Bóc trần quy trình làm giả đồ cổ cực tàn nhẫn: Khâu viên ngọc vào chân con cừu sống, 3 năm sau lấy ra bán giá cao ngất

TAMMY | 24-03-2021 - 21:10 PM

(Tổ Quốc) - Những kẻ lừa đảo sẽ tìm một con cừu sống, rạch chân nó ra rồi đưa miếng ngọc vào, để đó trong 3 năm. Bằng cách này, những miếng ngọc thông thường sẽ trở thành viên huyết ngọc bạc tỷ.

Chơi đồ cổ là thú chơi tao nhã của các thượng khách, nhà sưu tầm yêu thích đồ cổ bởi chúng vừa mang vẻ đẹp của thời đại, vừa hàm chứa những giá trị lịch sử tích lũy ngàn năm. Những kẻ lừa đảo thì lại coi đồ cổ là một món hời, từ xa xưa, nhiều kẻ đã tìm ra cách làm giả di tích văn hóa rồi lừa bán với giá cắt cổ.

Thời vua Càn Long của triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) có một người thợ rèn tên A Khấu nổi tiếng là cao thủ làm giả ngọc cổ.

Đầu tiên, hắn trộn những mảnh ngọc mới và sắt vụn vào nhau, đem đun chung với dấm rồi niêm phong trong 10 ngày. Hết 10 ngày, A Khấu mang miếng ngọc xuống chôn ngoài đường, để người đi đường cứ thế dẫm đạp lên.

Bóc trần quy trình làm giả đồ cổ cực tàn nhẫn: Khâu viên ngọc vào chân con cừu sống, 3 năm sau lấy ra bán giá cao ngất - Ảnh 1.

Ma Weidu là chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về kiểm định bảo vật. Ảnh: Sohu

Qua một thời gian, viên ngọc của hắn vừa ngả màu cam do tác dụng của giấm, vừa có những vết rạn do thường xuyên bị dẫm lên, vậy là một miếng ngọc cổ ra đời. Miếng ngọc được chế biến theo cách này trong vài năm màu sắc cũng không phai, đến khi ngọc phai màu thì kẻ lừa đảo cũng đã kịp "cao chạy xa bay" rồi.

Nhà sáng lập bảo tàng Quan Phục (Bắc Kinh, Trung Quốc), Ma Weidu, là một trong những chuyên gia cao cấp nhất trong lĩnh vực kiểm định bảo vật ở Trung Quốc.

Ông cho biết những mánh khóe làm giả đồ cổ ngày nay không chỉ tinh vi mà còn tàn nhẫn hơn thời xưa rất nhiều. Kể với tờ Net Ease, chuyên gia Ma Weidu cho biết tại Trung Quốc có một "tuyệt chiêu" biến ngọc thường thành ngọc quý đắt tiền, đó là dùng máu động vật.

Làm giả huyết ngọc

Những kẻ lừa đảo sẽ tìm một con vật sống, thường là con cừu, rồi rạch chân chúng ra đưa miếng ngọc vào, khâu lại. Con cừu phải chịu đau đớn như vậy trong suốt 3 năm, hết thời gian đó nó sẽ bị giết để lấy viên ngọc ra.

Máu của con vật chảy vào viên ngọc lâu ngày sẽ khiến ngọc trắng biến thành "huyết ngọc" - thứ ngọc mang màu đỏ máu thường được tùy táng trong các lăng mộ cổ.

Bóc trần quy trình làm giả đồ cổ cực tàn nhẫn: Khâu viên ngọc vào chân con cừu sống, 3 năm sau lấy ra bán giá cao ngất - Ảnh 3.

Những kẻ lừa đảo làm giả huyết ngọc bằng cách nhét ngọc màu trắng vào cơ thể con vật sống. Ảnh: Sohu

Để tiết kiệm thời gian, có một cách khác là ngâm miếng ngọc vào các loại cây thuốc như huyết kiệt, tử thảo nhưng màu sắc miếng huyết ngọc giả sẽ không giữ được lâu. Vì vậy, những kẻ tham lam đã không ngại sử dụng phương thức tàn nhẫn nhất để kiếm lời.

Làm giả đồ gỗ, thư pháp cổ

Những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp còn nghĩ ra cách dùng phân chim để làm giả đồ gỗ cổ, kiếm lợi nhuận khủng. Chúng thường xuyên lấy đồ gỗ hỏng từ các vùng nông thôn rồi đóng lại hình hài, bên ngoài sơn quét thuốc nhuộm tóc và rửa bằng oxy già để đổi màu món đồ. Tất nhiên, đồ gỗ cổ thì luôn có dấu vết của thời gian nên muốn lừa bán phải tìm cách làm cho gỗ cũ đi.

Chúng để bộ bàn ghế gỗ bên dưới vài cái lồng chim, phân chim dính trên gỗ lâu ngày tạo nên vết ăn mòn giống như đồ cổ. Hai năm sau, chúng vệ sinh lại bộ bàn ghế là có thể bán với giá cao ngất trời.

Bóc trần quy trình làm giả đồ cổ cực tàn nhẫn: Khâu viên ngọc vào chân con cừu sống, 3 năm sau lấy ra bán giá cao ngất - Ảnh 5.

Dùng phân chim để làm giả đồ gỗ cổ. Ảnh minh họa: Baijiahao

Tiêu biểu nhất trong làm giả đồ cổ vẫn phải nói tới làm giả tranh, giả thư pháp. Yêu cầu lúc này cao hơn nhiều, kẻ làm giả phải có bản chính trong tay, phải rành về phong cách họa sĩ gốc.

Tạo ra được một bản sao hoàn chỉnh rồi, những kẻ lừa đảo sẽ cố gắng làm cho bức họa "nhuốm màu thời gian" bằng những phương pháp như đổ nước giấm pha loãng và chè đặc cho giấy ngả vàng, rang giấy trên cái chảo lớn.

Những kẻ làm hàng giả còn "bổ sung" thêm vài vết chuột cắn hoặc côn trùng cắn để bức tranh, bức thư pháp càng cũ càng tốt. Những tác phẩm giả như thế này đôi khi còn bị "lọt lưới" xuất hiện trong cả các buổi đấu giá uy tín nhất, lúc này thì "thật giả lẫn lộn", khó ai phân định được.

Bởi vậy, các chuyên gia luôn khuyên người sưu tập đồ cổ phải thật cẩn thận, tìm đến nhiều người kiểm định chuyên nghiệp để thẩm định kỹ món đồ trước khi bỏ tiền ra mua để không trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi như trên.

Bài viết tham khảo từ Sohu

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM