Nếu liệt kê những xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới, người ta không thể không nhắc đến cô bé hai tuổi Rosalia Lombardo được mệnh danh là "Sleeping beauty" (Người đẹp say ngủ), và thậm chí có người còn ví cô bé như phiên bản thật của truyện cổ tích "Công chúa ngủ trong rừng". Bên cạnh biệt danh ấy, xác ướp cô bé Rosalia còn ẩn chứa nhiều bí mật khiến các nhà khoa học phải đau đầu đi tìm lời giải đáp.
Rosalia Lombardo qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1920 khi mới tròn 2 tuổi. Sự ra đi đột ngột của cô bé đã khiến cha em đau lòng đến nỗi ông đã nhờ người thợ Alfredo Salafia bảo vệ thân xác của Rosalia để ông vẫn được nhìn thấy con mỗi ngày.
Rosalia Lombardo được mệnh danh là "Sleeping beauty" (Người đẹp say ngủ).
Alfredo Salafia vốn là một thợ thủ công và nhồi thú bông khéo léo. Ông đã thực hiện một quá trình ướp xác tuyệt vời trên cơ thể Rosalia để rồi gần 100 năm trôi qua, cô bé vẫn trông như chỉ đang ngủ gật bên trong chiếc quan tài đặt ở một hầm mộ Capuchin ở Palermo, vùng Sicily, Ý. Hầm mộ Capuchin có khoảng 8.000 xác ướp đang được bảo quản. Xác ướp của Rosalia cũng là một trong những xác ướp cuối cùng được đưa vào hầm mộ này.
Đã 80 năm trôi qua nhưng thi thể cô bé Rosalia vẫn còn giữ được nguyên vẹn đến khó tin. Mái tóc vàng óng mượt buộc nơ, làn da mịn màng căng bóng đúng như một đứa trẻ mới 2 tuổi nhưng điều đặc biệt nhất nằm ở đôi mắt của Rosalia.
Những người từng đến thăm xác ướp của cô bé đều khẳng định rằng Rosalia thực sự chớp mắt. Những hình ảnh do nhiều người chụp có thể thấy được mí mắt của cô bé mở và đóng một cách kỳ lạ. Đôi mắt xanh của Rosalia vẫn còn nguyên vẹn giống như phần còn lại của cơ thể và thậm chí nó còn lấp lánh trong luồng ánh sáng yếu ớt bên trong hầm mộ.
Có người cho rằng sự thay đổi nhiệt độ bên trong hầm mộ đã làm cho mí mắt Rosalia co lại tạo ra hiệu ứng chớp mắt.
Suốt nhiều thập kỷ trôi qua, không ai giải thích được hiện tượng kỳ lạ đó. Cuối cùng, vào năm 2009, nhà nhân chủng học đồng thời là người phụ trách quản lý khu hầm mộ Capuchin, ông Dario Piombino-Mascali, đã vạch trần bí ẩn về đôi mắt của Rosalia.
Dario nói với các phóng viên: "Đó chỉ là ảo giác quang học, gây nên bởi những tia sáng rọi qua cửa sổ và chiếu tới quan tài dưới một góc nhất định".
Dario đã phát hiện ra điều này khi các nhân viên tại viện bảo tàng đã di chuyển quan tài cô bé khiến cơ thể của cô chuyển động nhẹ, cho phép ông nhìn thấy mí mắt của cô rõ hơn bao giờ hết. Dario nhận ra rằng đôi mắt của Rosalia không hoàn toàn đóng kín và chỉ khép hờ.
Theo nhà báo Rossella Lorenzi làm việc cho tờ Discovery News, chính Dario là người đã tìm ra công thức bí ẩn được sử dụng để bảo quản hoàn hảo thi thể của Rosalia.
Khi Alfredo Salafia qua đời vào năm 1933, ông đã mang bí mật về hóa chất bảo quản của mình xuống mồ, và trong nhiều thập kỷ, không ai có thể hiểu làm thế nào Rosalia có thể nguyên vẹn hoàn hảo như vậy sau từng ấy năm.
"Trong khi hầu hết các xác ướp bị chôn vùi trong hầm mộ đều được các nhà sư xử lý và về cơ bản được khử ẩm trong môi trường khô ráo thì Rosalia đã được ướp xác theo cách khác", Lorenzi nói. Năm 2009, Dario đã tìm thấy một bản thảo viết tay tiết lộ công thức ướp xác Rosalia.
Thông thường khi ướp xác, người ta sẽ lấy đi toàn bộ nội tạng của người chết và đổ đầy muối natron vào khoang bụng trống rỗng để làm khô hoàn toàn cơ thể. Tuy nhiên với cô bé Rossella, Salafia đã châm một lỗ nhỏ trên cơ thể và tiêm vào đó một hỗn hợp gồm formalin, muối kẽm, rượu, salicylic acid và glycerin.
Mỗi thành phần trong hỗn hợp có một vai trò nhất định. Các formalin giết chết tất cả các vi khuẩn, glycerin đảm bảo rằng cơ thể của cô không bị khô lại, và axit salicylic quét sạch bất kỳ loại nấm nào xâm nhập. Thành phần kỳ diệu muối kẽm sẽ làm cho cơ thể Rosalia hóa đá, làm cho nó cứng lại và giữ cho gò má và sống mũi của cô bé luôn căng.
Nhiều người từng hoài nghi rằng thi thể thật của Rosalia Lombardo đã được thay thế bởi một phiên bản tượng sáp. Tuy nhiên, hình ảnh chụp X-quang quan tài của cô bé cho thấy cấu trúc xương cũng như nội tạng bên trong thi thể vẫn còn nguyên. Não của cô bé cũng hiện trong ảnh chụp X-quang với kích thước bằng một nửa so với người thường do quá trình ướp xác.
(Nguồn: Sciencealert, Amusing Planet)