Cố cung còn được gọi là Tử Cấm Thành, cung điện Hoàng gia của hai triều Minh - Thanh, cũng là nơi ở và làm việc của Hoàng đế.
Ở xã hội cổ đại với luật lệ nghiêm ngặt, nếu không có sự đồng ý của Hoàng đế thì người bình thường không được phép vào cung. Nhưng sau khi vương triều nhà Thanh diệt vong, Tử Cấm Thành đã trở thành Cố cung.
Sau khi tân Trung Quốc được thành lập, Cố cung cũng dần dần được mở cửa đón nhận khách tham quan, đồng thời truyền bá lịch sử văn hóa. Nhiều người trong quá trình tham quan phát hiện, một số cung điện trong Cố cung bị niêm phong chặt chẽ, không cho khách vào thưởng thức. Và Vũ Hoa Các chính là một trong số đó.
Vậy Vũ Hoa Các chứa đựng bí mật gì mà không muốn cho người đời biết đến?
Thật ra, Vũ Hoa Các là ngôi Phật đường mật tông Phật giáo Tây Tạng, là một trong 10 Phật đường lớn nhất của Cố cung được xây dựng vào năm Càn Long thứ 14 (1749).
Thời bấy giờ, Càn Long đế đã cho cải tạo lại tòa kiến trúc thời Minh thành Vũ Hoa Các, mô phỏng theo tu viện Thác Lâm Tự ở Tây Tạng.
Vũ Hoa Các tôn thờ tượng Tây Thiên Chú. Vì để bày có sự xem trọng đối với Phật giáo Tây Tạng, Vũ Hoa Các đã chiếu theo Tứ bộ (sự, hành, yoga, vô thượng yoga) của mật tông Tây Tạng tiến hành thiết kế các tầng.
Trong đó, tầng trệt được gọi là Trí Hành, tầng 2 là Đức Hành, tầng 3 là Yoga, tầng 4 là Vô Thượng. Mỗi tầng đều thờ Phật tổ và Bồ tát khác nhau.
Theo đó, Vũ Hoa Các suy cho cùng cũng chỉ là một ngôi Phật đường bình thường. Vậy tại sao không thể mở cửa cho du khách tham quan?
Có một lần, Phổ Nghi đi dạo Cố cung cùng với bạn. Đang đến gần Vũ Hoa Các thì nghe thấy một hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu lịch sử về Phật đường này cho du khách. Nghe là thế, nhưng du khách vẫn không thỏa mãn vì không được chứng kiến tận mắt: “Vì sao Vũ Hoa Các không được mở cửa?”.
Hướng dẫn viên cười nói: “Vì bên trong có tượng Phật vô cùng trân quý, được điêu khắc tinh xảo. Nếu mở cửa cho vào tham quan thì văn vật sẽ bị ảnh hưởng hư hại, nên không được phục vụ du lịch”.
Phổ Nghi cười nói với hướng dẫn viên: “Anh bạn, anh nói chưa được đúng lắm. Đây không phải là nguyên nhân chủ yếu”.
Hướng dẫn viên đương nhiên không biết Phổ Nghi là ai, hỏi dồn: “Thế anh nói xem, là vì nguyên nhân gì?”.
Phố Nghi trả lời: “Nguyên nhân chủ yếu là tầng 4 của Vũ Hoa Các có đặt 3 tượng Phật Hoan Hỷ. Và chỉ có Hoàng đế trước ngày đại hôn mới được phép đến, nên không thích hợp để mở cửa tham quan”.
Tại sao Phổ Nghi lại biết được điều này? Đừng quên rằng Phổ Nghi chính là vị vua cuối cùng của nhà Thanh cũng như chế độ phong kiến Trung Quốc. Trong ngày đại hôn với bà Uyển Dung, Phổ Nghi từng được thái giám đưa đến nơi này để cử hành một số nghi lễ chuyên biệt.
Trên thực tế, điều Phổ Nghi nói chỉ là một phần nhỏ của Vũ Hoa Các mà thôi.
Phật đường Vũ Hoa Các là nơi chỉ duy nhất Hoàng đế được phép ra vào để học Phật pháp và tu dưỡng tâm tính. Đối với Hoàng đế mà nói, tâm loạn thì thiên hạ cũng đại loạn. Nên việc điều hướng tư tưởng của Hoàng đế theo Phật học là vô cùng cần thiết.
Một nguyên nhân khác là do không gian trong Vũ Hoa Các quá nhỏ hẹp nên không thích hợp cho du khách vào tham quan. Hơn nữa, đây lại là Phật đường cần được giữ thanh tịnh, sạch sẽ nên không được phép quấy nhiễu hay trở thành nơi công cộng.
(Nguồn: Sohu)