Bộ hài cốt 3.000 năm tuổi tiết lộ sự thật bất ngờ về hình phạt đáng sợ thời cổ đại

Khánh Linh | 05-05-2022 - 15:03 PM

(Tổ Quốc) - Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một bộ hài cốt khuyết thiếu chân tại vùng Tây Bắc, Trung Quốc.

Kiểm tra y sinh không thể nhận định được nguyên nhân của việc chặt đứt chân. Do đó, các nghiên cứu gia khẳng định rằng việc chặt chân được thực hiện như một hình phạt chứ không phải để chữa trị bệnh tật. Nạn nhân tiếp tục sống ít nhất là 5 năm sau khi bị xử tội. Phát hiện này được công bố trên trang Acta Anthropologica Sinica bởi một nhóm nghiên cứu sinh tại ĐH Bắc Kinh, dẫn đầu là Tiến sĩ Lý Nam.

Bộ hài cốt 3.000 năm tuổi tiết lộ sự thật bất ngờ về hình phạt đáng sợ thời cổ đại - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một bộ hài cốt khuyết thiếu chân.

Chặt chân: Một trong "Ngũ hình" thời cổ đại

Tội nhân thời xưa bị hành tội một cách vô cùng man rợ. Mức độ tàn bạo của phương thức hành hình được dựa trên độ nặng, nhẹ của tội danh. Nhẹ nhất là xăm mình, nặng nhất là phí hình (chặt chân) hay tùng xẻo. Hệ thống hình phạt tàn ác này được đưa vào sử dụng từ hàng nghìn năm trước cho đến những năm 200 TCN.

Bộ hài cốt 3.000 năm tuổi tiết lộ sự thật bất ngờ về hình phạt đáng sợ thời cổ đại - Ảnh 2.

Ảnh minh họa "Ngũ hình" của Trung Quốc thời cổ đại.

Tuy hình phạt mỗi lúc một khác, đa số chúng đều bao gồm "mặc" xăm hình lên mặt "tỵ" cắt mũi, "ngoạt" chặt chân phải, trái hoặc cả hai, "cung" thiến, "đại tịch" xử tử. Các hình phạt tương ứng với các tội được liệt kê trong bộ luật "Lữ hình" do một vị hầu tước họ Phó đề ra.

Hệ thống xử phạt được ghi chép lại bằng lời kể và các hình vẽ minh họa. Trong một ghi chép bằng chữ sớm nhất ở Trung Quốc, thời nhà Thương (1600 TCN - 1500 TCN) khắc họa những hình ảnh tội nhân bị cắt cụt chân bằng cưa.

Bộ hài cốt 3.000 năm tuổi tiết lộ sự thật bất ngờ về hình phạt đáng sợ thời cổ đại - Ảnh 4.

Xương chân được tìm thấy tại ngôi mộ 3.000 năm tuổi minh chứng cho việc chặt chân là một hình phạt thời xưa.

Trường hợp bị chặt chân đầu tiên

Hài cốt của người phụ nữ này được tìm thấy tại một ngôi mộ ở nghĩa trang gần thành phố Bửu Kê, Thiểm Tây. "Khi nhìn thấy bộ hài cốt, tôi đã nghĩ rằng đây chính là một trường hợp bị chặt chân. Sau đó, chúng tôi đưa hài cốt của người phụ nữ đến bệnh viện để kiểm tra. Khi tôi lấy ra một đoạn xương ống chày còn lại, vị bác sĩ khám nghiệm vô cùng kinh ngạc", Tiến sĩ Lý thuật lại trên tờ SCMP.

Sau khi kiểm tra kỹ càng, họ nhận định rằng hài cốt thuộc về một người phụ nữ tầm 30 - 35 tuổi. Chân phải của người này đã bị cắt cụt. Theo luật xưa, phạm tội nhẹ sẽ bị chặt chân trái, nặng hơn sẽ bị chặt chân phải. "Dường như rằng người phụ nữ này đã phạm phải một đại tội nghiêm trọng", ông Lý bổ sung.

Việc cắt đi chân vì lý do y tế như béo phì, ung thư hoặc bệnh phong cũng được coi là một phương pháp chữa bệnh thời Trung Quốc xưa. Tuy nhiên, độ dày đặc của xương và cấu tạo của những phần xương khác cho thấy rằng người phụ nữ này không hề mắc bệnh tật. Hơn nữa, vết chặt chân của người này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp đến từ người thực hiện. Điều này đã khiến cho xương ống chày và xương mác của người phụ nữ bị biến dạng.

Nhiều tội nhân sau khi bị chặt chân đã chết ngay lập tức, số khác sống sót nhưng cũng vô cùng thảm khốc bởi họ không thể kiếm được việc làm ngoài trông chuồng gia súc hay chim chóc. Đây cũng là một cách để hạ nhục tội nhân.

Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn sống sót sau khi bị hành hình. Các nhà nghiên cứu cho rằng sau khi bị hành quyết, người này không hề bị gia đình bỏ rơi mà vẫn được chăm sóc tử tế.

"Kết hợp với những nghiên cứu y sinh từ hài cốt người phụ nữ và những hình ảnh chặt chân được ghi chép lại, chúng tôi đưa ra kết luận rằng đây là ví dụ đầu tiên về hình phạt chặt chân tàn khốc của người xưa", ông Lý kết luận. Đây cũng là bước đầu giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về hệ thống xử phạt và điều kiện xã hội của người Trung Quốc cách đây 3.000 năm trước.

Bài viết tham khảo nguồn: Ancientorigins

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM