Châu Á - mảnh đất của những nét văn hóa bí ẩn và vô số các món ăn ngon. Theo tác giả Bethany Currie của chuyên trang du lịch The Culture Trip, đồ ăn của châu Á còn được cho là lành mạnh hơn so với đồ ăn của các quốc gia phương Tây do chứa ít chất béo, bơ sữa hay các chất phụ gia và nhấn mạnh hơn vào các thành phần tự nhiên. Hãy xem đâu là món ăn lành mạnh nhất của châu Á theo quan điểm của Bethany Currie nhé.
1. Cơm chiên rau củ
Mặc dù đây không phải là một món ăn đặc sắc trong ẩm thực châu Á nhưng lại khá phổ biến ở các quốc gia ở Nam Á hay vùng Viễn Đông vì gạo là thực phẩm chính ở đây và không ngạc nhiên khi họ đã tiến hành biến tấu nó để tạo ra món ăn này.
Đặc biệt ở mỗi 1 quốc gia thì hương vị của món cơm chiên rau củ này lại có chút khác biệt với các thành phần rau củ khác nhau (như ớt chuông, hành tây, cà chua...) cũng như các loại gia vị như tương, dầu mè hay hỗn hợp các gia vị cay (masala paste)
2. Phở
Phở - món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Việt, vẫn được cho là "quốc hồn quốc túy" của người Việt Nam, không ai là không biết vinh dự đứng thứ 2 trong danh sách những món ăn lành mạnh nhất châu Á. Phở có nước dùng được hầm từ xương, ăn cùng sợi phở làm từ bột gạo và thịt bò hoặc thịt gà. Phở chứa nhiều protein nhưng lại ít chất béo cộng thêm với các loại rau thơm ăn kèm nên là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và do đó, được nhiều người chọn là món ăn bắt đầu một ngày mới.
3. Cà ri xanh Thái Lan
Mặc dù các phiên bản cà ri xanh Thái Lan ở nhiều quốc gia khác có thể chứa nhiều kem béo, nhưng phiên bản gốc của Thái thì cay hơn và lành mạnh hơn. Thành phần chính là thịt gà hoặc cá, các loại rau, hỗn hợp bột cà ri xanh (được làm từ ớt, sả, rau mùi...) và nước cốt dừa. Khi ăn cùng cơm hoặc mỳ gạo, món ăn tạo nên một hương vị thơm ngon. Và do nó chứa lượng năng lượng và protein dồi dào nên bạn không cần ăn quá nhiều.
4. Sushi Nhật Bản/Cơm cuộn rong biển Hàn Quốc
Vì hầu như có các thành phần tương tự (như tôm, cá hồi, cơm, rong biển) nên món sushi Nhật Bản và cơm cuộn Hàn Quốc được xếp chung với nhau. Do hải sản là đồ tươi sống nên chúng giữ được các chất dinh dưỡng tốt nhất và không hề bị mất đi qua quá trình nấu nướng. Ngoài ra, chúng được chấm trong nước tương, mù tạt và ăn kèm với một số gia vị như gừng nên vừa giúp gia tăng hương vị món ăn vừa tốt cho sức khỏe.
5. Món xào
Một món ăn phổ biến ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam - món xào, sự kết hợp của các loại rau củ cùng một loại protein nào đó, ví dụ như tôm, thịt, thêm các loại gia vị như gừng, ớt, tỏi, dầu mè... rất tốt cho sức khỏe. Món xào thường được thực hiện trên chảo nóng, xào đảo đều và nhanh tay. Món ăn chín tới thì tắt bếp ngay để giữ được nhiều vitamin và dưỡng chất nhất.
6. Cá nướng
Trong ẩm thực của nhiều nước châu Á, cá thường được nướng trên vỉ và đây là một trong những cách ăn tốt nhất, vì nó chứa ít chất béo hơn so với việc chiên rán. Thêm vào đó, việc nướng cá sẽ giúp cá chín nhanh hơn và giữ lại được hương vị thơm ngon. Cá nướng có thể dùng với cơm, bún, mỳ... đều rất ngon. Các loại cá phổ biến được dùng để nướng bao gồm cá hồi, cá thu, cá quả, cá rô phi...
7. Thịt nướng Nhật Bản/Hàn Quốc
Ẩm thực Nhật Bản và Hàn Quốc có một số điểm chung, và một trong số đó chính là món thịt (lợn, gà, bò) nướng trên than. Nếu biết cách nướng (không nướng quá lâu hoặc để thịt cháy đen) thì đây cũng chính là một món ăn giàu dinh dưỡng và rất lành mạnh do hạn chế được chất béo trong đồ ăn cũng như vì nó được ăn kèm với các loại rau và nấm tốt cho sức khỏe.
8. Tráng miệng
Nói chung người châu Á dùng các món bánh tráng miệng ít hơn người phương Tây và nếu có dùng thì họ cũng thường chọn những món bánh chứa ít chất béo hoặc đường hơn, ví dụ như bánh mochi trà xanh (Nhật Bản), hoặc xôi xoài (Thái Lan) hoặc chè đậu đỏ (Việt Nam)...
Lợi ích của việc dùng đũa
Cũng trong bài viết này, tác giả Bethany Currie có một quan sát thú vị khi nhắc đến văn hóa dùng đũa khi ăn của người châu Á, không ngờ cũng là một thói quen tốt cho sức khỏe.
Theo các kết quả nghiên cứu, việc dùng đũa để ăn sẽ giúp chúng ta tiêu thụ thực phẩm ít hơn, do đó ít tăng cân hơn, đặc biệt là những người phương Tây chưa quen cách dùng đũa nên khi ăn sẽ rất lóng ngóng và do đó, quá trình ăn của họ cũng mất nhiều thời gian hơn. Việc này đồng nghĩa với việc họ dễ nhận ra là họ đã no trước khi kết thúc bữa ăn. Trong khi đó, nếu dùng dao và dĩa thì họ đã kết thúc bữa ăn trước cả khi não phát đi tín hiệu là cơ thể đã ăn đủ.
Theo Culture Trip