Chiếc ngà voi khổng lồ này được bảo quản đặc biệt tốt, và theo những nhà cổ sinh vật học, nó thuộc về loài voi ngà thẳng được tìm thấy gần Kibbutz Revadim ở miền nam Israel. Mẫu vật dài khoảng 2,5 mét và có niên đại ít nhất 500.000 năm tuổi.
Tiến sĩ Lee Perry-Gal, một nhà cổ sinh vật học tại Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết: “Chiếc ngà thuộc về loài voi ngà thẳng, loài động vật cổ đại này mới chỉ được con người hiện đại phát hiện tại một vào địa điểm khảo cổ nhất định".
“Loài này xuất hiện trong khu vực của Israel khoảng 800.000 năm trước, và tuyệt chủng vào khoảng 400.000 năm trước. Đây là một loài voi cổ đại sở hữu thân hình khổng lồ, chúng còn to lớn hơn cả những con voi Châu Phi ngày nay”.
Giáo sư Israel Hershkovitz, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Dan David về Tiến hóa và Lịch sử Sinh học tại Đại học Tel Aviv, cho biết: “Chiếc ngà hóa thạch cực kỳ mỏng manh và có khả năng bị phân hủy khi tiếp xúc với không khí, ánh sáng Mặt Trời và sự tiếp xúc của con người”.
“Từ các cuộc khai quật khảo cổ học trước đây của chúng tôi tại Revadim, chúng tôi biết rằng địa điểm này đã được con người định cư trong thời kỳ đồ đá cũ, vì các công cụ bằng đá và đá lửa, cũng như xương động vật, hài cốt - bao gồm cả voi - đã được tìm thấy tại khu vực này, có niên đại cách đây nửa triệu năm”, nhà khảo cổ học IAA, Tiến sĩ Avi Levy cho biết.
Đây là chiếc ngà hóa thạch hoàn chỉnh lớn nhất từng được tìm thấy tại một địa điểm thời tiền sử ở Israel hoặc Cận Đông.
“Trong cuộc khai quật khảo cổ học mà chúng tôi đã tiến hành ở đây vài năm trước, chúng tôi đã tìm thấy một số xương voi - các bộ phận hộp sọ, xương sườn và răng - cùng với các đồ tạo tác bằng đá lửa, chẳng hạn như công cụ vảy, rìu cầm tay và công cụ chặt dùng để chế biến thịt động vật”, giáo sư Ofer Marder của Đại học Ben-Gurion và Tiến sĩ Ianir Milevski của IAA cho biết.
“Việc phát hiện ra chiếc ngà tách rời khỏi hộp sọ và phần còn lại của cơ thể, đặt ra câu hỏi: liệu chiếc ngà đó có phải là tàn tích của một con voi bị săn bắn, hay nó được thu thập bởi những cư dân tiền sử địa phương? Chiếc ngà có ý nghĩa xã hội hay tinh thần không?”.
Các nghiên cứu dân tộc học trước đây cho thấy một nhóm lớn người tiền sử đã săn voi trong khu vực.
Giáo sư Hershkovitz cho biết: “Sự tập trung của vật liệu còn lại - chủ yếu là các công cụ bằng đá - trong cuộc khai quật hiện tại và tại toàn bộ địa điểm cho thấy có một lượng đáng kể người ở địa điểm này trong một khoảng thời gian và cũng có rất nhiều voi đã bị săn bắn”.
“Trong điều kiện khí hậu khô nóng ở vùng chúng tôi, thịt voi không thể tươi lâu được, nên chắc hẳn nhiều người đã nhanh chóng tiêu thụ, có thể chính hành động này đã góp phần khiến cho loài động vật này bị tuyệt chủng trong khu vực”.
Tham khảo: Sci News; ZME; Theconversation