3 lần khởi nghiệp - 3 bài học dẫn đến thành công
Là một người con của mảnh đất Quảng Nam, anh Viên cũng như bao người trẻ mang trong mình hoài bão, ước mơ lên Sài Gòn học tập và lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Tự động hóa công nghiệp, anh xin vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên bán thiết bị điện - tự động hóa, tiếp sau đó là 2 công ty về sản xuất khăn mặt (tại Long An) và sản xuất gạch men (tại Bình Dương). Năm 2015, anh tham gia vào Thaco Trường Hải với vị trí kỹ sư thiết kế và lập trình máy móc.
Thời điểm mới ra trường, anh không ngại thử sức với nhiều công việc khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để được cọ xát, đúc kết cho mình nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm. Để một ngày nào đó anh có thể thực hiện ước mơ từ thuở bé, đó là tạo được công ăn việc làm cho nhiều người, giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Rồi theo anh, thời điểm đó cũng đã đến. Năm 2016, cho rằng mình đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh bỏ công việc kỹ sư ổn định ở Thaco Trường Hải để khởi nghiệp trong lĩnh vực điện thông minh với số vốn 20 triệu đồng vay từ một công ty tài chính. Nhưng kết quả là thất bại. Tuy nhiên, sự thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên đó chỉ khiến anh có đôi chút hụt hẫng chứ không hề làm anh nản chí. Anh gom góp sự thất bại đó thành nguồn động lực, thành kinh nghiệm, bài học để bắt đầu lại từ đầu.
“Bài học lớn nhất của mình sau lần đó là mình đã nhận ra được, bán hàng là lắng nghe và giải quyết những khó khăn của khách hàng, giúp khách hàng theo đúng nhu cầu của họ chứ không phải cứ nghĩ theo ý kiến một chiều từ bản thân mình. Trước khi bán hàng mình cần phải tìm hiểu thị trường, khảo sát nhu cầu thực tế của khách hàng chứ không phải nhập hàng ồ ạt rồi tồn kho cả năm không bán được”, anh Viên chia sẻ.
Nhờ bài học xương máu đó, đến tháng 12/2016, anh quyết tâm khởi nghiệp lần 2 với Công ty Phúc An tại Đà Nẵng. Công ty của anh chuyên về mảng Thiết bị Điện - Tự động hóa và đã đạt được một số thành công nhỏ khi bán được khá nhiều hàng hóa cho các công ty tại các khu công nghiệp ở Quảng Nam.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là thành công tốt nhất mà anh mong muốn. Vậy nên sau hơn 2 năm gây dựng, năm 2019 anh bán lại công ty đầy tâm huyết Phúc An để đi tìm cơ hội mới, cơ hội giúp anh có thể phát triển vượt bậc, đúng với mục tiêu mà anh đề ra.
Năm 2019, trong một lần đi công tác nước ngoài, anh vô tình được tiếp xúc với máy massage ngâm chân lần đầu tiên. Lúc này, trong đầu anh nhen nhóm một sự quyết tâm, đó là phải đưa được sản phẩm này về Việt Nam. Thế là từ một công ty về điện - tự động hóa, anh chuyển đổi 100% qua kinh doanh điện máy với số vốn gần 1 tỷ từ việc bán công ty Phúc An. Tháng 5/2020, anh thành lập công ty Vạn Phúc chuyên về xuất nhập khẩu hàng hóa như máy móc thiết bị, điện máy, vật liệu cho các nhà máy sản xuất và xây dựng nên thương hiệu Nevato với dòng máy massage chân đang rất nổi tiếng trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Trên con đường thành công luôn có sự góp mặt của những thách thức
Khi được hỏi về nguồn gốc của tên thương hiệu Nevato, anh cho biết: “Nevato là sự kết hợp của tên con An Nhiên (N) và Vạn Phúc (Va). Với tôi, làm việc gì cũng phải đặt chữ Phúc lên hàng đầu, tạo Phúc cho khách hàng, tạo Phúc cho xã hội luôn là mòng muốn và mục đích của tôi.”
Các sản phẩm của anh giúp ích cho khách hàng trong việc giải độc cơ thể, tăng sức đề kháng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, sản phẩm đã giúp ích rất nhiều cho khách hàng trong quá trình nâng cao sức khỏe, chống chọi với bệnh dịch. Đặc biệt, anh đã rất thành công trong việc mang sản phẩm máy massage chân về với người tiêu dùng Việt, đây cũng là sản phẩm độc quyền trên thị trường Việt Nam của anh và doanh nghiệp.
Để đạt được những kết quả xứng đáng, đó là đưa thương hiệu của mình nằm trong Top 5 thương hiệu máy ngâm chân massage tốt nhất tại Việt Nam; phát triển lớn mạnh với 3 showroom tại các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng; tạo công ăn việc làm cho 15 nhân viên; tiêu thụ từ 200-300 sản phẩm/tháng và mang về doanh thu lên đến 1,5 tỷ đồng mỗi tháng, anh Viên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức lớn như: việc thiếu kiến thức, thiếu người dẫn dắt và thiếu vốn.
Anh kể lại: “Ban đầu, chúng tôi chỉ làm việc dựa trên lời nói, những phần inbox, comment trên group Facebook hoặc email nên có những công việc chúng tôi không kiểm soát và quản lý được. Tôi đã phải tìm đến rất nhiều những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, doanh nghiệp của chúng tôi làm việc đều có quy trình, các quy trình thoạt nhìn thì cứng nhắc nhưng lại vô cùng tiện lợi, hiệu quả và tiết kiệm được khá nhiều thời gian.”
Bên cạnh đó, là một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước ngoài về Việt Nam, thời gian mới bắt đầu hoạt động, quá trình nhập khẩu của doanh nghiệp anh cũng gặp không ít khó khăn: “Có những nhà cung cấp chỉ trao đổi qua email và các ứng dụng chat nên tôi rất lo lắng trong lần đầu nhập hàng từ nước ngoài về. Lúc đầu vốn ít nên tôi rất sợ bị lừa hoặc mua trúng hàng không đạt chất lượng”, anh Viên tâm sự.
Tuy nhiên, song song với những khó khăn, anh có được sự tin tưởng, ủng hộ và động viên to lớn từ gia đình, đó là nguồn động lực giúp anh vượt qua tất cả trên con đường khởi nghiệp. Một phần khác chính là nhờ sự nỗ lực tìm kiếm kiến thức, dám nghĩ dám làm và quan điểm đúng đắn trong kinh doanh: “Ngay từ đầu bạn phải có cái Tâm. Sản phẩm, dịch vụ chất lượng bắt đầu từ trong cách suy nghĩ của bạn. Tiếp theo, bạn phải nắm rõ nhu cầu, phải thật sự hiểu khách hàng đang nghĩ và mong muốn điều gì để đi cùng họ giải quyết các vấn đề đó.”
Ảnh: NVCC.