ vọng quá mức đối với công ty. "Khi bạn cam kết với công việc và cảm thấy có mối liên hệ tình cảm với công ty, nếu 1 sự kiện xảy ra ảnh hưởng tới cam kết về mặt giá trị hay những kỳ vọng bất thành văn, sẽ khiến chúng ta tự hỏi rằng liệu bản thân có thể tin tưởng vào công việc hay không".
Các công ty được khai sáng đang thiết kế những công việc mang lại cho nhân viên quyền kiểm soát, niềm tự hào về công việc của họ và mức lương công bằng. Song, những nỗ lực đó bị phá hoại bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, và cuối cùng người lao động cảm thấy hụt hẫng. Weinberg nói: "Mọi người nói về tiền và đúng là nó rất quan trọng. Nhưng ngoài điều đó, họ muốn được tôn trọng vì những gì họ làm và được đánh giá cao theo một cách nào đó".
Theo: The Guardian, Yahoo Finance, Metro,...