Có thể lập luận rằng, chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên trong lịch sử loài người của phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin cách đây 60 năm (12/4/1961) quan trọng đối với Mỹ hơn là Liên Xô.
Việc Liên Xô đưa người đầu tiên vào vũ trụ, theo sau vệ tinh Sputnik thực hiện 3 năm trước đó (1957), được coi là động lực cho chương trình không gian của Mỹ và một loạt các thành tựu hiếm có về sau.
Đành rằng Mỹ đã đưa người lên Mặt Trăng trước, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin rất thích khám phá lịch sử hào hùng của đất nước mình, đặc biệt dưới thời của cuộc Chiến tranh Lạnh (1946-1991), trong cuộc đua lên không gian.
"Không nghi ngờ gì nữa, sự kiện vĩ đại này đã thay đổi thế giới", Tổng thống Nga nói hôm 12/4/2021 - tròn 60 năm ngày Yuri Gagarin bay lên vũ trụ - khi ông đến thăm địa điểm nơi người anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin nhảy dù xuống mặt đất sau 108 phút bay vòng quanh Trái Đất.
"Chúng tôi sẽ luôn tự hào rằng chính đất nước của chúng tôi đã mở ra kỷ nguyên khám phá vũ trụ của nhân loại. Trong thế kỷ 21, Nga phải duy trì đúng mức vị thế là một trong những cường quốc vũ trụ và hạt nhân hàng đầu, bởi vì lĩnh vực vũ trụ có mối liên hệ trực tiếp với quốc phòng" - ông Putin nhấn mạnh.
Đó là một nhận xét đanh thép của người đứng đầu nước Nga: Đối với Tổng thống Nga Putin, không gian là một lĩnh vực quân sự, không phải là một cuộc thám hiểm.
Nhưng Nga đã đi bao xa trong việc quân sự hóa nó? Mỹ đang đi hướng nào? Còn những quốc gia mới hơn trong cuộc đua không gian, chẳng hạn như Trung Quốc thì sao?
Bài phân tích của Bloomberg sẽ cung cấp cái nhìn rõ hơn về những vấn đề đặt ra nêu trên.
*Bài phân tích được chúng tôi biên tập từ bộ câu hỏi phỏng vấn của Bloomberg với 2 chuyên gia Brian Weeden và Victoria Samson - làm việc tại văn phòng của Secure World Foundation ở Washington, Mỹ.
HỒI SINH 'NGƯỜI KHỔNG LỒ'
Hiện tại, Nga vẫn nhìn vào chương trình không gian dưới thời Chiến tranh Lạnh của mình với niềm tự hào không che giấu, và kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình không gian của mình kể từ những năm 2000 để thử hồi sinh các chương trình vũ trụ từng khiến cả thế giới kinh ngạc đó, nhưng mang lại nhiều kết quả khác nhau.
Đó là lý do vì sao các chuyên gia Mỹ không ngạc nhiên khi ông Putin nhấn mạnh đến việc quân sự hóa không gian bởi an ninh chính là động lực ban đầu cho các chương trình không gian thời Chiến tranh Lạnh ở cả Mỹ và Liên Xô. Đến nay, không gian vẫn đóng một vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia ở cả hai quốc gia này.
Nếu chia nhỏ vấn đề liên quan đến không gian thì lĩnh vực thương mại không gian của Nga đang mất đi vị thế dẫn đầu. Đơn cử, 10 năm Mỹ phụ thuộc Nga cho các chuyến đi đắt đỏ (với mức phí là 90 triệu USD cho 1 suất) đưa người lên ISS đã kết thúc vào thời điểm tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX đưa người thành công lên ISS ngày 30/5/2020. Kể từ khi tàu con thoi của Mỹ 'nghỉ hưu' năm 2010, Mỹ giờ đây không còn cần Nga, không còn cần tàu vũ trụ Soyuz nữa!(đọc thêm tại đây).
Nhưng điều đó không hề gì với Nga, vì dù sao ISS cũng sắp 'nghỉ hưu' trong vài năm tới. Khi không gian đang chuyển mình sang lĩnh vực thương mại, Nga cũng chuyển hướng sang quân sự hóa không gian. Nga khôn khéo tập trung vào thế mạnh mà có thể đưa mình lên vị trí dẫn đầu.
Câu hỏi đặt ra là, ứng dụng quân sự trong không gian là gì? Câu trả lời đến từ vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí động năng, tác chiến điện tử... Có một số quốc gia đang phát triển loại vũ khí chống vệ tinh (Anti-satellite weapon - ASAT).
Hiện tại, trên thế giới chỉ có 3 quốc gia phát triển được hệ thống ASAT này, dĩ nhiên đó là Mỹ, Liên Xô/Nga và Trung Quốc.
Trong báo cáo năm 1987 của FAS (Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ) có đoạn, Liên Xô có một chương trình không gian quân sự lớn và liên tục mở rộng. Chúng tôi tin rằng các tài sản không gian quân sự của Liên Xô phục vụ hai chức năng cơ bản: 1 là hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất; và 2 là tiến hành chiến tranh ngoài không gian.
Theo quan điểm của Liên Xô, ưu thế quân sự trong không gian vũ trụ đạt được là thông qua việc sử dụng các hệ thống ASAT để làm suy giảm hoặc phá hủy các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo dựa trên không gian của một đối thủ.
Hệ thống tên lửa đánh chặn ABM-1 Galosh của Liên Xô trang bị vũ khí hạt nhân được triển khai xung quanh Moscow có khả năng chống lại các vệ tinh tầm thấp. Hai tia laser công suất cao tại Sary-Shagan (ở Kazakhstan) có thể có khả năng làm hỏng các thành phần nhạy cảm trên vệ tinh trên bo mạch.
Trong thời gian tới, những nỗ lực quy mô lớn của Nga trong công nghệ laser, chùm hạt, tần số vô tuyến và năng lượng động học có thể cung cấp cho họ những khả năng ASAT rất đáng kể.
Tên lửa chống vệ tinh bay thẳng (DA-ASAT) của Nga. Ảnh: Kirill Kudryavtsev / AFP / Getty Images
Đầu năm 2021, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết: "Nga đã biến không gian thành một miền chiến tranh". Bởi Nga liên tiếp phóng các vụ thử nghiệm chống vệ tinh. Hồi tháng 12/2021, Nga phóng thử thành công tên lửa chống vệ tinh bay thẳng (DA-ASAT), có thể tiêu diệt các vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Hiện Nga đã trình diễn 2 loại vũ khí không gian khác nhau: Tên lửa DA-ASAT phóng từ mặt đất và hệ thống đặt trên không gian có tên là "ASAT đồng quỹ đạo", Space.com thông tin.
Tờ The London Post (Anh) cho biết, Nga sẽ phóng 640 vệ tinh trong khuôn khổ chương trình mới “Sphere” trong vài năm tới, các vệ tinh sẽ được phóng theo các giai đoạn vào năm 2022, 2024 và 2028. Cũng trong năm 2028, Nga sẽ phóng thử nghiệm tên lửa đẩy siêu nặng, có khả năng nâng hơn 50 tấn trọng tải lên vùng quỹ đạo Trái Đất.
Các chuyên gia nhận định, xu hướng hiện nay theo nhiều cách là quay trở lại những gì đã xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, vì cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có một số chương trình ASAT đang hoạt động.
MỸ vs. TRUNG QUỐC
Trong khi Nga tập trung mạnh cho quân sự hóa, thì Mỹ lại bận rộn với một Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ trong lĩnh vực khám phá không gian.
Trong vài năm qua, cùng với nỗ lực phát triển hệ thống tên lửa đẩy Trường Chinh, Trung Quốc đã phóng nhiều vệ tinh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Phải chăng, Bắc Kinh đang dùng không gian để đưa mình trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ, Nga?
Dẫu vậy, nếu tính tổng vệ tinh đang quay trên quỹ đạo Trái Đất thì Mỹ mới là quốc gia sở hữu nhiều vệ tinh nhất. Bản thân SpaceX có 1.378 vệ tinh, nhiều hơn bất kỳ vệ tinh nào của chính phủ. Liên Xô đã thực hiện gần 100 vụ phóng vệ tinh mỗi năm cho đến cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.
Trung Quốc coi không gian là chìa khóa để củng cố quyền lực cứng và quyền lực mềm của quốc gia, và về nhiều mặt, họ đang trên con đường thực hiện nhiều điều mà Mỹ đã làm trong Chiến tranh Lạnh, thậm chí là có nhiều tham vọng tương tự Mỹ trong khám phá không gian (lên Mặt Trăng, sao Hỏa...).
Điều đó cho thấy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được điều đó. Họ đã nói về việc trở thành một cường quốc không gian toàn cầu vào năm 2050, tức là trên dưới 30 năm kể từ bây giờ.
Thứ mà các cố vấn không gian Mỹ lo sợ đó chính là tầm ảnh hưởng ngày một rộng rãi của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian với các đối tác từng thân thiết với Mỹ như Nga, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)...
Việc quốc gia này thu được nhiều thành tựu như lấy mẫu đá Mặt Trăng, đưa tàu đổ bộ sao Hỏa, đổ bộ nửa tối Mặt Trăng... đang khiến cộng đồng khoa học quốc tế ngạc nhiên và mong muốn hợp tác. Và Mỹ lo mình sẽ bị lu mờ trước cái bóng của Trung Quốc.
Bởi thế, mục tiêu đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024 đang được NASA của Mỹ ráo riết thực hiện. Có lẽ, chỉ khi sứ mệnh thành công, Mỹ mới có thể tạm thở phào nhẹ nhõm chăng?
Tựu chung lại, cả ba nước Nga, Mỹ, Trung đều có những mục đích và tham vọng không gian riêng. Thật khó để nói quốc gia nào dẫn đầu bởi nói đến không gian thì có quân sự hóa không gian, có khám phá khoa học không gian, có khai thác khoáng sản không gian và thương mại...
Chiến lược không gian của mỗi quốc gia chắc hẳn còn dày và bí mật hơn rất nhiều so với những gì truyền thông và báo chí biết đến. Cái chúng ta nhìn nhận được đó là thành tựu và những gì đã xảy ra. Còn tương lai? Luôn là câu hỏi để ngỏ!
Tham khảo: Bloomberg, FAS.org