'Bóng đè' hay chứng tê liệt do ngủ - ảo giác đáng sợ mỗi khi thức dậy dưới góc nhìn khoa học

Bảo Nam | 20-06-2022 - 17:26 PM

(Tổ Quốc) - Có khi nào bạn cảm thấy bị đông cứng cơ thể tại chỗ và gặp ác mộng ngay sau khi thức dậy?

Đôi khi, vào một buổi sáng nào đó, bạn thức dậy sau một giấc mơ. Và trên trần nhà, có một con nhện khổng lồ, to tới mức không thể tưởng tượng được, đang bò về phía bạn. Bạn sẽ muốn hét lên hoặc nhảy ra khỏi giường, nhưng chợt nhận ra cả cơ thể đang bị tê liệt hoàn toàn.

Sau một lúc, bạn có thể ngọ nguậy tứ chi. Và con nhện lông lá đã biến mất.

Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó lại là trải nghiệm có phần tương tự của rất nhiều người. Đó là chứng tê liệt do ngủ - cảm giác bị đóng băng tại chỗ và cùng lúc đối mặt với ảo giác đáng sợ - nhưng đừng lo, các bác sĩ thần kinh sẽ nói với bạn rằng đó không phải là vấn đề lớn.

'Bóng đè' hay chứng tê liệt do ngủ - ảo giác đáng sợ mỗi khi thức dậy dưới góc nhìn khoa học - Ảnh 1.

Tình trạng tê liệt do ngủ, có tên khoa học là Sleep Paralysis, thường xảy ra khi bạn thức dậy với tư thế nằm ngửa, trong khi cơ thể vẫn bất động từ giai đoạn ngủ mơ. Lúc này, bạn không thể di chuyển một cơ nào đó trong khoảng thời gian từ vài giây đến vài phút.

Một số người cũng bị ảo giác, cảm nhận được ai đó hoặc điều gì đó ma quỷ đang xảy ra trong phòng ngủ. Trong khi các ảo giác khác nhau, nhiều người cho biết họ đã nhìn thấy có kẻ đột nhập trong phòng, hoặc cảm thấy ai đó đang đè họ trên giường. Và điều này có sự nhất quán rõ rệt giữa các nền văn hóa và các khoảng thời gian khác nhau.

Ở châu Âu thời trung cổ, người ta tin vào những con ma hay quỷ dữ thường trú trên người khi họ đang ngủ. Thuật ngữ tiếng Nhật cho chứng tê liệt khi ngủ là kanashibari, có nghĩa là bị trói buộc. Và ở Việt Nam, nó có một cái tên khá phổ thông là hiện tượng "bóng đè".

Theo nghiên cứu về giấc ngủ, khoảng 8% mọi người bị tê liệt do ngủ, mặc dù các nghiên cứu cá nhân đã đưa ra con số rơi vào khoảng từ 5% đến 62%. Một số người bị bóng đè thường xuyên tới mức hàng tuần, và những người khác chỉ thỉnh thoảng.

"Vì chứng tê liệt do ngủ không thể cản trở bạn có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, nên đó chỉ là một điều kỳ lạ do bộ não con người tạo ra mà thôi", Rafael Pelayo, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Trung tâm Giấc ngủ Stanford cho biết.

Theo Pelayo, nếu bộ não khi ngủ của bạn giống như một dàn nhạc, thì chứng tê liệt do ngủ giống như việc người chỉ huy đã vẫy tay để dừng âm nhạc, nhưng một nhạc công nào đó lại bỏ lỡ tín hiệu và vẫn tiếp tục chơi.

“Đó dường như là một hành vi xảy ra tự nhiên", Pelayo nói, “chỉ là vào sai thời điểm”.

"Bóng đè" trái ngược với mộng du

Bạn sẽ bị tê liệt trong khi ngủ. Nó được gọi là chứng mất trương lực khi ngủ, và tình trạng tê liệt khiến bạn nằm yên trong giấc ngủ REM, giai đoạn ngủ liên quan đến những giấc mơ.

“Cơ thể không muốn thực hiện hành động gì khi bạn đang có những giấc mơ vào ban đêm", Marri Horvat, bác sĩ tại trung tâm rối loạn giấc ngủ tại Cleveland Clinic, cho biết. "Lúc đó bị liệt là chuyện tốt."

Trên thực tế, những người mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM và phải đối mặt với điều ngược lại là họ không bị tê liệt, thường di chuyển và có nguy cơ bị thương khi đang mơ.

Trong khi ngủ, cơ thể tiết ra hai chất hóa học để giữ cho bạn nằm yên là axit gamma-aminobutyric, còn được gọi là GABA, và glycine. Tình trạng tê liệt khi ngủ dường như xảy ra khi bạn đang bước vào hoặc thoát ra khỏi giấc ngủ REM, và nếu mọi thứ không ổn, bạn sẽ vẫn bị ngập trong những hóa chất đó khi bạn tỉnh lại.

Đôi khi điều đó đi kèm với mặt thị giác của giấc ngủ REM, hay còn gọi là giấc mơ, dẫn đến một trải nghiệm giống như ảo giác.

Ai dễ bị bóng đè?

Chứng tê liệt do ngủ không chỉ ra bất kỳ tình trạng sức khỏe cụ thể nào và không có công thức nào để dự đoán ai có thể gặp phải chứng bệnh này. Các yếu tố phổ biến nhất thường xuất hiện là thiếu ngủ và thay đổi lịch trình ngủ đột ngột.

Một loạt các yếu tố khác cũng có thể xảy ra. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu về chứng tê liệt do ngủ cho thấy những người không phải da trắng bị thường xuyên hơn, và các vấn đề như lạm dụng chất kích thích, lo lắng và PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) cũng làm tăng tỷ lệ này. Tuy nhiên, phát hiện về những đặc điểm này không phải lúc nào cũng được lặp lại trong các nghiên cứu và phân tích tổng hợp khác. Mặc dù chứng tê liệt do ngủ có thể liên quan đến chứng ngủ rũ, nhưng nó cũng thường xảy ra với những người không mắc chứng rối loạn này.

Và nếu bạn đang vật lộn với những thứ như tình trạng nghiện ngập, căng thẳng hoặc chấn thương vào thời điểm bạn mắc chứng ảo giác tê liệt do ngủ, thì đây là thời điểm thích hợp để điều trị những vấn đề đó. Nhưng những ảo giác cụ thể này không liên quan đến các rối loạn nghiêm trọng hơn, như tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần hoặc có các khối u não.

"Chứng tê liệt khi ngủ và tâm thần phân liệt đều có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng có một điểm khác biệt là những người mắc chứng tê liệt do ngủ thường biết ngay sau khi thức dậy hoàn toàn rằng họ đã trải qua ảo giác. Nhưng một người nào đó bị tâm thần phân liệt có thể gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt đâu là thật", bác sĩ giấc ngủ Pelayo cho biết.

'Bóng đè' hay chứng tê liệt do ngủ - ảo giác đáng sợ mỗi khi thức dậy dưới góc nhìn khoa học - Ảnh 2.

Hãy ngủ nhiều hơn

Theo Pelayo, cách tốt nhất để điều trị chứng tê liệt do ngủ là ngủ nhiều hơn và ngon hơn. Nếu vấn đề xuất hiện nhiều, bác sĩ này khuyên bạn nên đến gặp các chuyên gia để tìm hiểu xem liệu các chứng ngưng thở khi ngủ hoặc những giấc mơ đầy lo lắng do PTSD gây ra có đang làm gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn dễ bị tê liệt khi ngủ hay không.

“Hình thức chăm sóc tự nhiên nhất mà chúng ta dành cho não là ngủ", Pelayo nói. "Bất cứ điều gì không ổn đối với bộ não đều có thể trở nên tồi tệ hơn do ngủ không đủ giấc."

Tuy nhiên đối với phần lớn mọi người, phần tồi tệ nhất của chứng tê liệt do ngủ là việc bạn không biết nó là gì. Ngay cả khi bạn biết nó không có thật, thì cũng khó có thể không căng thẳng khi gặp ảo giác về thứ gì đó đáng sợ.

Nhưng, hãy tin rằng chứng tê liệt do ngủ hay "bóng đè" không còn gì khác hơn là một trải nghiệm kỳ quặc thỉnh thoảng xuất hiện trong thời gian căng thẳng. Và đừng bao giờ để chúng làm ảnh hưởng tới cuộc sống tinh thần và sức khỏe của chính bạn.

Tham khảo Cnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM