Vì sao phải vắt sữa bằng tay?
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản phụ khoa, phụ trách chương trình “Nuôi con bằng sữa mẹ” của Bệnh viện Hồng Ngọc, vắt sữa mẹ thường được thực hiện trong một số trường hợp như: Mẹ căng tức sữa quá mức mà em bé chưa có nhu cầu bú hoặc đang ngủ; trẻ không bú mẹ trực tiếp được như phải nằm lồng ấp, chiếu đèn vàng da, ăn qua xông dạ dày, ăn sữa qua thìa…
Việc vắt sữa bằng tay lúc này rất quan trọng. Nó giúp cho mẹ không bị tắc tia sữa, giảm thiểu tối đa việc tắc tia sữa, áp xe vú, viêm tuyến vú... Mặt khác, khi mẹ không vắt hết sữa khỏi bầu ngực, lượng sữa tiết ra sẽ dần giảm đi. Bởi bộ não sẽ nhận được tín hiệu rằng, nhu cầu của con không cần nhiều sữa. Khi bé bú hoặc sữa được vắt ra liên tục giúp duy trì nguồn sữa dồi dào cho con.
Có 2 cách hút sữa, đó là vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa. Tuy nhiên, nhiều mẹ lựa chọn vắt sữa bằng tay vì dễ thực hiện và thoải mái hơn việc dùng máy hút, lại đỡ lỉnh kỉnh máy móc, rửa bình, tiệt trùng…
Hướng dẫn mẹ massage và vắt sữa bằng tay đúng cách
Trước khi massage, mẹ chuẩn bị một khăn mặt sạch, nhúng nước ấm rồi lau rửa bầu ngực và núm ti cho sạch sẽ. Mẹ cũng cần rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi massage và vắt sữa.
Các bước massage bầu vú:
Bước 1: Massage bằng đầu ngón tay theo hình nan hoa. Mẹ miết các đầu ngón tay từ phần xa của bầu vú về phía đầu ti.
Bước 2: Nắm tay lại và cũng miết từ vùng xa bầu vú về phía đầu ti.
Bước 3: Nắm tay và day nhẹ từ vùng xa về phía đầu ti theo hình nan hoa bằng cả 2 tay.
Bước 4: Dùng 2 ngón tay cái massage quầng vú để quầng vú mềm ra.
Bước 5: Dùng ngón trỏ và ngón cái vê đầu vú để đầu vú mềm ra.
Trước khi vắt sữa bằng tay cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ: Một chiếc khăn sạch ấm mềm, bình hoặc cốc hứng sữa đã được tiệt trùng, bình hoặc túi trữ sữa chuyên dụng dùng để đựng sữa. Bên cạnh đó, mẹ phải đảm bảo rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn. Sau đó dùng khăn ấm và mềm để vệ sinh sạch sẽ hai bầu vú.
Sau khi massage vú theo đúng hướng dẫn, mẹ bắt đầu vắt sữa bằng tay.
Các bước vắt sữa bằng tay:
Bước 1: Đặt ngón tay theo hình chữ C lên rìa quầng vú. Nếu quầng vú của mẹ quá to thì đặt tay vào trong quầng vú. Nếu quầng vú nhỏ thì đặt ra bên ngoài để khoảng cách từ tay đến chân ti khoảng 2,5cm.
Bước 2: Sau đó ấn nhẹ tay hướng ra sau ngực rồi bóp để sữa chảy ra và thả tay.
Bước 3: Tiếp tục lại ấn nhẹ rồi bóp và thả tay liên tục như vậy vài lần.
Bước 4: Xoay ngón tay quanh quầng vú ở những hướng khác nhau để tác động đến nhiều tia sữa khác nhau của bầu ngực.
Bước 5: Thực hiện tay trái vài lần rồi chuyển sang tay phải, trên cùng một bên ngực để tác động lên tất cả tia sữa.
Bước 6: Thực hiện khoảng 5 phút cho đến khi cảm thấy sữa hết hẳn thì chuyển sang vú bên kia, tương tự các động tác như vậy.
Mẹ lưu ý, những lần bóp, thả đầu tiên có thể sẽ không ra sữa. Mẹ cố gắng kiên trì thực hiện liên tục để kích thích tiết sữa về nhiều hơn. Vắt tay thường không gây đau ngực. Nếu mẹ cảm thấy đau thì có nghĩa mẹ đã thực hiện sai động tác nào đó. Mẹ nên xem lại và điều chỉnh để vắt sữa đúng cách.
Theo dõi Bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc hướng dẫn vắt sữa bằng tay
Hướng dẫn bảo quản sữa đúng cách
Sữa sau khi được vắt ra, cho bé uống ngay là tốt nhất. Nếu chưa đến cữ bú của bé, mẹ có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh rồi đến cữ thì đem hâm lên và cho bé bú.
Để bảo quản đúng cách giúp sữa giữ nguyên được các giá trị dinh dưỡng và không bị nhiễm khuẩn, mẹ cần cho sữa vào bình trữ hoặc túi trữ sữa và đậy nắp kín lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh sau khi vắt sữa.
Nếu sữa được sử dụng trong ngày thì để ngăn mát, nếu quá 24 giờ thì hãy cho sữa lên ngăn đông để sữa không bị hỏng. Nếu cho lên ngăn đông, hãy dùng bút ghi ngày giờ hút sữa để biết được phần sữa nào hút trước thì cho bé sử dụng trước và tránh cho bé uống sữa quá hạn.
Khi hâm sữa cho bé, hãy cho bình sữa vào nước ấm 40 độ C. Đây là nhiệt độ được khuyến cáo, không hâm ở nhiệt độ quá cao vì có thể làm biến đổi chất dinh dưỡng có trong sữa. Sau khi hâm xong, nên cho bé uống ngay. Nếu bé không uống hết, quá 1 tiếng thì mẹ nên đổ bỏ, không cho trẻ tiếp tục uống sữa đó nữa.
Mẹ cũng lưu ý, không hâm sữa bằng cách cho sữa đun trên bếp. Nếu là sữa trữ đông thì hãy lấy sữa bỏ xuống ngăn mát trước 1 ngày để sữa tan đá rồi thực hiện các bước hâm sữa như đã trình bày ở trên. Sữa mẹ trữ đông có thể bảo quản tới 3 tháng nhưng phải đảm bảo không nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, trữ trong tủ riêng biệt, dưới 19 độ C và phải sạch sẽ.
Như vậy, qua bài viết này mẹ đã biết được cách massage và vắt sữa bằng tay như thế nào hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp bình thường, cho bé ti mẹ trực tiếp là phương pháp tốt nhất, vừa đảm bảo vấn đề vệ sinh và đây còn là cách kích sữa tuyệt vời để mẹ luôn đủ sữa cho bé lớn lên khỏe mạnh.