Bí mật tại 'thị trấn ma' cao 3.000 mét ở Tây Tạng: Giới khoa học thốt lên kinh ngạc 'Giá như tìm thấy sớm hơn!'

Trang Ly | 23-08-2021 - 17:50 PM

(Tổ Quốc) - 'Thị trấn ma' này đã bị bỏ hoang hơn 60 năm.

TỪ MỘT "THỊ TRẤN MA"...

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi các giếng dầu trở nên khô cạn, người dân thị trấn Lenghu trên cao nguyên Tây Tạng lần lượt bỏ đi hết. Lenghu bị bỏ hoang và trở thành 'thị trấn ma' từ đó (ghost town - SCMP).

Nằm ở độ cao 3.000 mét so với mực nước biển, Lenghu dần trở nên cô độc giữa cao nguyên cao nhất thế giới (cao nguyên Tây Tạng). Họa hoằn lắm, Lenghu mới có bước chân của con người, đó là những khách du lịch ưa mạo hiểm hoặc nhiếp ảnh gia gan dạ muốn một lần vượt qua thử thách.

Bí mật tại thị trấn ma cao 3.000 mét ở Tây Tạng: Giới khoa học thốt lên kinh ngạc Giá như tìm thấy sớm hơn! - Ảnh 1.

Lenghu bị bỏ hoang vào những năm 1960. Ảnh: Shutterstock

Tưởng chừng sẽ bị thế giới lãng quên, nhưng nay Lenghu trở nên 'bừng sáng' hơn bao giờ hết trong mắt các nhà khoa học. Vì nằm ở độ cao lý tưởng, vì không bị con người làm phiền, các nhà khoa học đã tiết lộ bí mật to lớn về Lenghu: Lenghu có khả năng trở thành một trong những trung tâm quan sát thiên văn quan trọng nhất trên thế giới.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 18/8/2021, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết nghiên cứu kéo dài 3 năm của họ chỉ ra rằng Lenghu ngang bằng với các địa điểm thiên văn tốt nhất thế giới, bao gồm Cerro Paranal ở Chile và Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ).

Và đối với một số quan sát đòi hỏi sự 'rõ ràng tột độ' để nhìn lại vũ trụ sơ khai, các điều kiện tại Lenghu [nghĩa là "hồ lạnh"] không có đối thủ. Nghĩa là điều kiện quan sát thiên văn học ở Lenghu gần như tuyệt đối. Nơi này không bị ô nhiễm ánh sáng, trời quang, ở độ cao lý tưởng và góc quan sát rất rộng (Một khu vực rộng hơn 100.000 km vuông bao quanh thị trấn Lenghu).

Vào một ngày điển hình ở Lenghu, "không có mây trong 10 giờ. Nó cũng giống như vậy vào ban đêm. Và có rất ít nước trong không khí" - Nhà thiên văn hàng đầu Deng Licai của Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước hôm 19/8.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào quan sát không gian trong những năm gần đây, xây dựng một số cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến và tốn kém, bao gồm kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới (có tên Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét - FAST) và máy dò tia vũ trụ mạnh nhất trên thế giới.

Bí mật tại thị trấn ma cao 3.000 mét ở Tây Tạng: Giới khoa học thốt lên kinh ngạc Giá như tìm thấy sớm hơn! - Ảnh 2.

Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) của Trung Quốc ở tỉnh Quý Châu. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Nhưng những khoản đầu tư khổng lồ đó không thể bù đắp cho sự thiếu vắng của một địa điểm quan sát thiên văn tầm cỡ thế giới ngay tại Trung Quốc. Để có những bức ảnh rõ ràng hơn, họ phải đến Nam Mỹ, Hawaii hoặc quần đảo Canary - tất cả đều ở Tây Bán cầu.

Trung Quốc đã thiết lập một số kính viễn vọng ở Nam Cực và có kế hoạch phóng kính thiên văn vũ trụ tiên tiến của riêng mình trong vài năm tới, nhưng công nghệ này còn nhỏ so với một đài quan sát tiêu chuẩn.

Do đó...

"Việc phát hiện ra địa điểm Lenghu đã gỡ bỏ một nút thắt từng cản trở sự phát triển của thiên văn học Trung Quốc trong một thời gian dài", Viện Khoa học Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 19/8.

... ĐẾN ĐIỂM QUAN SÁT THIÊN VĂN TẦM CỠ THẾ GIỚI

Điều kiện tại Lenghu cực kỳ khô, có nghĩa là lượng ánh sáng ít ỏi (từ các nguồn như các ngôi sao ở xa) bị hơi nước trong khí quyển làm chệch hướng hoặc hấp thụ. Bầu khí quyển càng khô, kính thiên văn càng có thể quan sát được nhiều chi tiết hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào mùa đông ở Lenghu, lượng nước trong khí quyển ít hơn khoảng 30% so với tại địa điểm Mauna Kea ở Hawaii, nơi khô hạn nhất trong số các đài quan sát được thành lập trên thế giới. Hơi nước ở Lenghu có thể kết tủa thấp hơn 2 mm đối với 55% thời gian ban đêm.

Các phân tử nước có hiệu quả giữ nhiệt và đối với các nhà khoa học nghiên cứu tín hiệu hồng ngoại, điều kiện khô hơn có thể giúp tiết lộ thông tin về sự hình thành của một số vật chất bao gồm vật chất hữu cơ trong các thiên hà xa xôi.

"Lenghu có tiềm năng cao hơn nhiều so với các địa điểm quan sát thiên văn khác đã biết về bước sóng hồng ngoại để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh" - Nhà thiên văn Deng Licai và các đồng nghiệp cho biết trong bài báo trên tạp chí Nature.

Bí mật tại thị trấn ma cao 3.000 mét ở Tây Tạng: Giới khoa học thốt lên kinh ngạc Giá như tìm thấy sớm hơn! - Ảnh 3.

Điều kiện ở Lenghu rất khắc nghiệt nhưng rất thích hợp cho việc quan sát thiên văn. Ảnh: Shutterstock Images

Chưa hết, nhiệt độ không khí tại Lenghu rất ổn định.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Sự thay đổi nhiệt độ trung bình vào ban đêm chỉ là 2,4 độ C, cho thấy không khí bề mặt địa phương rất ổn định".

Họ nói rằng khoảng 70% thời gian trong năm tại Lenghu là thích hợp cho các quan sát thiên văn. Con số này thấp hơn một chút so với một số địa điểm như La Palma trên quần đảo Canary của Tây Ban Nha nhưng vào những đêm trời quang đãng [chiếm khoảng 90 ngày một năm] tầm nhìn ở Lenghu đánh bại hầu hết mọi địa điểm quan sát khác trên hành tinh.

Các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ, họ đã phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt để có được dữ liệu về Lenghu - với những điều kiện quan sát nguyên sơ ẩn mình trong vùng cao nguyên cao nhất thế giới.

Lenghu ở độ cao 3.000 mét so với mực nước biển, nhưng một số quan sát yêu cầu nhóm nghiên cứu phải đặt các thiết bị trên đỉnh núi ở độ cao hơn 4.000 mét và không thể tiếp cận bằng đường bộ.

Chính quyền địa phương đã cử một máy bay trực thăng đến trợ giúp, nhưng một số dụng cụ phải được các nhà nghiên cứu khiêng trên lưng. "Các thành viên trong nhóm đã thực hiện hơn 10 cuộc leo núi mạo hiểm".

Báo chí Trung Quốc cho biết công việc xây dựng một số kính thiên văn đã được bắt đầu tại địa điểm Lenghu và các quy định đã được thông qua nhằm ngăn chặn các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết trung tâm Lenghu, cách không xa đống đổ nát của ngành công nghiệp dầu mỏ, sẽ thịnh vượng trở lại như một trong những trung tâm thiên văn quan trọng nhất trên thế giới.

Đồng tác giả Fei He, chuyên gia quang học tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết trên Space.com rằng: "Việc tìm kiếm một địa điểm tốt ở Trung Quốc, về mặt không gian trên Cao nguyên Tây Tạng, là điều cần thiết cho sự phát triển của khoa học thiên văn và hành tinh ở Trung Quốc. Giá như chúng tôi có thể tìm thấy địa điểm cực kỳ tiềm năng này sớm hơn!".

Bài viết sử dụng nguồn: Nature, Space.com, SCMP

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM