7 loại tình yêu mà chúng ta có thể gặp trong đời được định nghĩa dưới góc nhìn tâm lý học

Chi Chi | 31-10-2022 - 16:29 PM

(Tổ Quốc) - Thuyết tam giác tình yêu cho rằng bạn có thể trải nghiệm nhiều kiểu tình yêu với 1 người theo thời gian.

Tình yêu là đề tài muôn thuở của con người. Dưới góc nhìn của khoa học, tâm lý học, tình yêu cũng có thể được phân tích và giải thích. Vào cuối thập niên 80, Tiến sĩ Robert Sternberg đã đưa ra thuyết tam giác tình yêu và phân loại tình yêu của con người thành 7 loại khác nhau. 

Theo nhà tâm lý học, có 3 thành phần “cấu tạo” nên mối quan hệ giữa người với người, bao gồm: sự thân mật, sự đam mê và tận tụy/cam kết. Tầm quan trọng của mỗi thành phần có thể khác nhau giữa người này với người khác và giữa các cặp đôi nhưng cả 3 thành phần đều cần thiết cho một mối quan hệ lãng mạn lý tưởng. Dựa trên sự có mặt của các thành phần này trong mối quan hệ, ông đã phân loại tình yêu thành 7 loại cơ bản:

Thích (Tình bạn)

Loại tình cảm này là khi giữa 2 người có yếu tố thân thiết hoặc thích, thế nhưng cảm giác đam mê và muốn cam kết theo nghĩa lãng mạn bị thiếu. Tình bạn có thể là gốc rễ, là sự bắt đầu của các dạng tình yêu khác. 

Say mê

Say mê là khi giữa hai người có cảm giác bị thu hút và ham muốn thể xác nhưng chưa thích và chưa có sự cam kết. Thường những người đang ở trong dạng tình cảm này chưa có đủ thời gian để phát triển cảm giác thân thiết sâu sắc hơn. Nó có thể dẫn tới tình yêu lãng mạn hoặc tình yêu viên mãn. Cảm xúc say mê ban đầu thường rất mạnh mẽ. 

7 loại tình yêu mà chúng ta có thể gặp trong đời được định nghĩa dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tình yêu trống rỗng

Tình yêu trống rỗng có đặc trưng là chỉ có sự cam kết mà không có đam mê hoặc sự thân mật. Đôi khi, một tình yêu mạnh mẽ sẽ biến thành tình yêu trống rỗng. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Ví dụ, một cuộc hôn nhân sắp đặt có thể khởi đầu trống rỗng nhưng nảy nở thành một dạng tình yêu khác theo thời gian.

Tình yêu lãng mạn

Tình yêu lãng mạn gắn kết tình cảm con người bằng cảm xúc thông qua sự gần gũi, thân mật và đam mê thể xác. Những người đang ở trong kiểu quan hệ này có những cuộc trò chuyện sâu sắc giúp họ biết những chi tiết thân mật về nhau. Họ tận hưởng niềm đam mê về cả mặt cảm xúc lẫn tình dục. Những cặp đôi này có thể đang ở thời điểm mà cam kết lâu dài hoặc kế hoạch tương lai vẫn chưa được quyết định. 

Tình yêu đồng hành

Tình yêu đồng hành, tình nghĩa là một loại tình yêu thân mật, nhưng không có sự say mê, cuồng nhiệt. Nó bao gồm 2 thành phần thân thiết hoặc thích và thành phần cam kết trong tam giác tình yêu. Nó mạnh hơn tình bạn, bởi vì có một cam kết lâu dài, nhưng có rất ít hoặc không có ham muốn tình dục. 

Kiểu tình yêu này thường xuất hiện trong những cuộc hôn nhân mà sự mê đắm đã hết, nhưng đôi vợ chồng vẫn tiếp tục có tình cảm sâu sắc hoặc một mối quan hệ bền chặt. Đây cũng có thể là tình cảm giữa những người bạn rất thân và những người thân trong gia đình. 

7 loại tình yêu mà chúng ta có thể gặp trong đời được định nghĩa dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tình yêu bốc đồng

Trong loại tình yêu này, yếu tố cam kết và đam mê hiện diện trong khi sự thân mật hoặc thích không có. Tình yêu kiểu này thường xuất hiện trong giai đoạn tán tỉnh giữa đôi bên, khi các ham muốn ví dụ như mong muốn có người yêu, có người quan tâm kích thích họ trong khi thật sự hai người chưa thích nhau. Kiểu tình yêu bốc đồng có thể phát triển thành tình yêu dạng khác hoặc không. 

Tình yêu trọn vẹn

Tình yêu trọn vẹn là khi cả 3 thành phần trong tình yêu đều có đủ. Nó thể hiện một mối quan hệ lý tưởng. Những cặp đôi trải qua kiểu tình yêu này sẽ có quan hệ tình dục tuyệt vời sau vài năm. Họ không thể tưởng tượng mình với bất kỳ ai khác. Họ cũng không thể thấy mình thực sự hạnh phúc nếu không có đối phương bên cạnh. Đây chắc chắn là kiểu tình yêu ai cũng khao khát có được trong đời. 

7 loại tình yêu mà chúng ta có thể gặp trong đời được định nghĩa dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nguồn: Simply Psychology

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM