Ngoài những món đã quá nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như hủ tiếu Mỹ Tho, bún cá Châu Đốc, các loại khô cá, bánh pía, bánh tét,… thì bún nước lèo cũng món ăn truyền thống của tỉnh Sóc Trăng gây thương nhớ với bao du khách.
Bún nước lèo - đặc sản của tỉnh Sóc Trăng
Sóc Trăng được người dân ví là “thủ phủ” của món bún nước lèo. Mặc dù món bún này phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây khác như Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu nhưng Sóc Trăng vẫn là nơi nổi tiếng nhất của món ăn, có lẽ vì bún nước lèo là món ăn kết hợp giữa tinh hoa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Điều này thể hiện ở thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc. Theo đó, mắm thường dùng là những loại có sẵn tại địa phương như mắm cá sặc, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc, hoặc các loại mắm có sẵn như mắm sặc, mắm lóc. Và cũng không thể thiếu ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ), sả để khử mùi tanh và tạo mùi thơm.
Ảnh: pinterest, congthucmongon, Khói Lam Chiều Channel
Vì sự khéo léo trong gia giảm hương vị, nên dù là người sợ mùi nồng của mắm cũng phải không chần chừ mà cầm đũa để thưởng thức tô bún nước lèo nghi ngút khói với mùi hương đặc trưng riêng biệt.
Ảnh: Khói Lam Chiều channel
Món bún nước lèo thường ăn kèm với những loại rau dân dã như giá, hẹ, rau muống bào, rau chuối, rau quế, rau thơm kèm gia vị chanh, ớt bằm, nước mắm ớt để kích thích thêm vị giác. Cho tất cả những nguyên liệu để hoà quyện vào với nhau là bạn có một tô bún nước lèo đậm đà, nóng hổi.
Trong món bún dân dã làm say lòng bao người khi đến miền Tây này, phải kể đến nguyên liệu chính cũng là một món đặc sản chính hiệu - mắm cá. Mắm là nguyên liệu chính làm nên linh hồn của món bún nước lèo, với cách làm cũng tương tự như món bún mắm là ninh mắm với nước dừa hoặc nước lọc cho nhừ rồi lọc hết xương cá là ra một nồi nước dùng hoàn chỉnh.
Bún nước lèo khác gì với bún mắm?
Có nhiều người thường lầm tưởng hai loại bún là giống nhau vì cách làm nước dùng cũng như màu sắc của tô bún. Hay chỉ cần đi ngang qua nghe mùi thơm thì cũng khiến nhiều người không phân biệt được.
Bún mắm (bên trái) và bún nước lèo (bên phải). (Ảnh: SPK, baocantho)
Thế nhưng điểm khác nhau giữa bún nước lèo với bún mắm lại nằm ở cách nấu nước dùng mà ít ai biết, vì bún nước lèo có thể sử dụng nhiều loại mắm nấu chung và có thêm ngải bún và sả không băm. Nước dùng của bún nước lèo cũng trong hơn so với bún mắm vì nấu chủ yến bằng nước dừa phần nước lèo thêm ngọt và ngon hơn. Đây là thói quen của người dân miền Tây hay dùng nước dừa để nấu các món ăn.
Bún nước lèo với sợi bún nhỏ (Ảnh: Bún nước lèo Út Mén)
Ngoài ra, so với thành phần tinh bột chính là bún thì cọng bún nước lèo lại là bún nhỏ còn bún mắm là cọng bún to hơn, nước dùng hay thành phần chính của bún mắm cũng phong phú khi có thêm heo quay, mực, chả ớt và đậm đà hương vị hơn. Nhiều người cũng nhận xét rằng bún nước lèo lại cho ta cảm giác dân dã thân thương, khi những thành phần trong tô bún là đặc sản tự nhiên của vùng sông nước.
Bún mắm với đậm đà hương vị và phong phú về thành phần
Địa điểm thưởng thức bún nước lèo
Nếu chưa có dịp đến miền Tây thưởng thức bún nước lèo thì vẫn có những địa chỉ sau đây để thử qua món đặc sản trứ danh này:
Bún nước lèo Tám Nga
Số 80/24 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Bún nước lèo Sóc Trăng
Chung Cư Tân Mỹ, Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP. Hồ Chí Minh
Bún nước lèo cà mau Huỳnh Son
68 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP. Hồ Chí Minh
Món bún nước lèo tuy chỉ là món ăn dân dã, không cao sang hay nằm trong thực đơn nhà hàng sang trọng nhưng lại thu hút nhiều người vì hương vị lẫn sự mộc mạc trong món ăn. Món bún nước lèo đã làm nên hương vị của miền Tây, dù có đi đâu thì vẫn luôn nhớ đến hương vị đậm đà da diết của quê hương.