Bí ẩn giếng cổ tồn tại gần 4 thế kỷ ở Hà Nội, được dân làng coi là "báu vật'

Lân Lan | 15-04-2022 - 07:51 AM

(Tổ Quốc) - Người dân trong làng chỉ sử dụng nước giếng để nấu ăn chứ tuyệt đối không tắm giặt.

Là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nằm cách trung tâm TP. Hà Nội 50 km, làng cổ Đường Lâm bao gồm 9 làng, trong đó có 5 làng liền kề nhau, bao gồm Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giang và Cam Lâm. Ngày 19/5/2006, làng cổ Đường Lâm được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Bí ẩn giếng cổ tồn tại gần 4 thế kỷ ở Hà Nội, được dân làng coi là báu vật - Ảnh 1.

Một trong điều người dân làng cổ Đường Lâm tự hào nhất là ngôi làng sở hữu nhiều giếng cổ, trong đó, nổi tiếng nhất là giếng Mắt rồng. Giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng, miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m.

Vào đời vua Lê Hy Tông (1684), giếng Mắt rồng được đào để tạo nguồn nước phục vụ việc xây cất đình làng Mông Phụ. Giếng được đặt ở hướng đông, ngay cạnh đình, giống như điểm chiếu từ hai đầu mái đình có gắn đầu rồng nhìn xuống.

Bí ẩn giếng cổ tồn tại gần 4 thế kỷ ở Hà Nội, được dân làng coi là báu vật - Ảnh 2.

Cụ ông Hà Văn Dực, sống tại Đường Lâm chia sẻ với Dân Việt về lí do sân đình được đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh: "Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào (nước chảy chỗ trũng) là khát vọng về một đời sống ấm no. Sau đó, nước từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình. Từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng. Chính vì khai thác tốt độ dốc nên đình Mông Phụ gắn liền với giai thoại đồng rồng và chiếc giếng bên cạnh chính là mắt rồng".

Theo các cụ cao niên trong làng, nước giếng trong đình lúc nào cũng trong vắt. Vì thế, người trong làng chỉ ra giếng đình múc nước về nấu ăn, làm tương chứ tuyệt đối không tắm giặt. Ở Đường Lâm, người ta vẫn thường nhắc tới câu: "Nước giếng Hè, chè Cam Lâm". Giếng Hè, giếng Giang vốn được biết đến là giếng chứa nước ngọt hơn cả. Lấy nước giếng này mà đun sôi, pha với chè ở làng Cam Lâm bên cạnh sẽ rất ngon.

Bí ẩn giếng cổ tồn tại gần 4 thế kỷ ở Hà Nội, được dân làng coi là báu vật - Ảnh 3.

Với niềm tự hào như vậy, người dân làng cổ Đường Lâm đã đấu tranh kịch liệt khi một đoàn làm phim tới làng vào khoảng tháng 11/2021, tự ý tô vẽ giếng cổ khiến cho diện mạo thay đổi không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ngay sau đó, cán bộ địa phương lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu.

Đối với những người dân làng cổ Đường Lâm, giếng nước trong làng giống như những "báu vật" được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, làng cổ Đường Lâm nổi tiếng khắp cả nước như một ngôi làng Việt còn “nguyên bản” với đầy đủ các yếu tố cổng làng, cây đa, bến nước, nhà cổ và những chiếc giếng làng.

Ảnh: Dân trí, Tiền Phong.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM