Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ!

TAMMY | 23-07-2020 - 12:24 PM

(Tổ Quốc) - Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm về chi tiết này hàng trăm năm nay. Chỉ mới đây, khoa học mới giúp nhận ra đây không phải là thiết kế dành cho khu vực hiến tế động vật.


Một thiết kế tinh tế và nhân văn

Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Antiquity cho thấy, từ thời Hy Lạp cổ đại, xã hội đã biết cách dành sự quan tâm đặc biệt cho những người khuyết tật trong cộng đồng.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những con dốc nhỏ, lối đi dành riêng cho người khuyết tật, trong các công trình kiến trúc cổ. Theo nghiên cứu của nhà khảo cổ học Debby Sneed, Đại học California, người Hy Lạp cổ đại đã biết xây lối đi dành cho người khuyết tật từ cách đây 2400 năm.

Một số ngôi đền và các công trình có tuổi đời từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên đều được xây những con dốc nhỏ bằng đá ở lối vào cửa chính. Thời gian đầu, khi khai quật các công trình, các nhà khảo cổ đều phớt lờ chi tiết này vì họ nghĩ đó chỉ là một khu vực hiến tế động vật.

Tiến sĩ Debby Sneed thì không đồng tình với kết luận này, cô nghĩ những đường dốc có ý nghĩa hơn thế. Sau khi phân tích tài liệu và đích thân đến thăm một số địa điểm nổi tiếng, Sneed đã có thể đưa ra kết luận về những chi tiết kiến trúc này.

Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ! - Ảnh 1.

Đường dốc xuất hiện trong công trình đền thờ thần Asclepius ở Epidauros, Hy Lạp

"Những công trình có nhiều người bệnh lui tới như đền thờ chữa bệnh sẽ được xây dựng nhiều đường dốc xung quanh hơn." - Tiến sĩ Sneed khẳng định.

Ví dụ như ngôi đền để tổ chức thế vận hội Olympia chỉ có 2 đường dốc ở cổng vào nhưng ngôi đền cổ Epidauros, ngôi đền chuyên chữa bệnh cho người đến hành hương, lại có tới 11 lối dốc. Các công trình phụ xung quanh đền Epidauros cũng không có bậc cao.

Nhiều khả năng người Hy Lạp đã xây dựng những đường dốc này cho những người gặp khó khăn khi đi cầu thang, bao gồm người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, những người phải dùng gậy, nạng hoặc được khiêng bằng cáng.

Chi tiết bị các nhà khảo cổ bỏ quên hàng trăm năm

Tác giả của nghiên cứu cho rằng, lối đi cho người khuyết tật rất phổ biến trong các công trình đền thờ tại Hy Lạp, nhiều du khách cũng đã nhìn thấy chúng nhưng lại chưa có nghiên cứu nào thật sự được tiến hành.

"Lý do hợp lý nhất các kiến trúc sư Hy Lạp xây những con dốc này là để người dân gặp khó khăn khi đi lại vẫn có thể ra vào công trình của họ. Bởi thời điểm đó, chắc chắn chưa có hệ thống luật pháp ràng buộc các công trình phải có lối đi phụ cho người khuyết tật như bây giờ." - Tiến sĩ Debby Sneed cho biết.

Một công trình nổi tiếng có lối đi cho người khuyết tật chính là đền thờ Asclepius, ngôi đền thờ vị thần y học. Đền thờ Asclepius đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 TCN, đây là công trình rộng lớn với các khu thờ tự và tòa nhà bệnh xá. Người dân thường lui tới đây để được chữa bệnh.

Khi được cơi nới cải tạo vào năm 370 TCN, ngôi đền có được thiết kế thêm 11 lối đi cho người khuyết tật dễ dàng di chuyển.

Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ! - Ảnh 2.

Đền thờ Asclepius sau khi được cải tạo vào năm 370 TCN đã có thêm nhiều lối đi cho người khuyết tật

Bên trong các ngôi đền, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra rất nhiều tượng hiến tế có hình cẳng chân hoặc bàn chân. Điều này chứng tỏ nhiều người dân từng bị thương hoặc khuyết tật ở chân và muốn được chữa khỏi nên tìm đến thần linh.

Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ! - Ảnh 3.

Tượng hiến tế hình chân được tìm thấy trong đền thờ Asclepius

Người khuyết tật thời Hy Lạp cổ đại

Các tài liệu cho thấy, khuyết tật một phần cơ thể là chuyện khá phổ biến trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Các tài liệu này đã ghi nhận một loạt những trường hợp người khuyết tật trong lịch sử Hy Lạp.

Chính khách người Athen, Miltiades (554 - 495 TCN), người đã chiến thắng trận đánh Marathon nổi tiếng nhất lịch sử thế giới cổ đại cũng là một người khuyết tật. Ông bị thương ở chân sau trận chiến và phải di chuyển bằng cáng trong phân nửa cuộc đời.

Vấn đề sức khỏe xương khớp cũng xảy ra ở dân thường. Khi khai quật một nghĩa trang cổ ở thành phố Amphipolis, miền Bắc Hy Lạp, người ta phát hiện ra 60% những người được chôn cất ở đây từng bị… viêm xương khớp.

Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ! - Ảnh 4.

Hình ảnh một ông già (trái) chống nạng khi chào người lính trẻ ra trận

Phần lớn người trưởng thành ở Hy Lạp cổ đại, bao gồm dân thường, nô lệ, người nước ngoài, dù là nam hay nữ, đều có khả năng bị khuyết tật hoặc có một thành viên trong gia đình là người khuyết tật. Bằng chứng khảo cổ học được lấy từ các khu mộ đã cho thấy điều này.

Người khuyết tật cũng xuất hiện cả trong thần thoại Hy Lạp dưới dạng một vị thần, đó là thần kỹ nghệ Hephaistos. Đây là vị thần quan trọng trong 12 vị thần xuất hiện trên đỉnh Olympia nhưng lại bị "thọt" một chân.

Theo thần thoại, Hephaistos là con trai của thần Zeus và nữ thần Hera . Ngay từ khi sinh ra Hephaistos, Hera nhìn thấy cậu quá xấu xí liền quẳng cậu xuống trần gian, khiến thần bị khuyết tật một bên chân. Tuy nhiên, Hephaistos lại có đôi tay rắn chắc và khéo léo, dạy con người chế tạo ra đồ kim khí.

Đây được coi như một biểu tượng của sự nỗ lực với những có khiếm khuyết trong tín ngưỡng người Hy Lạp.

Các nhà khảo cổ đã hiểu lầm hàng trăm năm, kiến trúc Hy Lạp này hóa ra lại có ý nghĩa nhân văn bất ngờ! - Ảnh 6.

Vị thần khuyết tật Hephaistos đang giấu một chiếc nạng sau cánh tay phải

Trước công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Sneed, nhiều người vẫn tỏ ra hồ nghi. "Những cái dốc đó giúp cho mọi người di chuyển dễ dàng hơn, tất cả mọi người chứ không riêng gì người khuyết tật. Nếu nói nó dành riêng cho người khuyết tật, tôi thấy không thật sự thuyết phục." - Katja Sporn, người đứng đầu Viện Khảo cổ học Đức tại Athens bày tỏ nghĩ ngờ về giả thuyết này.

"Đây là bằng chứng xác thực cho thấy xã hội cổ đại đã dành sự quan tâm tới nhu cầu của các thành viên khuyết tật trong cộng đồng, họ đã đầu tư thời gian sức lực để làm cho không gian tín ngưỡng công cộng trở nên tiện nghi hơn với tất cả mọi người." - Tiến sĩ Sneed khẳng định.

Theo Daily Mail, Science Alert

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM