Cá sấu Dương Tử chỉ còn 200 con hoang dã, hiếm hơn cả gấu trúc: Tại sao chúng vẫn được phục vụ trên bàn nhậu?

Kim Dung | 23-05-2021 - 11:28 AM

(Tổ Quốc) - Là loài nguy cấp được bảo vệ ở mức cao nhất nhưng người Trung Quốc vẫn có thể ăn thịt cá sấu Dương Tử một cách hợp pháp. Tại sao vậy?

Cá sấu Dương Tử là loài quý hiếm chỉ có ở Trung Quốc. Chúng từng rất phổ biến ở đất nước tỷ dân, cung cấp một trong những nguyên liệu để chế tạo áo giáp nhẹ, tuy nhiên, do bị săn bắt quá mức cùng với môi trường sống bị phá hủy nên số lượng cá sấu Dương Tử hoang dã liên tục bị suy giảm.

Ước tính hiện nay chỉ còn khoảng 200 con cá sấu Dương Tử hoang dã, trong đó chỉ có 50 con cá sấu trưởng thành. Vì thế, chúng được IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) liệt vào danh sách những sinh vật cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cá sấu Dương Tử chỉ còn 200 con hoang dã, hiếm hơn cả gấu trúc: Tại sao chúng vẫn được phục vụ trên bàn nhậu? - Ảnh 1.

Trứng cá sấu Dương Tử (Nguồn: Baike.baidu)

Cá sấu Dương Tử đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái ngập nước. Ở những vùng hạn hán theo mùa, cá sấu sẽ đào ao, mở rộng nơi sinh sống cho loài cá địa phương và các loài thủy sinh. Nếu không có loài vật này thì sau đợt hạn hán theo mùa, tính đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Mặt khác, cá sấu con cũng là nguồn thức ăn cho các sinh vật sống dưới nước nên tỷ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành của loài này tương đối thấp, chỉ có 1/10.

Để bảo vệ cá sấu Dương Tử, chính phủ Trung Quốc đã liệt chúng vào danh sách những loài động vật được bảo vệ cấp quốc gia và bảo vệ ở mức cao nhất, giống như loài gấu trúc. Nhưng mặt khác, cá sấu Dương tử vẫn được đem ra bàn nhậu để thưởng thức một cách công khai mà không bị pháp luật ngăn cấm. Tại sao lại có nghịch lý này?

Cá sấu hoang dã - Cá sấu trên bàn nhậu

Trên thực tế, cá sấu hoang dã vẫn được chính quyền Trung Quốc bảo vệ còn cá sấu mà người Trung Quốc ăn thịt là cá sấu được nuôi để lấy thịt, hai loại này hoàn toàn khác nhau.

Ngay từ năm 1979, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai nuôi một số giống cá sấu Dương Tử làm giống "thế hệ thứ hai". Năng suất của giống này cao hơn và tỷ lệ sống của cá sấu con cao hơn, có thể nhân giống trong thời gian ngắn.

Kể từ khi nhân giống, số lượng cá sấu Dương Tử không ngừng tăng lên, ngày nay số lượng đã lên tới 15.000 con, thậm chí những người nuôi còn có thể tăng sản lượng theo nhu cầu thị trường.

Cá sấu Dương Tử chỉ còn 200 con hoang dã, hiếm hơn cả gấu trúc: Tại sao chúng vẫn được phục vụ trên bàn nhậu? - Ảnh 3.

Cá sấu được nuôi nhằm mục đích lấy thịt (Ngồn: Sohu)

Số lượng nhiều là vậy song những con cá sấu nuôi nhốt hoàn toàn không có khả năng săn mồi nên nếu được thả về tự nhiên chúng cũng khó mà tồn tại được. Vì thế, chúng sẽ để làm thực phẩm sau khi được Sở lâm nghiệp nước này phê duyệt và lợi nhuận từ việc bán này có thể được sử dụng làm quỹ bảo vệ cá sấu Dương Tử hoang dã.

Chính vì điều này mà cá sấu Dương Tử được mua bán một cách hợp pháp!

Sinh sản nhân tạo cho cá sấu Dương Tử

Công nghệ sinh sản nhân tạo cá sấu Dương Tử ngày càng tiến bộ đã giúp số lượng loài này đang dần tăng lên. Ngày 13/5 vừa qua, 51 con cá sấu Dương Tử đã được thả tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia cá sấu An Huy, Trung Quốc.

Song việc thả cá sấu không phải là thả chúng về tự nhiên một cách ngẫu nhiên, mà là một dự án khoa học, chặt chẽ và lâu dài.

Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ lựa chọn những cá thể phù hợp để thả từ nhiều cá thể được lai tạo. Những cá thể này cần phải trải qua xét nghiệm ADN để ngăn chặn giao phối cận huyết.

Cá sấu Dương Tử chỉ còn 200 con hoang dã, hiếm hơn cả gấu trúc: Tại sao chúng vẫn được phục vụ trên bàn nhậu? - Ảnh 5.

Cá sấu Dương Tử được sinh sản nhân tạo (Nguồn: NetEase)

Tiếp đó chuyên gia sẽ thả cá sấu trong môi trường tự nhiên và sẽ tiến hành huấn luyện để chúng có khả năng sinh tồn ở điều kiện hoang dã.

Đồng thời, những con cá sấu Dương Tử được thả này cũng sẽ đeo thiết bị giám sát, có thể cho phép các nhà khoa học theo dõi hành vi của chúng trong tự nhiên trong một thời gian dài, phục vụ cho bước tiếp theo trong việc xây dựng kế hoạch bảo vệ chúng.

Những cá thể có thể đáp ứng yêu cầu hoang dã sẽ được tiến hành huấn luyện trong tự nhiên và sau đó thả chúng về môi trường sống ban đầu. Những cá thể không đáp ứng được yêu cầu hoang dã sẽ thông qua Bộ Lâm nghiệp Trung Quốc phê duyệt và đưa đi tiêu thụ.

Bài viết tham khảo từ NetEase


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM