Chắc chắn bạn từng nghe qua về “sự thật khoa học” bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Việc ăn một bữa ăn cân bằng - chẳng hạn như cháo, trứng hoặc sữa chua với các loại hạt sẽ cung cấp đủ năng lượng để làm việc buổi sáng và tốt cho sức khỏe. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bỏ bữa ăn đầu tiên có thể dẫn đến nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2 và huyết áp cao.
Theo quan niệm lâu năm, người ăn sáng đúng bữa, đúng chất thậm chí sẽ còn có thân hình mảnh mai hơn so với bỏ bữa sáng vì giúp no lâu hơn, giúp chúng ta giảm thèm muốn ăn vặt hay ăn nhiều vào bữa trưa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dinh dưỡng hiện đã phủ nhận “câu thần chú” rằng bữa sáng mang lại “sự khởi đầu tốt nhất có thể” cho ngày mới. Thậm chí có nghiên cứu còn cho rằng bỏ bữa sáng sẽ cắt giảm lượng đường hấp thụ, giảm mức độ đói và giảm mệt mỏi.
Nghi ngờ về lợi ích sức khỏe của bữa sáng, một đánh giá năm 2019 từ gần chục nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học An, cho thấy bỏ bữa sáng không ảnh hưởng đến cân nặng. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng không ăn bữa đầu tiên vào buổi sáng thực sự có thể giúp giảm cân.
Tiến sĩ Federica Amati, một nhà khoa học dinh dưỡng tại ZOE - công ty nghiên cứu sức khỏe cho biết: “Khuyến cáo chung rằng mọi người nên ăn sáng không xuất phát từ bất kỳ cơ sở khoa học cụ thể nào. Bữa ăn không cần thiết để bắt đầu một ngày mới hoặc đánh thức chúng ta, vì đồng hồ sinh học bên trong cơ thể sẽ tiết ra các chất hóa học giúp con người thức dậy và ra khỏi giường, cho dù chúng ta có ăn sáng hay không”.
Theo Tiến sĩ Amati, kết quả từ các nghiên cứu lớn cho thấy những người ăn sáng đều đặn khỏe mạnh nhất thường phụ thuộc vào các yếu tố khác chứ không phải bản thân bữa ăn, chẳng hạn như thói quen ngủ.
“Ngoài ra, việc thúc giục mọi người ăn sáng trước tiên, khi nhiều người không đói thường dẫn đến việc họ chọn đồ ăn nhanh chóng và tiện lợi chưa chắc tốt cho sức khỏe. Bánh mì nướng với mứt, ngũ cốc ăn sáng đóng hộp, thanh đồ ăn nhanh, bánh ngọt và sinh tố đều cung cấp nhiều đường có sẵn nhưng không đủ protein, chất xơ và chất béo lành mạnh để được coi là một bữa ăn hoàn chỉnh”, Tiến sĩ Amati nói.
Vì vậy, bỏ bữa sáng không phải là xấu với tất cả mọi người. Điều quan trọng hơn việc ăn sáng vào một thời điểm nhất định là đảm bảo bữa ăn đầu tiên trong ngày đầy đủ và bổ dưỡng.
Giáo sư Jonathan Johnston, một chuyên gia tại Đại học Surrey (Anh) nói với MailOnline: “Tầm quan trọng của bữa sáng khá gây tranh cãi, phần lớn là do những người có thói quen bỏ bữa sáng thường có những thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh khác”.
Giáo sư James Betts, một chuyên gia về sinh lý học trao đổi chất tại Đại học Bath cũng cho ý kiến tương tự: “Hầu hết mọi người dường như có ấn tượng rằng việc ăn sáng hàng ngày là vô cùng quan trọng. Nhưng thực tế thì các nghiên cứu về tầm quan trọng của việc ăn sáng không hề nhiều. Hầu hết các bằng chứng cho thấy việc bỏ bữa sáng ít hoặc không có tác động tiêu cực đến sức khỏe”.
Nguồn: Today, Daily Mail