Thành thật mà nói không ai thích làm việc với những người sở hữu nhiều điều tiêu cực ở nơi làm việc. Bởi khi đó, những điều tiêu cực sẽ làm giảm động lực làm việc của bạn và khiến các vấn đề trở nên khó giải quyết hơn. Ngược lại, hãy hình dung người đồng nghiệp lúc nào cũng bình tĩnh và vui vẻ. Họ giải quyết các vấn đề mà không bị choáng ngợp bởi chúng. Mặc dù không phải ai cũng có thể duy trì tiêu chuẩn này mọi lúc, nhưng đây chính là những biểu hiện của một người có chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao. Khi chỉ số cảm xúc được phát triển có thể khiến cuộc sống công sở của bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và hiệu quả hơn.
Những người EQ cao có xu hướng đưa ra quyết định tốt hơn, giữ bình tĩnh trước áp lực và căng thẳng, giải quyết xung đột một cách khéo léo, phản hồi tích cực trước những lời góp ý mang tính xây dựng, làm việc tốt với người khác và thể hiện khả năng lãnh đạo. Ngoài ra, những người có chỉ số EQ cao có xu hướng thăng tiến trong các tổ chức.
Một cuộc khảo sát do TalentSmart thực hiện cho thấy: “90% những người làm việc hiệu quả đều có trí tuệ cảm xúc cao, với thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn. Trí tuệ cảm xúc cũng chiếm tới 60% hiệu suất công việc".
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, thành công của chúng ta trong công việc hay cuộc sống phụ thuộc 80% vào trí tuệ cảm xúc và chỉ 20% vào trí tuệ học thuật. Tác giả Daniel Goleman đã gợi ý rằng có năm thành phần quan trọng đối với EQ:
- Tự nhận thức
- Tự điều chỉnh
- Động lực
- Đồng cảm
- Kỹ năng xã hội
Dưới đây là 8 thói quen bạn có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để phát triển một chỉ số EQ mạnh mẽ.
01.
Hãy nhận biết EQ của chính bạn
Để cải thiện trí tuệ cảm xúc, điều quan trọng là phải biết mức độ EQ của bạn đang nằm ở đâu. Các câu đố có thể đánh giá chỉ số EQ, điểm mạnh và điểm yếu về cảm xúc của bạn. Làm bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc trực tuyến. Nó chắc chắn sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về những gì bạn cần làm mà không mất quá nhiều thời gian.
02.
Biết các yếu tố kích hoạt sự tích cực và tiêu cực trong bạn
Đôi khi thật khó để xác định điều gì khiến bạn rơi vào tâm trạng tồi tệ hoặc ngược lại, điều gì khiến bạn hạnh phúc. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến cảm xúc và khiến bạn trở nên căng thẳng chẳng hạn như: sự kiện ra mắt sản phẩm mới của công ty vào tuần tới, bài thuyết trình với sếp...
Những người xung quanh, môi trường làm việc và tình trạng sức khỏe của bạn đều ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận. Xác định điều gì ảnh hưởng đến bạn và nó ảnh hưởng như thế nào, để khi xảy ra các tình huống không mong muốn, bạn có thể xử lý chúng một cách thích hợp.
03.
Viết nhật ký hàng ngày
Viết nhật ký hàng ngày giúp bạn có trách nhiệm và có khả năng phân tích các hành vi của mình. Bạn có thể viết về mức độ căng thẳng của cuộc họp ngày hôm đó hoặc cách bạn phản ứng khi đồng nghiệp lấy đi cây bút yêu thích của bạn mà không có sự cho phép. Đây là những sự kiện không có quá nhiều tác động, nhưng các phiền toái có thể tích tụ rồi dần dần sẽ dẫn đến sự bùng phát trong hành động.
Cố gắng tập trung vào những điều tích cực trong nhật ký của bạn. Viết về cảm giác hạnh phúc của bạn chẳng hạn: Bạn được tặng chiếc cốc cà phê đẹp hoặc khi bạn được thăng chức... Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra xem mình đã xử lý cảm xúc tốt như thế nào và xác định những điều mà bạn nên cải thiện. Thực hành các hành vi và phản ứng mới, đồng thời theo dõi xem điều đó đã cải thiện cuộc sống công việc của bạn như thế nào.
04.
Thực hành tích cực
Biết rằng đó là một điều sáo rỗng, nhưng bạn hãy cố gắng nhìn thấy mặt tích cực của mọi thứ. Thay vì lo lắng về việc làm điều gì đó mà bạn chưa từng có kinh nghiệm, hãy coi đó là cơ hội để học hỏi điều mới mẻ. Luôn luôn tích cực là một cách tuyệt vời để giúp bạn có động lực. Khi làm bất cứ điều gì, hãy nói với bản thân rằng bạn chắc chắn sẽ thành công. Quan trọng nhất là bạn phải tin vào những gì bạn nói, bởi niềm tin về bản thân chính là sự thỏa mãn.
05.
Lắng nghe những gì người khác nói
Khi bạn lắng nghe người khác, đó là dấu hiệu cho thấy họ quan trọng với bạn. Quá bận tâm đến ý kiến của bản thân sẽ làm lu mờ khả năng phán đoán và ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với các tình huống. Có thể khó nhận thấy khi bạn đang làm điều này, đặc biệt là ở nơi làm việc. Ví dụ, nhiều nhà quản lý cảm thấy khó cân bằng giữa việc khẳng định quan điểm của mình và lắng nghe ý kiến của các thành viên trong nhóm.
Luôn hỏi ý kiến và mối quan tâm của người khác là gì. Lắng nghe để cải thiện sự gắn kết và niềm tin trong nhóm của bạn. Khi ai đó đưa ra phản hồi về bạn, hãy chú ý lắng nghe có chọn lọc. Nó có thể không phải lúc nào cũng tích cực, nhưng đó không phải là điều xấu. Học cách tiếp nhận phản hồi tiêu cực cũng như tích cực và coi đó là cơ hội để cải thiện bản thân.
06.
Xin lỗi khi cần thiết
Dù không muốn nhưng tất cả chúng ta đôi khi vô tình hoặc cố ý đều sẽ làm tổn thương người khác. Xin lỗi khi điều này xảy ra là vô cùng quan trọng. Biết rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng để nói ra lời "xin lỗi", nhưng đừng lo bởi chỉ cần can đảm là bạn hoàn toàn có thể làm được điều này. Thành thử, để giữ cho các mối quan hệ của bạn lành mạnh đôi khi liên quan đến việc hy sinh một chút lòng tự trọng.
07.
Hãy đặt mình vào vị trí của người khác
Nếu bạn thấy một đồng nghiệp đang gặp vấn đề hay chuyện buồn, hãy nói chuyện với họ một cách chân thành. Cố gắng hiểu những gì họ đang trải qua và nhớ đừng phán xét. Nếu họ cần giúp đỡ, đừng ngần ngại đề nghị. Hãy tập thói quen suy nghĩ 2 câu hỏi này trong đầu trước khi phản ứng trước bất cứ điều này: Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn là họ? Bạn muốn người khác đối xử với mình như thế nào? Đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử là một cách tốt để rèn luyện trí tuệ cảm xúc.
08.
Hãy cởi mở với sự hài hước
Bạn sẽ không kiểm soát được mọi tình huống trong cùng một lúc. Nếu mọi thứ không diễn ra theo cách bạn mong đợi, hãy học cách chấp nhận nó. Tìm sự hài hước trong các tình huống tại nơi làm việc, bởi điều này có thể thay đổi hoàn toàn bầu không khí làm việc của bạn. Hài hước là dấu hiệu của một người có chỉ số EQ cao. Hạnh phúc và tiếng cười là một trong những liều thuốc tốt nhất mà bạn có thể có để xử lý căng thẳng.
Theo Forbes, Zaho Blogs